Nhận diện những kiểu nhân viên khó có khả năng thăng tiến
1. Những nhân viên buôn chuyện, gây nhiều rắc rối
Một số nhân viên thường thích buôn chuyện sau giờ làm việc. Họ thích buôn chuyện sau lưng đồng nghiệp và nói về cuộc sống riêng tư của người khác. Mặc dù đó có thể là lời nói vô hại nhưng thói quen xấu này sẽ gây hoạ về sau.
Vì sự kém cỏi, không bằng người khác nên có những người tỏ ra đố kỵ, ghen ghét đồng nghiệp, thích buôn chuyện nói xấu, gây thị phi nơi công sở. Bất kỳ chuyện lớn nhỏ, họ đều soi mói, phao tin đồn nhảm, tạo sự chú ý, hạ bệ người khác.
Nếu người sếp có cấp dưới thích buôn chuyện, gây nhiều rắc rối thì một ngày nào đó, hoạ sẽ ập tới. Người sếp có thể bị phản bội, bị nói xấu sau lưng. Vì vậy, làm lãnh đạo, bạn nên cẩn thận với kiểu nhân viên thích buôn chuyện, hay tọc mạch.
Lãnh đạo, cấp trên rất ghét nhân viên sử dụng thời gian làm việc để tám chuyện, gây loạn văn phòng. Vấn đề đó không chỉ ảnh hưởng đến người khác mà còn khiến kết quả làm việc của bản thân nhân viên đó sụt giảm, không đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
2. Nhân viên làm việc không hiệu quả
Một số cấp dưới mỗi ngày đều tỏ ra bận rộn. Họ có vẻ siêng năng và chăm chỉ, luôn tuân theo yêu cầu công việc của lãnh đạo. Họ không có bất kỳ phản kháng nào, luôn nghe lời vô điều kiện.
Kiểu nhân viên này khá trung thành, dễ quản lý hơn nhưng thường họ lại không làm việc hiệu quả, chất lượng công việc cực kỳ thấp. Là lãnh đạo, bạn nên chọn những nhân viên thông minh, có con mắt tinh tường, có thể giải quyết mọi việc dứt khoát. Nhân viên năng lực yếu kém không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn làm “vướng chân” đồng nghiệp, khiến cho các dự án bị đình trệ, ảnh hưởng xấu.
3. Nhân viên có EQ thấp
Một số nhân viên làm việc không có gì sai, cái sai của họ là hay lỡ mồm miệng, không quan tâm đến thể diện người khác.
Không phải là coi thường những người có EQ thấp nhưng vấn đề là những người này chỉ biết cắm đầu vào làm việc, không quan tâm đến sự phát triển, không duy trì các mối quan hệ xung quanh. Điều này khiến họ trở nên kiệt sức, không đảm bảo được hiệu quả công việc.
Những người có chỉ số EQ thấp thường ít động não suy nghĩ, không biết tính toán xem đâu là cách làm việc thông minh, hiệu quả. Họ vừa nhận nhiệm vụ đã vùi mặt vào làm, chỉ cần không làm sai là được. Vậy nên năng lực của họ không thể phát triển và không thể mang lại sự đột phá cho doanh nghiệp. Và tất nhiên, các sếp sẽ không có thiện cảm, không trọng dụng, thậm chí là không thích những nhân viên như vậy.
4. Thái độ, hành động kém văn minh
Có những người dù làm việc chăm chỉ, không thích gây thị phi, không cãi lời sếp,… Tuy nhiên vì bản chất nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc nên đôi khi áp lực, họ đã có thái độ, hành động kém văn minh. Điều này khiến cho đồng nghiệp tức giận mà sếp cũng sẽ thất vọng.
Hay có những nhân viên tài giỏi, thường xuyên đạt được thành tích cao nhưng lại thường xuyên tranh luận, cãi vạ một cách bảo thủ, có hành động “ném đá giấu tay”, kể lể, nói xấu người khác để quảng bá bản thân. Với những người này, sếp cũng không thích và cơ hội thăng tiến của họ không cao.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/sep-biet-nhin-nguoi-khong-dung-4-kieu-nguoi-nay-tai-gioi-thong-minh-toi-dau-cung-coi-nhu-bo-di-neu-khong-muon-co-ngay-hoa-don-vo-chi-20230713114918496.chn