Nghệ sĩ Chí Trung đảm nhận Táo Giáo dục trong chương trình Táo Quân
Nghệ sĩ Chí Trung cho biết nhiều khán giả, trong đó có Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, gửi quà cho dàn nghệ sĩ tập Táo Quân vào đêm khuya.
Cùng với Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quốc Khánh, Vân Dung, Quang Thắng, NSƯT Chí Trung gắn bó với Táo Quân trong hơn một thập kỷ. Năm nay, anh đảm nhận vai Táo Giáo dục.
Nghệ sĩ bật mí với Zing một số thông tin về vai diễn và kỷ niệm trong quá trình tập luyện.
"Quan trọng là tôi có được mời tham gia hay không"
- Theo anh, vì sao Táo Quân trở lại sau một năm tuyên bố ngừng sản xuất?
- Sự trở lại này là tất yếu và đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, đây là chương trình mang lại cảm xúc cho các nghệ sĩ và cả khán giả. Thứ hai, 2020 là một năm có thể nói vô cùng khó khăn, nhiều biến động. Cả thế giới choáng váng vì một con virus. Do đó, chúng ta cần một động lực để tìm lại niềm tin, tinh thần lạc quan.
Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi làm chương trình Gặp nhau cuối năm với câu chuyện làng Vũ Đại chưa đáp ứng được mong mỏi của khán giả. Trong quá trình quay, ngay cả tôi và các nghệ sĩ cũng thấy chưa đạt hiệu quả. Vì thế, chúng tôi cũng mong muốn mang Táo Quân trở lại.
Khoảng 1-2 năm trước, chính tôi phát biểu rằng Táo Quân nên dừng lại để tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo mới. Chẳng ai giận dỗi ai, đơn giản chúng tôi muốn 'refresh' (làm mới mình) để tốt hơn.
Nghệ sĩ Chí Trung đóng Táo Giáo dục trong chương trình Táo Quân phát sóng đêm giao thừa Tết 2021. |
- Tôi nhớ anh cũng từng chia sẻ không muốn tham gia Táo Quân nữa?
- Tôi muốn nói thế này cho các bạn dễ hình dung. Ngay cả các cặp vợ chồng, đôi lứa, có những tối họ không muốn đi chơi riêng, mà ở nhà với bố mẹ chẳng hạn. Đó là chuyện bình thường, không có gì phải đao to búa lớn hay phải "soi" nhau. Trước đây, tôi từng nói tôi ít khi xem phim Việt. Ngay cả phim mình đóng, tôi cũng không xem lại. Bởi vì lúc ấy tôi thấy không hay.
Nhưng 2 năm trở lại đây, tôi lại thấy phim Việt hay và cũng mong muốn được tham gia. Đó là nhu cầu ở từng thời điểm. Nhu cầu khán giả cũng thay đổi mà.
Chẳng hạn, tôi có thể đặt câu hỏi ngược lại rằng vì sao trước đây có những vở kịch bình dị, đơn sơ nhưng mọi người đến xem vẫn đông đúc. Nhưng bây giờ ít người đến rạp, chủ yếu ở nhà xem mọi thứ qua smart phone.
Tôi cũng vậy, có những mong muốn, nhu cầu thay đổi. Bây giờ tôi lại muốn tìm về thói quen ngày xưa. Đó là quy luật phát triển bình thường.
- Anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng Táo Quân là chương trình lớn vào dịp Tết, được đông đảo khán giả quan tâm, nên nghệ sĩ nào cũng mong muốn được góp mặt?
- Tôi nghĩ đó là vinh dự, trách nhiệm. Quan trọng là tôi có được mời tham gia hay không, chứ không phải tôi muốn là được.
Chương trình Táo Quân là “đặc sản” của chúng ta, mà ở đó khán giả là người thụ hưởng, chúng tôi là người làm. Không đồng nghĩa với việc chúng tôi được phép làm hay không làm. Đây là chương trình thuộc bản quyền của VFC với sự góp sức của đạo diễn, NSND Nguyễn Hải Hưng và bây giờ là đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Những người đó mới quan trọng, chứ thiếu 1-2 Táo không phải vấn đề.
