Nga tuyên bố bắn tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal vào Ukraine
"Dao găm" bắn vào căn cứ Ukraine - Bước đầu tiên trong "kế hoạch chiến lược" của ông Putin?
Hôm 19/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đánh vào một kho vũ khí nằm trong lòng đất ở miền tây Ukraine trước đó 1 ngày. Các quan chức Mỹ cũng đã xác nhận thông tin này với CNN.
Trả lời phỏng vấn của Fox News, chuyên gia về Nga Rebekah Koffler cho rằng chỉ riêng việc đề cập tới phóng tên lửa siêu thanh đã là một phần trong "kế hoạch chiến lược" của Moscow.
"Đây là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực địa chính trị, không giống như trong lĩnh vực quân sự, bởi vì họ (Nga) đang cố gắng gửi một thông điệp chiến lược.
Theo đánh giá của tôi, (Tổng thống Nga Vladimir Putin) đang leo dần lên các bậc thang tiến tới một cuộc chiến sử dụng vũ khí hạt nhân".
Kh-47M2 Kinzhal được phóng từ tiêm kích MiG-31K không chỉ có thể bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh mà còn có tầm bắn khoảng 2.000 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Bà Koffler - cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) nói rõ rằng bằng cách phóng tên lửa cụ thể này, Tổng thống Nga Putin đang báo hiệu với Mỹ và NATO rằng ông sẵn sàng leo thang về học thuyết và chiến lược của Nga.
"Ông ấy có thể đã sử dụng một số loại tên lửa khác nhưng đã chọn một tên lửa siêu thanh. Chính vì vậy, thông điệp chiến lược là họ đã sở hữu vũ khí này còn chúng ta thì không.
Nhưng quan trọng hơn là vì nó có khả năng tấn công kép - đầu đạn thông thường có thể được thay thế bằng đầu đạn hạt nhân".
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng việc sử dụng tên lửa Kinzhal mang đầu đạn thông thường không thực sự đem lại lợi thế gì về mặt chiến lược đối với Nga hơn là sử dụng một tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo tầm xa khác.
"Ông ấy đang nhắn nhủ chúng ta rằng họ (Nga) có khả năng sẵn sàng cao với chiến tranh hạt nhân. Và nếu chúng ta tiếp tục đẩy ông ấy vào góc tường - theo quan điểm của ông ấy - ông sẽ không có lựa chọn nào khác".
Nga vẫn tuân thủ học thuyết răn đe khiến ít có khả năng họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ hoặc một đồng minh NATO - nhưng vẫn chưa rõ Mỹ hoặc NATO sẽ phản ứng như thế nào nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Bà Koffler cho rằng trong khi mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân gia tăng, nhiều khả năng Moscow phóng tên lửa siêu thanh để "buộc chúng ta (Mỹ và NATO) phải đầu hàng":
"(Đó là hành động) nhằm ngăn chúng ta can thiệp thay mặt cho Ukraine điều khiến ông ấy vượt qua lằn ranh đỏ về hạt nhân - đó là toàn bộ vấn đề".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Nguồn: Reuters).
Quân đội Ukraine "sững người" trước tên lửa siêu thanh Nga?
Trong khi đó, Topwar.ru dẫn tuyên bố của 1 quan chức quân sự Ukraine, ông Yuriy Ignat đã xác nhận có một cuộc tấn công vào kho vũ khí gần làng Delyatyn, vùng Ivano-Frankivsk. Theo ông Ignat, quả tên lửa đã bắn trúng kho vũ khí không quân lớn nhất của Ukraine - khiến nó phát nổ.
Quân đội Ukraine cũng xác nhận việc kho vũ khí nói trên đã bị phá hủy - nhưng không thể chứng thực được phía Nga đã sử dụng vũ khí siêu thanh hay không.
Đồng thời họ được cho là không thể xác định binh lính Ukraine có ở mục tiêu vào thời điểm cuộc tấn công xảy ra hay không.
Tờ báo Nga lưu ý rằng hiện tin đồn đang lan truyền ở chính Ukraine rằng một số nhân vật trong Quân đội Ukraine đang cung cấp dữ liệu về các mục tiêu quan trọng - bao gồm kho vũ khí cho người Nga.
Đây có thể là lý do giải thích việc Quân đội Ukraine không có dữ liệu về cơ sở quân sự bị tấn công cũng như việc phía Nga dễ dàng kiểm soát miền nam Ukraine, thu giữ lượng lớn khí tài trong một căn cứ quân sự - người Ukraine đã rút lui mà "quên" không gài mìn vào các nhà kho.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3428939