Nga tuyên bố chỉnh sửa học thuyết hạt nhân
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/9 cho biết Nga đang trong giai đoạn đầu chỉnh sửa học thuyết hạt nhân của mình. Moskva sẽ phân tích kỹ tình hình căng thẳng hiện tại và dựa vào đó để đề xuất các thay đổi học thuyết hạt nhân.
Tuyên bố được ông Peskov đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 1/9 xác nhận nước này sẽ sửa đổi học thuyết về cách sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng lại động thái leo thang của phương Tây trong cuộc xung đột tại Ukraine, song không đề cập cụ thể.
Theo Peskov, việc Nga tuyên bố chỉnh sửa học thuyết hạt nhân có liên hệ trực tiếp với "các mối đe dọa" do phương Tây tạo ra, đồng thời cáo buộc Mỹ đã phá hủy cấu trúc an ninh châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh.
Ông cho rằng phương Tây đã từ chối đối thoại với Nga, chọn cách tấn công các lợi ích an ninh hợp pháp của Moskva, đồng thời tiếp tục châm ngòi "cuộc chiến nóng bỏng tại Ukraine". "Mỹ chính là đạo diễn của quá trình gây căng thẳng", phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố.
Ông Peskov tại Điện Kremlin hôm 24/1. Ảnh: AFP
Phát biểu của ông Peskov là lời giải thích chi tiết nhất cho đến nay của Nga về lý do nước này điều chỉnh học thuyết hạt nhân, theo Reuters. Hiện chưa rõ học thuyết này sẽ được điều chỉnh ở phạm vi nào.
Học thuyết hạt nhân của Nga được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin, trong đó quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị kẻ thù tấn công bằng vũ khí nguyên tử hoặc vũ khí thông thường có khả năng đe dọa đến tồn vong của quốc gia.
Một số nhà phân tích quân sự theo đường lối cứng rắn của Nga đang kêu gọi Tổng thống Putin hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, nhằm khiến kẻ thù ở phương Tây "tỉnh ngộ".
Tuyên bố được đưa ra khi Ukraine gần đây liên tục yêu cầu phương Tây viện trợ thêm vũ khí và cho phép Kiev sử dụng đạn tầm xa do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ giấu tên ngày 3/9 cho biết Washington sắp đạt thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình tầm xa JASSM cho Kiev, song Ukraine sẽ phải chờ thêm vài tháng vì Mỹ cần xử lý một số vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao.
Hai tiêm kích F-16 Ukraine bay trình diễn trong buổi lễ ngày 4/8. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Họ cho rằng tên lửa JASSM có thể thay đổi đáng kể cục diện chiến lược của cuộc xung đột, khi đặt thêm nhiều mục tiêu Nga vào tầm bắn của lực lượng Ukraine.
Ông Peskov ngày 4/9 cho rằng việc Ukraine sẽ tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo nếu Nga bị tập kích bằng đạn tầm xa, nước này sẽ đáp trả ngay lập tức và theo cách "cực kỳ đau đớn".
"Họ đang đánh mất logic thực tế và hoàn toàn không nghĩ đến những rủi ro từ việc khiến xung đột leo thang hơn nữa, ngay cả khi xét đến lợi ích của chính họ", bà Zakharova cho biết. "Chúng tôi muốn cảnh báo các chính trị gia thiếu trách nhiệm ở EU, NATO và nước ngoài rằng Nga sẽ có phản ứng tức thì nếu Ukraine có động thái gây hấn đủ nghiêm trọng".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-bat-dau-chinh-sua-hoc-thuyet-hat-nhan-4789046.html