Nguồn cơn căng thẳng giữa Nga và Ukraine
|
Nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang. Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm cách can thiệp. Nếu giao tranh nổ ra, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine được cho là sẽ trở thành cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
New York Times dẫn một nguồn tin cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét triển khai vài nghìn lính Mỹ cùng các khí tài như tàu chiến và máy bay đến căn cứ của các đồng minh thuộc khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Baltic và Đông Âu.
Động thái nói trên được cho là chỉ dấu cho thấy sự chuyển hướng trong cách tiếp cận của Washington đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Căng thẳng leo thang
Nga đã điều động khoảng 100.000 quân đến gần biên giới với Ukraine. Mỹ cũng đưa ra một số thông tin tình báo cho rằng Nga có kế hoạch đưa 175.000 quân vào lãnh thổ Ukraine.
Lực lượng của Ukraine được dự đoán là sẽ khó có khả năng ngăn chặn quân lực nói trên từ phía Nga, bất chấp thực tế rằng hầu hết binh sĩ Ukraine được cung cấp trang thiết bị và huấn luyện bởi quân đội Mỹ.
Dù được huấn luyện và hỗ trợ bởi quân đội Mỹ, lực lượng của Ukraine bị đánh giá thấp hơn các đơn vị của Nga. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Biden nhận định rằng việc Nga đưa quân vào Ukraine sẽ là “động thái gây ra nhiều hệ lụy nhất đối với nền hòa bình thế giới kể từ sau Thế chiến II”.
Các nguồn tin tình báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Putin chưa đưa ra quyết định cụ thể đối với tình hình ở Ukraine. Do đó, Washington vẫn chưa cân nhắc bất kỳ phương án quân sự cụ thể nào, bao gồm việc triển khai thêm lính Mỹ đến Ukraine.
Nga đã đưa ra một danh sách các yêu cầu phổ quát, bao gồm việc NATO cam kết ngừng mở rộng ảnh hưởng về phía đông, đồng thời không kết nạp Ukraine làm thành viên. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng những yêu cầu từ phía Nga là không thể chấp nhận được.
Giới chức Nga đã nhiều lần khẳng định rằng Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine và việc huy động quân số khổng lồ ở biên giới là để phục vụ mục đích tập trận.
Trong trường hợp giao tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đe dọa sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, nhiều khả năng còn nghiêm ngặt hơn các chính sách được đưa ra vào năm 2014, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.
Đáp lại, ông Putin cảnh báo việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới có thể dẫn đến “sự rạn nứt hoàn toàn” của mối quan hệ giữa Moscow và Washington.
Nguồn cơn xung đột
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã âm ỉ từ năm 2014. Thời điểm đó, quân đội Nga đã tiến vào lãnh thổ Ukraine sau khi tổng thống thân Nga của nước này bị lật đổ.
Nga đồng thời bị cáo buộc kích động cuộc nổi dậy của phe ly khai ở miền Đông Ukraine. Năm 2014 cũng đánh dấu sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
Các bên liên quan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2015. Tuy nhiên, các đợt giao tranh khốc liệt đã làm ít nhất 13.000 binh sĩ và dân thường thiệt mạng, theo New York Times.
Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vào năm 2014 đã gây ra thương vong đáng kể về người. Ảnh: New York Times. |
Lập trường của Điện Kremlin đối với nước láng giềng ngày càng trở nên cứng rắn khi Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định Ukraine về cơ bản là một phần của Nga trên phương diện văn hóa và lịch sử.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang vào cuối tháng 10/2021 khi Ukraine sử dụng máy bay không người lái có vũ trang để tấn công một khẩu lựu pháo thuộc về lực lượng ly khai ở miền Đông nước này, vốn được Nga hậu thuẫn. Moscow sau đó gọi cuộc tấn công này là động thái gây bất ổn và vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Đồng thời, Tổng thống Putin miêu tả sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng về phía đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga. Do đó, ông cho rằng việc Moscow chuẩn bị quân đội đơn thuần là một phản ứng của Nga trước sự tăng cường quan hệ giữa NATO và Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về sự mở rộng hoạt động của NATO. Ảnh: AP. |
Phản ứng của Mỹ và NATO
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Putin điều động quân số đáng kể đến biên giới với Ukraine vào thời điểm hiện tại là một nước đi có chủ đích, hướng tới việc củng cố chủ nghĩa dân tộc ở Nga. Vào năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và nền kinh tế Nga gặp khó khăn, các nhóm đối lập đã tổ chức một số cuộc biểu tình chống Putin lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dẫu vậy, một số nhà phân tích cho rằng nước đi nói trên của ông Putin có thể phản tác dụng. NATO nhiều khả năng củng cố sự hiện diện quân sự của khối này ở các nước thành viên có biên giới giáp Nga. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng có thể làm giảm sự ủng hộ của người dân Nga đối với Tổng thống Putin.
Vào đầu tháng 12, Tổng thống Biden khẳng định Washington không dự định điều quân đến Ukraine vì nước này không phải là thành viên NATO và không nằm trong cam kết phòng thủ chung.
Thay vào đó, ông Biden cho biết Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước NATO có biên giới với Nga. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cảnh báo về “những hậu quả kinh tế chưa từng thấy” nếu Nga tiến quân vào Ukraine.
Tổng thống Biden đang xem xét kế hoạch chuyển các khí tài quân sự của Mỹ đến gần lãnh thổ Nga hơn. Các lựa chọn khả dĩ bao gồm việc điều động 1.000-5.000 quân đến các nước Đông Âu. Con số này có thể tăng gấp 10 lần nếu tình hình trở nên xấu đi, theo New York Times.
Giới chức Mỹ gần đây cũng cảnh báo rằng Washington có thể hậu thuẫn Ukraine đáp trả lại các động thái tấn công từ phía Nga. Các quan chức Mỹ cũng không loại trừ khả năng Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga về mặt công nghệ, tương tự như cách tiếp cận của họ với Trung Quốc.
các tour châu Á, châu Âu với giá vô cùng rẻ
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/buoc-ngoat-ukraine-post1292064.html