Nga dần mất ảnh hưởng trước Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Á

05:00' 13-10-2020
Nga đứng trước sức ép tranh giành ảnh hưởng từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh những khủng hoảng liên tiếp nổ ra ở các nước láng giềng.


    Nga co nguy co mat san sau anh 1

     

    Những cuộc khủng hoảng tại các nước láng giềng đang làm đảo lộn kế hoạch của Moscow, vốn muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, quốc phòng với các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết.

    Những xáo trộn không thể lường trước ấy cũng tạo ra khoảng trống quyền lực, trao cơ hội cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chen chân vào khu vực từ lâu là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, theo Wall Street Journal.

    Đảo lộn kế hoạch của Moscow

    Tổng thống Vladimir Putin nhiều năm qua ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng với các nước Đông Âu và Trung Á, từ Belarus ở phía tây tới Kyrgyzstan ở phía đông.

    Nga hiện vẫn duy trì các căn cứ quân sự ở Trung Á và Nam Caucasus, những nơi Moscow có ràng buộc thương mại, văn hóa sâu sắc.

    Thế nhưng, các cuộc khủng hoảng, thậm chí hỗn loạn liên tục xảy ra xung quanh biên giới nước Nga, mới đây nhất là cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, cùng cuộc khủng hoảng chính trị ở Kyrgyzstan, đang làm tính toán của Moscow đi chệch hướng.

    Cùng với những biến đổi về ngoại giao và kinh tế, ảnh hưởng chi phối của Nga tại khu vực đang bị xói mòn.

    Nga co nguy co mat san sau anh 2

    Kyrgyzstan đang rơi vào khủng hoảng chính trị. Ảnh: AFP.

    Những năm gần đây, Trung Quốc tận dụng đòn bẩy từ sức mạnh kinh tế để xây dựng và củng cố ảnh hưởng ở khu vực. Trong khi đó, châu Âu với những giá trị ngày càng mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt đối với giới trẻ.

    Việc Nga tiếp tục bám víu vào những liên kết chính trị với các thể chế đã nắm quyền hàng chục năm khiến Moscow dần mất đi lợi thế tại chính sân sau của mình.

    Những ngày qua, biến cố chính trị nổ ra tại quốc gia giàu tài nguyên Kyrgyzstan trở thành tâm điểm chú ý mới. Sau cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận, các đảng đối lập tìm cách giành lấy quyền lực từ giới lãnh đạo thân Nga.

    Trước đó, một đồng minh khác của Moscow là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng thất bại trong nỗ lực nhanh chóng ổn định tình hình trước sự chống đối của người biểu tình. Cuộc tổng tuyển cử tại Belarus cũng bị phe đối lập cáo buộc có gian lận.

    Tình hình ở Belarus và Kyrgyzstan làm dấy lên bất an tại Moscow, có nguy cơ làm chệch hướng kế hoạch gắn kết hai nước này sâu hơn vào quỹ đạo của Nga.

    Đáng chú ý nhất, việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột quân sự với Armenia ở Nagorno-​Karabakh làm lung lay hơn bao giờ hết mục tiêu duy trì hòa bình giữa hai nước láng giềng dưới ảnh hưởng của Nga.

    "Leo thang căng thẳng làm gia tăng lo ngại không phải bởi quy mô xung đột, mà do tác động từ các lực lượng bên ngoài mới xuất hiện. Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ công khai và dứt khoát ủng hộ Azerbaijan ", Sergei Naryshkin, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Nga, cho biết.

    Gặp khó tại chính sân sau

    Hôm 7/10, Tổng thống Putin đã có cuộc thảo luận với lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan.

    Armenia là thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể với 6 thành viên do Nga lãnh đạo. Thế nhưng, trao đổi ngày 7/10, ông Putin cho biết Nga không có nghĩa vụ bảo vệ Armenia trong xung đột lần này, bởi giao tranh chỉ gói gọn ở khu vực Nagorno-​Karabakh.

    Mặc dù vậy, diễn biến tại Nagorno-​Karabakh vẫn được coi là khó xử đối với Kremlin. Tới nay, nhiều thành công trong chính sách đối ngoại của Nga đến từ khả năng của Tổng thống Putin tận dụng thời cơ quốc tế nhằm phục vụ mục đích chiến lược.

    Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, vùng đất đến nay vẫn được cộng đồng quốc tế coi là lãnh thổ hợp pháp của Ukraine.

    Mới đây nhất, trong bối cảnh chiến sự và sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố IS ở Trung Đông, Nga thành công mở rộng ảnh hưởng tại cả Syria và Lybia.

