Nguyên nhân gây phù chân ở bà bầu
Nhiều người thường quan niệm khi mang thai không cần thiết phải chưng diện cầu kỳ về trang phục. Bởi lẽ phụ nữ đang mang bầu thì cần gì làm đẹp, chưa nói làm đẹp còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em bé.
Cũng vì quan niệm ấy mà một bà bầu đã bị chồng mắng khi thấy cô mua về mấy đôi giày mới. Người chồng cho rằng vợ không biết tiết kiệm chi tiêu, những đôi giày và dép cũ vẫn còn sử dụng tốt thì cô lại mua thêm một loạt mới. Trong khi đó khi em bé ra đời còn rất nhiều khoản tiền cần lo. Suy nghĩ của phản ứng của ông bố tương lai cũng là điều có thể hiểu được.
Đôi chân của bà bầu này trước và sau khi mang thai.
Trước sự tức giận của chồng, cô vợ đã chỉ xuống bàn chân của mình để chồng xem. Sau khi nhìn rõ bàn chân vợ, anh lập tức thấy hối hận và thương vợ hơn bao giờ hết. Hóa ra do mang bầu nên bàn chân của cô vợ này phù to hơn bình thường rất nhiều. Tất cả giày dép cũ cô không thể đi vừa được nữa, buộc lòng phải mua những đôi mới kích cỡ to hơn.
Nhìn bàn chân phù to và xấu xí của vợ, người chồng càng thấm thía hơn những hi sinh về sắc đẹp và sức khỏe mà phụ nữ phải chịu trong quá trình mang thai, sinh con.
Những đôi dép cũ của bà bầu này đã trở nên nhỏ bé.
Mang thai là một hành trình hạnh phúc nhưng cũng chứa đầy nỗi vất vả đối với mỗi bà mẹ. Thai phụ gặp phải khá nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần trong thai kỳ, một trong số đó có hiện tượng phù chân.
Có 3 nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng phù chân ở phụ nữ khi mang thai:
- Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất lượng máu và chất lỏng nhiều hơn 50% so với bình thường nhằm giúp nuôi dưỡng thai nhi. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây phù nề ở phụ nữ mang thai.
- Khi thai càng lớn, tử cung của bạn cũng sẽ lớn hơn, gây nên áp lực, chèn lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là những tĩnh mạch có nhiệm vụ bơm máu từ chi dưới về tim, khi sức ép càng lớn thì máu sẽ dồn nhiều ở chân, gây hiện tượng phù, nhất là vị trí bàn chân, mắt cá.
- Sự thay đổi hormon trong thai kỳ cũng đóng vai trò quan trọng gây nên hiện tượng phù. Hormon trong cơ thể bạn thay đổi khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn, điều này gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới về tim.
- Ngoài ra, một số nguyên nhân phổ biến khác gây chứng phù chân khi mang thai như: đứng quá lâu, thường xuyên mang giày cao gót, làm việc nặng nhọc, chế độ ăn nhiều Natri, thiếu Kali, thời tiết nắng nóng.
Bà bầu cần làm gì nếu bị phù chân?
Sưng phù bàn chân và mắt cá chân là hiện tượng phổ biến khi mang thai và sẽ mất đi sau khi sinh con. Tuy nhiên nó khiến bà bầu không thoải mái và bất tiện trong sinh hoạt. Bạn hãy chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn nhé, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi.
Nếu bạn đã nghỉ ngơi nhưng tình trạng sưng phù vẫn không thuyên giảm hoặc có bất kỳ sự bất thường nào như cảm thấy đau đầu, buồn nôn, mắt nhìn mờ, sưng đột ngột ở mặt, tay thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể.
Phù chân thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ và là dấu hiệu cảnh báo của tiền sản giật vô cùng nguy hiểm, bởi vậy trong giai đoạn này bà bầu nên khám thai thường xuyên, theo dõi huyết áp và thông báo với bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu bất thường khác.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/vo-mang-bau-con-lien-tuc-mua-giay-moi-chong-tuc-gian-chat-van-de-roi-phai-hoi-han-thuong-vo-khi-biet-ly-do-20210201000826031.chn