Ngày càng nhiều các bạn trẻ theo đuổi lối sống 'vừa đủ, ít áp lực'

11:00' 23-12-2023
Đã một năm Hải Bình quyết định chọn lối sống không công việc ổn định vì sau nhiều năm phấn đấu mà sự nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ.


    Cô gái 30 tuổi ở Hà Nội thừa nhận mình đang sống kiểu mặc kệ đời. "Có chăm chỉ làm việc, không ngại chạy đua với đồng nghiệp, tôi vẫn chẳng tìm thấy thành công", Bình nói.

    Quyết định của Bình khiến bạn bè ngạc nhiên. Trước đây cô từng thường xuyên làm việc 14 tiếng mỗi ngày, sẵn sàng nhận xử lý công việc ngoài giờ. Cô nghĩ sự nhiệt huyết và kết quả công việc sẽ giúp cô thăng tiến. Nhưng đã qua mấy cuộc xét duyệt chức phó phòng kinh doanh, cô vẫn bị cấp trên đánh trượt bởi nhiều lý do. Trong khi đó, thu nhập sau 8 năm đi làm chỉ quanh quẩn mức 10 triệu đồng.

    "Tôi quyết định bỏ cuộc, hạ thấp mục tiêu sống để giảm áp lực và không phải chịu cảm giác thất bại", Hải Bình giải thích.

    Tuấn Anh trong chuyến đi du lịch Ninh Bình đầu năm 2023, sau thời gian về quê nghỉ ngơi do không kiếm được việc làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Tuấn Anh trong chuyến đi du lịch Ninh Bình đầu năm 2023, sau thời gian về quê nghỉ ngơi do không tìm được việc làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Đặt mục tiêu trước năm 30 tuổi có căn hộ riêng, vợ chồng Mai Chi, 29 tuổi, làm việc ngày đêm, hạn chế giải trí, từ chối đi du lịch, gần như không mua sắm để có thể tiết kiệm 70% thu nhập suốt ba năm qua. Nhưng từ giữa năm 2023, cô quyết định từ bỏ kế hoạch bởi giá nhà liên tục tăng phi mã, ngày càng xa tầm với.

    "Tích góp được một phần thì giá nhà, phí sinh hoạt tăng gấp 10, chẳng biết khi nào mới đủ tiền nên giờ tôi kệ, không có nhà thì đi thuê. Từ giờ thích gì mua nấy, miễn bản thân thoải mái, giảm áp lực", Chi nói.

    Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá chung cư ở Hà Nội từ 2015 đến nay đã tăng 56% trong khi thu nhập của người dân khu vực thành thị như Chi chỉ tăng 39%. Chi cho biết tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 15 triệu đồng mỗi tháng, muốn mua căn chung cư giá 2 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại phải tích góp hơn 10 năm, khi cô gần 40 tuổi. Còn để vay ngân hàng thì lương không đủ trả lãi.

    Cũng theo đuổi lối sống "vừa đủ, ít áp lực", Tuấn Anh, thạc sĩ kinh tế 27 tuổi, ở TP HCM, cho biết đã quyết định từ bỏ kỳ vọng làm việc tại các doanh nghiệp lớn, lương trên 1.000 USD. Sau hai năm ra trường, chàng trai không có việc làm bởi công ty lớn không tuyển, doanh nghiệp nhỏ chỉ trả lương 6-7 triệu đồng.

    "Số tiền ấy sao tồn tại được ở thành phố, chưa nói đến việc thỏa mãn nhu cầu chi tiêu cá nhân", Tuấn Anh nói. Chán nản, cuối năm 2022, anh về Đồng Nai sống cùng bố mẹ, tạm gác ý định đi làm.

