Ngành học từng được coi là xui xẻo thu hút giới trẻ Trung Quốc

13:00' 19-11-2021
Cách đây vài năm, Hứa Ngôn từng cảm thấy bối rối khi nhận cuộc gọi báo tin cô trúng tuyển ngành tang lễ.


    Bố mẹ Hứa Ngôn nổi giận, ông bà nội ngoại cũng phản đối gay gắt khi thấy cháu gái định học ngành này. Nhiều người coi đây là một ngành học kỳ quái vì với người Trung Quốc, cái chết là sự pha trộn giữa sợ hãi và xui xẻo. Cô gái quyết định vẫn đến Cao đẳng kỹ thuật và nghề dân sự Trường Sa, tỉnh Hồ Nam để làm thủ tục nhập học.

    Nhân viên nhà tang lễ vận hành thiết bị hỏa táng ở Trung Quốc. Ảnh: qq

    Nhân viên nhà tang lễ vận hành thiết bị hỏa táng ở Trung Quốc. Ảnh: qq

    Chuyên ngành tang lễ gồm bốn phần chính: dịch vụ, thiết bị, bảo quản thi hài và nghĩa trang.

    Hứa Ngôn đăng ký muộn nên lớp dịch vụ tang lễ, bảo quản thi hài đã đủ sinh viên, chỉ còn lớp thiết bị và nghĩa trang. Theo gợi ý của giáo viên, một cô gái nhỏ nhắn như Hứa không phù hợp với ngành thiết bị, bởi nghề này không chỉ bấm nút hỏa táng mà còn phải tháo lắp, sửa chữa máy móc. Cuối cùng, cô đăng ký vào lớp nghĩa trang, học thiết kế và quản lý với những việc như thiết kế bia mộ, một số lập kế hoạch và kinh doanh.

    Tuy nhiên, những gì Hứa Ngôn học không chỉ liên quan đến nghĩa trang. Nghiêm Phi, bạn cùng khóa của Hứa từng đăng thời khóa biểu lên trang cá nhân, trong đó có những môn học như Luật và quy định về tang lễ, giới thiệu dịch vụ và quản lý, nghi thức hay quảng cáo dịch vụ...

    Các lớp học dày đặc ngay từ năm thứ hai cho thấy ngành này không hề đơn giản. Ở trên lớp, Nghiêm Phi rất chăm chú lắng nghe. Cô hiểu, chỉ ở đây mới được học về nghi thức trong đám tang hiện đại. Ví dụ như cách đối đãi với người thân, bạn bè của người quá cố hay công nghệ ướp xác hiện đại, làm sạch thi thể người đã khuất.

    Những sinh viên ngành tang lễ cảm thấy mình giống các bác sỹ pháp y. Họ được học sát trùng bề mặt, sát trùng cơ thể người quá cố. Nếu người qua đời chết vì tuổi già, cách xử lý hài cốt đơn giản nhất. Sợ nhất là gặp xác chết bởi tai nạn. "Chẳng ai muốn thức dậy lúc nửa đêm để xử lý nạn nhân trong vụ tai nạn xe hơi", Nghiêm Phi nói.

    "Hãy phục vụ chúng sinh và từ bi", Nghiêm Phi luôn ghi nhớ phương châm này, từ cô giáo mình.

    Học sinh đang nghe giáo viên giải thích cách khâu vết thương ở trường Trường cao đẳng Kỹ thuật và Nghề dân sự Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Ảnh: qq

    Sinh viên học cách khâu vết thương ở trường Trường cao đẳng Kỹ thuật và Nghề dân sự Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Ảnh: qq

    Ra đời từ năm 1995, chuyên ngành tang lễ tại Trung Quốc thường được coi là nghề "xui xẻo nhưng lương cao". Những sinh viên bị thu hút bởi vế "lương cao" sẽ vỡ mộng ngay sau khi tốt nghiệp.

    Hầu hết các công ty mai táng đều nghỉ 4 ngày một tháng, có nơi 6 ngày. Tuy vậy nhân có thể phải sẵn sàng làm việc bất kể giờ nào, dù là đêm hay ngày. Với nhiều người trong ngành, mức lương của họ bị bên ngoài phóng đại.

    Bộ Dân chính nước này từng tiết lộ, mức lương của nhân viên nhà tang lễ trung bình 6.000 tệ/tháng (hơn 21 triệu đồng), mức cao hơn cũng chỉ từ 7.000-8.000 tệ (24-28 triệu đồng). Mức hàng chục nghìn tệ tương đối hiếm, trong khi khối lượng công việc lại nhiều. Tuy nhiên, công việc này thường đi kèm các lợi ích như được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, được trợ cấp nhà ở và bữa ăn. Và quan trọng nhất là có việc làm suốt đời.

    Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm, bị đẩy ra ngoài ở tuổi 35 vì "quá già", thì một công việc ổn định sẽ trở nên hấp dẫn hơn, ngay cả khi công việc đó khiến họ chán nản. Thực tế công việc trong nhà xác ít cạnh tranh hơn nhiều so với các ngành nghề khác.

    Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ việc làm, sinh viên của ngành này được coi là "đắt hàng" bởi các nhà tang lễ có mặt khắp mọi nơi. Nhưng cũng giống như những sinh viên mới tốt nghiệp, tìm được việc thì dễ nhưng tìm được việc làm phù hợp mới khó. Những nơi sẵn sàng nhận họ vào làm là các nhà tang lễ ở các thành phố nhỏ, còn ở thành phố lớn rất khó chen chân.

    Một cái khó nữa của nghề là áp lực tâm lý.

    Khi đến nơi làm việc, nhân viên phải đối mặt với những xác chết thật, khác hoàn toàn so với xác chết mô hình trong trường.

    "Đứng trước người chết, cảm giác đầu tiên là sợ hãi", Giai Âm, một học viên năm cuối hồi tưởng ngày đầu cô đi thực tập. Cô cho hay, bất kể ngày đêm, nhiều hôm bất thình lình nhận được cuộc gọi yêu cầu phải xử lý một xác chết nào đó. "Bạn sẽ không biết người này là ai. Nếu đó là một xác chết tai nạn khiến găng tay y tế bị dính máu, bạn bất giác hỏi liệu người chết có bị bệnh AIDS hay bệnh truyền nhiễm nào khác không".

    Với người làm trong ngành, công việc trong nhà xác giống như một thành phố bị bao vây. Người bên trong muốn ra ngoài và người bên ngoài lại muốn nhảy vào trong.

    Tuy vậy, với Giai Âm, khi quyết định chọn công việc này, cô hiểu mình sẽ gắn bó với nó. "Khi thấy mọi người khóc lóc đau buồn, tôi muốn họ rời nhà tang lễ với cảm giác hài lòng nhất", cô nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Catholic Regional College Sydenham Vùng: Sydenham. Phone: 9361 0000
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nganh-hoc-la-thu-hut-gioi-tre-trung-quoc-4385461.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