Vài năm trước, tôi nói muốn dừng đóng Táo vì cứ khai thác mãi Táo Giao thông không còn giá trị nữa. Nói dài nói dai lại thành nói dại. Nói mãi cũng kông hay. Vì thế, tôi muốn dừng vai Táo Giao thông.
Nhưng không đồng nghĩa với việc tôi không thể làm Táo Kinh tế, Táo Xã hội. Năm nay, tôi làm Táo Giáo dục. Bạn chưa hỏi tôi cũng nói.
Trong năm qua, vấn đề gì nổi cộm, đội ngũ biên tập, biên kịch và đạo diễn sẽ nhìn vào đó để khai thác. Về diễn viên, ai phù hợp với hình ảnh nào, vai nào, ê-kíp sẽ đưa vào.
‘Dàn Táo trẻ sẽ thay thế chúng tôi trong 2-3 năm tới’
- Vai Táo Giáo dục lần này được dự đoán sẽ rất màu sắc, bởi năm qua có nhiều vấn đề như chuyện học online tại nhà vì Covid, sách Tiếng Việt nhiều “sạn”, những bữa ăn học đường “nghèo nàn”… Từ góc nhìn của mình, anh có đồng tình?
- Tôi sẽ không bật mí gì nhiều, để khán giả có sự đón đợi cần thiết. Sẽ rất ngớ ngẩn nếu khoe tôi sẽ thế này hay thế kia. Tôi chỉ có thể nói khán giả sẽ có một chương trình bổ ích với nhiều sự kiện trong năm 2020 qua góc nhìn hài hước.
Táo Giáo dục, Táo Y tế, Táo Xã hội, Táo Kinh tế là 4 nhân vật đại diện lên chầu năm nay. Đương nhiên, góc nhìn của Táo Giáo dục sẽ không có nhiều tiếng cười đâu.
Ngoài ra, năm nay cũng có những Táo trẻ. Họ không chỉ vây quanh, tạo thành vệ tinh cho dàn Táo chính. Chúng tôi đang bồi dưỡng những diễn viên trẻ để có thể thay thế dần trong 2-3 năm tới. Đó là mong muốn của những người làm chương trình.
"Góc nhìn của Táo Giáo dục sẽ không có nhiều tiếng cười" - NSƯT Chí Trung. |
- Những vai Táo do anh đóng thường có nhiều câu nói hay, trở thành “trend” trên mạng xã hội sau đêm 30 Tết. Liệu năm nay, đó sẽ tiếp tục là “đặc sản” của Chí Trung?
- Hôm qua, tôi tình cờ đọc ở một trang nào đó nói về Táo Quân. Các bạn trích những câu nói, hình ảnh của tôi. Tôi thấy có những bình luận kiểu “Chí Trung đóng không hay, không nên làm Táo Quân”, “Sao cứ giữ mãi ông này”… Tôi hơi ngạc nhiên.
Nhưng ngược lại, cũng có người nói những câu nói của tôi trong Táo Quân rất thâm thúy. Hay hay dở, nó còn phụ thuộc vào góc nhìn, suy nghĩ của từng người.
Những câu trend của tôi cũng được đạo diễn, đồng nghiệp giúp sức. Cá nhân tôi là người đọc báo nhiều, có lẽ thế, nên tạo nên một Chí Trung thâm thúy. Nếu khán giả cần tìm một tiếng cười trực diện, nông nổi, họ sẽ thấy Chí Trung diễn cứ chậm chậm, thậm chí ba lăng nhăng.
Hẹn trước với các bạn năm nay vai của tôi sẽ có nhiều câu tạo trend đấy. Những chuyện xảy ra trong năm, tôi cùng ê-kíp đúc kết trong 5, 7 hoặc 15 từ.
Không phải vì tôi hay hoặc thông minh hơn ai. Có lẽ tôi là người nhả đài từ tốt. Đôi khi cùng một câu ấy, người khác nói lại không hay đâu.
Đài từ là cách nhả âm tiết, kết hợp giọng nói, hơi thở. Nhưng đài từ còn là tri thức của người nghệ sĩ, là tổng hợp cả niềm vui, nỗi đau, sự từng trải.... đầy âm sắc, ngữ điệu.
