Nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi
Nhiều người nghĩ rằng cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi vào ban ngày không phải là vấn đề lớn. Thông thường, nó không gây hại nhiều. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian dài và ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Nhiều yếu tố có thể góp phần khiến bạn mệt mỏi. Có thể bạn ngủ không đủ giấc vì vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn chứng ngưng thở khi ngủ hoặc chứng ngủ rũ. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi và đưa ra cách xử trí phù hợp.
Di chứng hậu Covid-19
Theo tạp chí Prevention, điều này có thể phức tạp để xác định chính xác, nhưng điều quan trọng là phải xem xét nếu bạn đã mắc Covid-19. Tình trạng hậu Covid-19, hay còn gọi là Long Covid, là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một loạt các vấn đề sức khỏe mới, mà người bệnh gặp phải sau khi bị mắc Covid-19 từ 4 tuần trở lên. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa Mỹ (CDC), ngay cả những người không có triệu chứng hoặc nhẹ cũng có thể phát triển các tình trạng hậu Covid-19.
Tiến sĩ Thomas Russo, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo, New York (Mỹ), cho biết nhiều người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không thể ngủ sau một thời gian mắc Covid-19.
Ngoài mệt mỏi, bạn có thể có các triệu chứng như khó thở hoặc thở gấp, cảm thấy mệt mỏi hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, hoặc bị ho kéo dài, đau khớp hoặc cơ, khó ngủ, chóng mặt khi bạn đứng lên và thay đổi khả năng ngửi và nếm mọi thứ.
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: Goodto. |
Ăn kiêng
Theo Healthline, nếu thường xuyên bỏ bữa, bạn có thể không nhận được lượng calo cần thiết để duy trì năng lượng. Khoảng thời gian dài giữa các bữa ăn có thể khiến lượng đường trong máu tụt xuống, làm giảm năng lượng của bạn.
Vì vậy, để ngăn ngừa mệt mỏi, điều quan trọng là bạn không được bỏ bữa. Đồng thời, bạn cũng nên ăn những món ăn nhẹ tăng cường năng lượng lành mạnh giữa các bữa chính, đặc biệt khi cảm thấy uể oải. Các lựa chọn ăn nhẹ lành mạnh bao gồm chuối, bơ đậu phộng, bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên hạt, thanh protein, trái cây khô và các loại hạt.
Thiếu vitamin
Luôn luôn mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt các loại vitamin bao gồm vitamin D, vitamin B-12, sắt, magiê hoặc kali. Xét nghiệm máu định kỳ có thể giúp xác định sự thiếu hụt này.
Bác sĩ cũng có thể kê cho người bị thiếu hụt vitamin bằng thực phẩm chức năng. Bạn cũng có thể tăng cường ăn một số loại thực phẩm để điều chỉnh sự thiếu hụt tự nhiên. Chẳng hạn, ngao, thịt bò và gan có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin B-12.
Thiếu ngủ
Thức khuya có thể ảnh hưởng mức năng lượng của bạn. Hầu hết người lớn cần ngủ 7-9 giờ mỗi đêm. Nếu có thói quen thức khuya, bạn có nguy cơ cao bị thiếu ngủ. Ngủ ít hơn số giờ được khuyến nghị mỗi đêm không chỉ gây mệt mỏi, suy giảm hiệu suất và nguy cơ tai nạn lớn hơn mà còn dẫn đến những hậu quả bất lợi cho sức khỏe.
Vì vậy, bạn nên tạo thói quen ngủ đủ giấc để tăng cường năng lượng. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn nên đi ngủ sớm, ngủ trong phòng tối, yên tĩnh và thoải mái, tránh các hoạt động kích thích trước khi đi ngủ như tập thể dục quá sức và xem TV.
Thừa cân
Thừa cân cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi. Bạn càng nặng cân, cơ thể càng phải làm việc khó khăn hơn để hoàn thành các công việc hàng ngày như leo cầu thang hoặc dọn dẹp.
Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch giảm cân và cải thiện mức năng lượng hàng ngày. Bắt đầu bằng hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi lội và tăng dần cường độ khi sức chịu đựng của bạn cho phép. Ngoài ra, ăn nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế ăn nhiều đường, đồ ăn vặt và đồ ăn béo cũng hỗ trợ hiệu quả.
Căng thẳng quá mức
Theo Medical News Today, nhiều vấn đề trong cuộc sống có thể gây căng thẳng, chẳng hạn công việc, vấn đề tài chính, các mối quan hệ, sự kiện lớn và những biến động như chuyển nhà, thất nghiệp và mất người thân. Căng thẳng mạn tính có thể gây đau đầu, căng cơ, các vấn đề về dạ dày, mệt mỏi, dẫn đến suy kiệt về thể chất, tinh thần và bệnh tật.
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc chạy trốn. Điều này gây ra sự gia tăng các hormone căng thẳng cortisol và adrenaline, giúp cơ thể sẵn sàng đối phó với những tình huống như vậy. Với liều lượng nhỏ, phản ứng này là an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp căng thẳng mạn tính hoặc liên tục, nó sẽ ảnh hưởng nguồn lực của cơ thể, khiến bạn cảm thấy kiệt sức.
Vì vậy, bạn nên học cách kiểm soát căng thẳng có thể cải thiện mức năng lượng, bắt đầu bằng cách đặt ra các giới hạn, tạo ra mục tiêu thực tế và thay đổi suy nghĩ. Hít thở sâu và thiền cũng có thể giúp bạn bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng.
Căng thẳng mạn tính có thể gây mệt mỏi, uể oải. Ảnh: Vlvcoach. |
Lười vận động
Hoạt động thể chất cũng có thể tăng mức năng lượng của bạn. Mặt khác, lối sống ít vận động có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và buồn ngủ. Ngoài ra, khi cảm thấy mệt mỏi, mọi người thường muốn thư giãn và càng lười vận động hơn. Tuy nhiên, lúc này, việc đứng dậy và di chuyển có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm để tái tạo năng lượng, xua tan mệt mỏi.
Nếu bạn đã không tập thể dục trong một thời gian, hãy bắt đầu từ từ với việc đi bộ khoảng 10 phút mỗi ngày, tăng dần lên 30 phút vào 5 ngày mỗi tuần. Các hoạt động thể dục vừa phải khác bạn có thể thực hiện để tăng cường năng lượng bao gồm: Đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe, chơi quần vợt.
Bệnh tiểu đường
Luôn cảm thấy mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường. Đường, còn gọi là glucose, là nhiên liệu giúp cơ thể hoạt động. Điều đó có nghĩa là những người mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp rắc rối khi không thể sử dụng glucose đúng cách, khiến nó tích tụ trong máu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, không có đủ năng lượng để giữ cho cơ thể hoạt động trơn tru, người mắc bệnh tiểu đường thường nhận thấy mệt mỏi là một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên.
Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể bạn không tạo đủ insulin. Điều này có thể gây ra lượng đường trong máu cao, ảnh hưởng sự tập trung, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.
Ngoài cảm giác mệt mỏi mọi lúc, các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường bao gồm khát nước, đi tiểu thường xuyên, đói, sụt cân, khó chịu, nhiễm trùng nấm men và mờ mắt.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nguyen-nhan-khien-ban-luon-cam-thay-met-moi-post1294304.html