    Lối sống mặc kệ, không động lực phấn đấu và chỉ duy trì mức sống cơ bản như Hải Bình, Tuấn Anh hay vợ chồng Mai Chi lựa chọn gọi là "tang ping" hay "lying flat" (nằm thẳng). Cụm từ này xuất hiện lần đầu trong một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc đầu năm 2021, chỉ những người từ bỏ tham vọng nghề nghiệp, làm việc tối thiểu, đủ sống qua ngày hoặc không làm gì.

    Jia Miao, phó giáo sư xã hội học của Đại học New York Thượng Hải, Trung Quốc, cho biết mức độ phổ biến của xu hướng này phản ánh sự căng thẳng và thất vọng của giới trẻ trong mọi lĩnh vực cuộc sống.

    PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhận thấy làn sóng "nằm thẳng" phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nay xuất hiện ở Việt Nam dù chưa có thống kê hay khảo sát cụ thể.

    Tìm hiểu của VnExpress thông qua các hội nhóm mạng xã hội, chủ đề thất nghiệp, bỏ việc về quê để giải tỏa căng thẳng hay than phiền công việc không như kỳ vọng nhận nhiều sự quan tâm. Trong nhóm kín về chuyện công sở với gần 870.000 thành viên, các bài viết thường đề cập vấn đề lương thấp không đủ sống, mất động lực phấn đấu hoặc bức xúc khi không được ghi nhận công sức thường thu hút hàng nghìn lượt yêu thích, bình luận.

    Nhắc về nguyên nhân khiến một bộ phận người trẻ Việt Nam hưởng ứng trào lưu "nằm thẳng", PGS.TS Đỗ Minh Cương chỉ ra 6 nguyên nhân. Một là thế hệ trẻ không có động lực phấn đấu bởi cuộc sống hiện nay đã đủ về vật chất, đề cao sở thích cá nhân. Hai là sức ảnh hưởng của mạng xã hội khiến nhiều người bị tác động. Ba là nội tại công việc nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, người lao động nảy sinh tâm lý chán việc. Bốn là ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch khiến thu nhập giảm, lạm phát tăng, mục tiêu mua nhà, sắm xe khó đạt được. Năm là thị trường lao động bấp bênh, thất nghiệp kéo dài. Sáu là áp lực từ cộng đồng, định kiến về việc người trẻ phải thành công trong sự nghiệp, sớm kết hôn, sinh con.

    Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội cho biết thêm, ngày càng nhiều người trẻ gặp phải các vấn đề căng thẳng, mệt mỏi, áp lực đến từ công việc, cuộc sống. Tỷ lệ người đến khám các bệnh liên quan đến tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm tăng ít nhất 20% so với ba năm trước, độ tuổi bệnh nhân đến khám có xu hướng trẻ hóa. Đa số người đến khám thường gặp các áp lực học tập, công việc, đặt mục tiêu cuộc sống cao.

    Khảo sát tháng 10/2023 gần 3.000 độc giả của VnExpress với câu hỏi Bạn làm việc bao nhiêu giờ một ngày?, 61% nói làm việc 8-14 tiếng, 8% trên 14 tiếng.

    "Do vậy, khi sự suy sụp, mệt mỏi và thất vọng đến đỉnh điểm khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ có tâm lý buông xuôi hoặc phản kháng", PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.

    Ông cho biết một số người chọn làm việc chống chế, chỉ hoàn thành khối lượng công việc tối thiểu để không bị sa thải, số khác quyết định bỏ cuộc, sống mặc kệ đời, gạt bỏ mọi mục tiêu phấn đấu.

    Hải Bình cho biết ý định ban đầu chỉ "nằm thẳng" trong thời gian ngắn, nhưng cảm giác thoải mái, tự do khi không phải làm việc khiến cô quyết định nghỉ hưu sớm, dù không chuẩn bị trước.

    "Khi không còn nhiều tiền, bản thân cũng bớt khao khát mọi thứ. Tôi không cần túi xách hàng hiệu, đồng hồ đắt tiền hay gặp bạn bè mà chỉ muốn được nằm dài, tránh xa vòng xoáy của công việc", Bình nói.