Tự Long, Quang Thắng cũng có nhiều câu hay chứ. Ngọc Hoàng thì thả câu nào “chết” câu đó. Đó là lý do dàn diễn viên Táo Quân khó thay thế và cần có thời gian.
- Việc tập luyện vào đêm khuya trong suốt một tháng có khiến các Táo kỳ cựu như anh hay Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc… bị đuối sức?
- Như các bạn đã biết, tôi quản lý Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng có 16 người giúp sức. Tôi không phải người làm hết mọi việc từ đầu đến cuối. Tôi rất rành mạch, sắp xếp khoa học. Tôi không lo công việc ở nhà hát.
Sắp tới, trong dịp Tết, chúng tôi muốn làm những chương trình, vở diễn về thanh niên, thiếu nhi như vở Trại hoa vàng, Giấc mơ nàng tiên cá, Hai cây phong, Ngược chiều gió…
Hơn nữa, bạn cũng biết đấy, nhu cầu xem kịch của khán giả cũng đang ít đi. Nếu nhu cầu bỗng nhiên cao lên, khán giả rầm rập đổ dến rạp, khéo tôi chỉ ngồi ở đây thật.
Còn Táo Quân chỉ gói gọn trong một tháng. Chúng tôi thường tập từ 19h hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Nhiều khán giả gửi quà đến như bánh mì, hoa quả, cháo gà… vào đêm khuya. Hoa hậu Nguyễn thị Huyền gửi bánh khúc cho nghệ sĩ. Những món quà nhỏ, bình dị nhưng đem lại sự ấm áp, khiến chúng tôi có thêm động lực.
Hình ảnh hậu trường vui vẻ của các nghệ sĩ Táo Quân. Ảnh: NVCC. |
- Ngay khi Táo Quân thông báo trở lại, đa số khán giả tỏ ra háo hức, mong đợi. Sự kỳ vọng này chắc hẳn cũng tạo áp lực không nhỏ cho dàn nghệ sĩ và ê-kíp, thưa anh?
- Như tôi đã đề cập ở trên, nếu nói vui, chúng tôi là những người làm thuê. Sự mong mỏi là có thật, nhưng vấn đề là bạn có làm hay hơn và vượt qua chính mình hay không.
Khán giả mong đợi ngày hôm nay. Nhưng sự thất vọng có thể đến ngay vào sáng mồng Một Tết, sau khi chương trình lên sóng.
Tuy nhiên, ở bối cảnh năm nay, tôi nghĩ mong muốn của khán giả là được xem chương trình giải trí vui vẻ và thoải mái.
Táo Quân và nghệ sĩ chúng tôi không phải đội ngũ tuyên truyền cho bộ ngành nào. Chúng tôi chỉ giải quyết nhu cầu giải trí, nói hộ mong muốn thay đổi của mọi người.
Đừng ai mong mỏi sau Táo Quân, toàn xã hội sẽ phải thay đổi. Thật viển vông. Táo Quân chỉ là một phương tiện, công cụ giải trí, nêu ra những bức xúc, vấn đề của xã hội. Nêu ra thôi, chứ ngày mồng Một năm nào cũng vẫn thế.
Nếu sau khi xem Táo Quân, ngoài đường không ai vứt rác, không bẻ cành lộc, thì lúc ấy hãy trách Táo Quân. Với quan điểm của tôi, Táo Quân chỉ tái tạo cuộc sống, chứ không giải quyết cuộc sống.
Có lẽ điều tôi thấy vui nhất là đọc được nhiều bình luận của khán giả trẻ trên trang cá nhân Phạm Chí Trung. Nhiều bạn nói là sẽ không đi chơi đêm 30 Tết, ở nhà xem Táo Quân. Tôi rất mừng. Tôi mong mỏi sự thay đổi, hướng đến tương lai ở thế hệ trẻ. Chứ tôi không mong mỏi hàng triệu khán giả đều phải ngồi trước tivi đêm Giao thừa để xem chương trình.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/hoa-hau-nguyen-thi-huyen-va-khan-gia-gui-do-an-cho-dan-tao-quan-post1175744.html