Nhiều đồng minh ngần ngại cử tàu chiến tham gia liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu

16:00' 26-12-2023
Nhiều đồng minh ngần ngại cử tàu chiến tham gia liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu, dấu hiệu cho thấy bất đồng trong nỗ lực đối phó Houthi ở Biển Đỏ.


    Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha ngày 24/12 thông báo quyết định từ chối tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.

    Lầu Năm Góc tuần trước thông báo tổng cộng 20 quốc gia đã đồng ý tham gia liên minh hàng hải tiến hành Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG), nhằm ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Tây Ban Nha ban đầu được Mỹ thông báo có tên trong liên minh, nên quyết định từ chối tham gia của Madrid được ví như "gáo nước lạnh" dội vào Washington.

    Tàu hộ vệ Languedoc và tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Arab hồi năm 2021. Ảnh: US Navy

    Chuyên gia hàng hải John Konrad nhận định Mỹ buộc phải thành lập liên minh đa quốc gia tuần tra Biển Đỏ, bởi hải quân Mỹ không có đủ tàu chiến và nhân lực để tự tiến hành các hoạt động hộ tống, bảo vệ tàu hàng đi qua tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Việc xây dựng liên minh 20 nước sẽ giúp họ có nguồn lực hùng hậu về phương tiện và thông tin tình báo để kiểm soát khu vực rộng lớn tại Biển Đỏ và Biển Arab.

    "Một trong những vấn đề lớn nhất với chiến dịch là chỉ vài nước đồng ý triển khai tàu chiến hoặc khí tài chủ chốt cho liên minh, số còn lại chỉ cử lượng nhỏ quân nhân đóng vai trò tùy viên hoặc quan sát viên. Đây là trở ngại không nhỏ khi các đồng minh chủ chốt từ chối để chiến hạm của họ nằm dưới quyền kiểm soát của hải quân Mỹ", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway viết trên chuyên trang War Zone.

    Reuters cho biết hải quân Tây Ban Nha sẽ chỉ đồng ý góp mặt trong hoạt động do Liên minh châu Âu (EU) hoặc NATO chỉ huy. Italy đã điều động tàu hộ vệ tên lửa Virginio Fasan đến khu vực, nhưng nó sẽ không tham gia OPG, vốn sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của Đơn vị chuyên trách số 153 do Mỹ điều hành.

    Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh tuần trước nói rằng nước này sẽ đóng góp tàu khu trục phòng không HMS Diamond cho liên minh, trong khi hàng loạt tàu khác ở khu vực gồm HMS Lancaster, HMS Chiddingfold, HMS Middleton, HMS Bangor và RFA Cardigan Bay sẽ tiếp tục hoạt động độc lập.

    Tàu hộ vệ tên lửa Languedoc của Pháp đang hiện diện ở Biển Đỏ và hồi đầu tháng đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) do lực lượng Houthi triển khai, nhưng nó cũng không chịu sự chỉ đạo của OPG. Australia chỉ cử 11 quân nhân, trong khi Hy Lạp cam kết điều động một tàu hộ vệ chưa rõ chủng loại.

    Vị trí Biển Đỏ. Đồ họa: AFP

    Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder tuần trước từ chối bình luận lý do Bahrain là quốc gia Arab duy nhất công khai gia nhập OPG. Những cường quốc khu vực như Arab Saudi và Ai Cập đều chưa thể hiện ý định tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu.

    "Thiết lập liên minh đa quốc gia cho các hoạt động quy mô lớn như vậy chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng động thái của những đồng minh thân cận nhất với Mỹ rõ ràng là bước lùi không nhỏ", Rogoway nhận xét.

    Houthi, lực lượng đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào tàu bè trên Biển Đỏ nhằm hỗ trợ Hamas trong cuộc xung đột với Israel, đã ra tuyên bố hoan nghênh lập trường của Tây Ban Nha, nói rằng họ đánh giá cao việc Madrid "không bị lôi kéo bởi những lời nói dối về vấn đề hàng hải" từ Washington và London.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Westbourne Grammar Vùng: Truganina. Phone: 9731 9448
Xem thêm

trường học chuyên định hình nên những con người truyền cảm hứng cho thế giới


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dau-hieu-ran-nut-trong-lien-minh-hai-quan-doi-pho-houthi-4692993.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