    Nga co nguy co mat san sau anh 3

    Binh sĩ Azerbaijan tại khu vực giao tranh. Ảnh: AP.

    Thành công này thậm chí đáng nói hơn khi đi cùng quyết định rút chân khỏi Syria và Afghanistan của Mỹ, là dấu ẩn khẳng định sự trở lại của Moscow với tư cách đối thủ đáng gờm của Washington.

    Thế nhưng, Nga lại đang gặp khó trong duy trì sự kiểm soát của mình trong không gian hậu Xô Viết, một phần đến từ chi phí đắt đỏ để duy trì hiện diện an ninh trên phạm vi rộng lớn.

    Trong kế hoạch chi tiêu năm 2021, Nga phải tạm dừng nâng cấp căn cứ quân sự ở Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan. Số tiền này được Moscow sử dụng cho các chương trình xã hội như đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 và nâng cao mức sống người dân.

    "Nga không có đủ tiền hay năng lực quân sự để can dự ở khắp mọi nơi", Maximilian Hess, chuyên gia của tổ chức tư vấn chinh sách Hawthorne Advisors, nhận định.

    Nhận xét này chính xác đặc biệt ở Trung Á, nơi Moscow đang chứng kiến Bắc Kinh gia tăng các liên kết ngoại giao, giải ngân hàng chục tỷ USD vốn vay, mở rộng đầu tư vào ngành năng lượng.

    Trung Quốc thậm chí bắt đầu thảo luận về an ninh với các nước Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Đáng chú ý, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là đồng minh theo hiệp ước an ninh với Nga.

    "Bất kể Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể bắt tay hay tươi cười trước ống kính thế nào, ở đây họ là đối thủ", Murat Beyshenov, cựu thứ trưởng Quốc phòng Kyrgyzstan, đánh giá.

    Hơn nữa, Moscow nhận thức sâu sắc lợi ích nào đang bị đe dọa.

    Phản ứng của Nga

    Nga từng coi Ukraine là chiếc mỏ neo trong làn sóng hội nhập giữa các nước thuộc Liên Xô cũ. Thế nhưng, kế hoạch này đổ võ năm 2014 khi Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga bị lật đổ.

    Từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea, Kiev đã chuyển hướng sang phương Tây. Những năm qua, Nga tập trung mở rộng tăng cường liên kết với Belarus, cho tới các cuộc biểu tình gần đây tại quốc gia Đông Âu này.

    "Lúc này, tốt nhất là chờ đợi, bởi can dự có nguy cơ khiến người dân Belarus quay sang chống lại chính chúng ta", Fyodor Lukyanov, người đứng đầu một hội đồng tư vấn quốc phòng và chính sách đối ngoại cho Điện Kremlin, cho biết.

    Nga co nguy co mat san sau anh 4

    Người biểu tình đối đầu với lực lượng an ninh ở Belarus. Ảnh: AP.

    Dù thuyết phục thành công Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn, Nga vẫn cần trao đổi trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ để tháo ngồi cuộc xung đột ở Nagorno-​Karabakh.

    Ông Hess cho rằng Moscow có thể tìm kiếm sự nhượng bộ của Ankara tại các chiến trường như Syria và Lybia, nơi hai cường quốc có hiện diện chiến đấu ở các phe đối đầu nhau.

    Kyrgyzstan là vấn đề nhức nhối khác và hiện không để đoán trước. Mặc dù vậy, Nga duy trì quan hệ tốt đẹp với các đảng phái chính trị tại đây. Tâm lý chống Trung Quốc cũng giúp Nga có thêm lợi thế ở Kyrgyzstan.

    Hôm 7/10, Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình cho biết Moscow sẽ không giúp đỡ Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov, người trước đó đã bỏ chạy khỏi dinh tổng thống.

    Nga hiện duy trì căn cứ không quân gần biên giới giữa Kyrgyzstan và Trung Quốc, nơi được miêu tả là "tài sản giá trị" cho phép Moscow thị uy sức mạnh trước đối thủ lớn nhất tại khu vực.

    Nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về khả năng duy trì ảnh hưởng của Nga tại không gian hậu Xô Viết từ lâu là vấn đề nhạy cảm đối với Moscow.

    "Nếu xuất hiện nhận thức rằng Moscow đang mất đi sức mạnh (ở khu vực), chúng ta sẽ thấy phản ứng mạnh mẽ (của Nga)", ông Hess nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/nga-mat-anh-huong-o-trung-a-truoc-trung-quoc-va-tho-nhi-ky-post1140278.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