    Hiện chi tiêu hàng tháng của cô gái 30 tuổi gói gọn trong hai triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp. Hết hỗ trợ cô sẽ trích tiền tiết kiệm tích góp từ ngày đi làm để chi tiêu.

    Còn với gia đình Mai Chi, khi lương hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, tích lũy, vợ chồng cô chọn lối sống DINK (nhân đôi thu nhập, không con cái) và từ bỏ ước mơ mua nhà, sắm xe. Họ cũng chối phấn đấu trong công việc bởi hiệu suất tăng 2-3 lần, lương chỉ tăng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. "Cố gắng mà không thu lại kết quả thì thà mặc kệ, đến đâu hay đến đó để tránh hy vọng lắm thất vọng nhiều", Chi nói.

    Còn với Tuấn Anh, khó tìm được công việc được cho tương xứng với trình độ, anh vẫn sống dựa bố mẹ. Tuy nhiên, sống khép mình thời gian dài khiến chàng trai trẻ hình thành tâm lý ngại giao tiếp, không muốn đi làm vì quen hưởng thụ.

    Ông Quốc Hữu, bố của Tuấn Anh, nói điều nguy hiểm nhất là thái độ chán chường đã ăn sâu đến mức công việc được trả lương cao thì anh kêu áp lực, khó làm, việc vừa sức lại chê lương thấp. "Lương hưu 8 triệu đồng của vợ chồng tôi nay chia ba. Nuôi con từ khi lọt lòng đến khi gần 30 tuổi vẫn chưa hết trách nhiệm", ông nói.

    Người lao động làm hưởng hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Thanh Tùng

    Người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, tháng 7/2023. Ảnh: Thanh Tùng

    Trước thực trạng trên, các chuyên gia khẳng định lối sống "nằm thẳng" hại nhiều hơn lợi. Với xã hội, việc một bộ phận lao động rời bỏ thị trường lao động ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đứt gãy nguồn nhân lực.

    Người trẻ từ chối đi làm lâu dần sẽ dẫn đến trì trệ, thiếu kết nối với cộng đồng, ngày càng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng và bị đào thải. Chưa kể các hệ lụy ngại kết hôn, sinh con, sống lệ thuộc vào bố mẹ dễ xảy ra.

    Bởi theo khảo sát về mức thu nhập trung bình do Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 8/2023 với gần 3.000 lao động thuộc sáu tỉnh, thành phố cũng chỉ ra tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng quyết định lập gia đình, có con của người lao động, lần lượt chiếm 53,7% và 72%.

    Để thoát khỏi xu hướng này, PGS. TS Đỗ Minh Cương khuyên nên có sự phối hợp của ba bên. Doanh nghiệp cần tích cực lắng nghe nguyện vọng của người lao động, cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Cơ quan quản lý nhà nước tính mức lương thỏa đáng, tìm phương án xây dựng nhà ở giá rẻ, tạo điều kiện để người lao động an cư lạc nghiệp. Và mỗi cá nhân phải tự tạo động lực cho bản thân, tránh trượt dài.

    Nhưng cũng có những người chọn "nằm thẳng" như khoảng nghỉ và chuẩn bị cho mục tiêu mới. Thu Trang, 26 tuổi, ở Nam Định, là ví dụ.

    Liên tục làm việc với cường độ cao khiến cô gái 26 tuổi mệt mỏi, mất động lực phấn đấu và quyết định nộp đơn xin thôi việc. Thay vì nằm dài trong nhà, Trang dành thời gian bổ sung kỹ năng còn thiếu, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đơn vị tuyển dụng.

    "'Tang ping' sẽ tốt nếu biết tận dụng thời gian để phát triển bản thân. Còn không, bạn sẽ trượt dài bởi mất động lực phấn đấu và hối hận khi về già", Trang nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/vi-sao-nguoi-tre-chon-loi-song-bo-cuoc-4690802.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