Mỹ nỗ lực cải thiện khả năng tác chiến điện tử
Những chiếc máy bay không người lái (UAV) giá rẻ đang đóng vai trò quan trọng, gần như là quyết định, trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng có khả năng đảm nhận mọi công việc, từ phát hiện pháo binh đến tiêu diệt thiết giáp.
Đi kèm với đó, năng lực gây nhiễu của tác chiến điện tử đã nổi lên như một loại vũ khí chống UAV hiệu quả nhất. Theo giới quan sát quân sự, Ukraine đang nỗ lực tăng cường năng lực gây nhiễu của mình, nhưng trong lúc đó, họ có thể mất đến 10.000 UAV mỗi tháng, nhiều chiếc là do hệ thống can thiệp điện tử của Nga.
Binh sĩ Ukraine mang theo một UAV trinh sát gần tiền tuyến ở vùng Donetsk, miền đông đất nước. Ảnh: Reuters
Thực tế trên giống như hồi chuông cảnh báo, tạo động lực để quân đội Mỹ tìm cách nâng cao khả năng tác chiến điện tử.
Lục quân đang "tái đầu tư cơ bản vào việc xây dựng khả năng tác chiến điện tử chiến thuật của chúng tôi sau khi bỏ bê nó suốt 20 năm qua", Douglas Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân phụ trách mua sắm, hậu cần và công nghệ, nói với báo giới tại một hội nghị bàn tròn hôm 7/8.
Lục quân đang tiến hành một số chương trình nhưng "chắc chắn những gì chúng ta đang thấy ở Ukraine đã làm tăng thêm tính cấp bách để chúng tôi đẩy nhanh những chương trình đó", ông nói.
Vấn đề là sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã "mất đi sức mạnh" trong chiến tranh điện tử, tướng Charles Brown Jr., tham mưu trưởng không quân, chủ tịch sắp tới của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu trước quốc hội hồi tháng trước.
Lo ngại về chiến tranh điện tử không phải là mới và Mỹ cũng không hoàn toàn thiếu sót trong mọi khía cạnh của nó. Ví dụ, không quân và hải quân từ lâu đã dành nguồn lực khổng lồ để phát triển khả năng gây nhiễu radar và vũ khí phòng không của đối phương.
Nhưng đối với khả năng tác chiến điện tử của lục quân, hàng loạt vấn đề nổi lên đang gây báo động. Trong lúc họ lơ là, Nga và Trung Quốc đầu tư rất mạnh tay vào năng lực này, như thu thập thông tin tín hiệu để xác định vị trí những máy phát vô tuyến, từ đó phát hiện chính xác vị trí các đơn vị địch, đặc biệt là sở chỉ huy hay trung tâm điều hành.
Trạm gây nhiễu tác chiến điện tử R-330Zh Zhitel của Nga trong một cuộc tập trận hồi tháng 7/2018. Ảnh: Russian Defense Ministry
Lực lượng Ukraine đã đạt được thành công lớn trong việc xác định vị trí các sở chỉ huy của Nga và sau đó phá hủy chúng bằng vũ khí tầm xa như rocket HIMARS. Về phần mình, Nga có thể sử dụng khả năng tác chiến điện tử để khiến các quả bom lượn JDAM dẫn đường bằng GPS và rocket HIMARS của Ukraine đi chệch hướng.
Tướng Brown đánh giá Washington đã đặt trọng tâm "ở lĩnh vực khác", trong khi các đối thủ đầu tư liên tục vào khả năng tác chiến điện tử, nên quân đội Mỹ nhiều khả năng "sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi cần bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công điện tử từ những đối thủ trang bị tiên tiến nhất".
Hầu hết lực lượng quân đội, hoặc ít nhất là quân đội sở hữu công nghệ cao, đều dễ bị ảnh hưởng bởi các tác chiến điện tử, nhưng quân đội Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương vì cách thức hoạt động của họ phụ thuộc quá nhiều vào thông tin liên lạc điện tử.
Hoạt động của các lực lượng trên đất liền, trên biển, trên không, không gian và mạng hiện tại đều được phối hợp thông qua mạng dữ liệu. Họ có những chương trình như dự án Chỉ huy và Kiểm soát Chung, liên kết các cảm biến và vũ khí chặt chẽ đến mức mục tiêu có thể được định vị và tiêu diệt trong vòng vài phút bằng một loạt vũ khí, từ tên lửa dẫn đường GPS đến các nhóm UAV tự sát.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của tất cả những hệ thống này phụ thuộc vào thông tin liên lạc đáng tin cậy và không bị gián đoạn. Điều này đặt ra nguy cơ đối thủ sử dụng các phương pháp chiến tranh mạng cùng công cụ khác để phá vỡ hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Mỹ, khiến các lực lượng mất khả năng phối hợp.
Thiết giáp Mỹ trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Lục quân Mỹ đang triển khai các phương án để tăng cường sức mạnh tác chiến điện tử. Chương trình TLS-BCT đang phát triển một bộ công cụ gắn trên xe bọc thép Stryker, cho phép các lữ đoàn cơ động phát hiện và làm gián đoạn liên lạc của đối phương.
Mục tiêu của TLS-BCT là cung cấp cho "sĩ quan chỉ huy khả năng cơ động các tùy chọn tấn công điện tử và tấn công mạng để làm gián đoạn, suy yếu, phá vỡ hoặc thao túng những tín hiệu mà kẻ thù và lực lượng mục tiêu quan tâm", lục quân Mỹ cho biết hồi tháng 9/2021.
Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin đã được trao một hợp đồng trị giá 59 triệu USD vào năm ngoái để cung cấp các nguyên mẫu của hệ thống trên trong năm nay. Bên cạnh đó, trang bị thiết bị gây nhiễu trên UAV MQ-1C Grey Eagle cũng là một trong các dự án khác của lục quân.
Bush cho biết khả năng tác chiến điện tử của lục quân Mỹ vẫn hiệu quả nhưng họ "cần liên tục cập nhật chúng để ứng phó với khả năng gây nhiễu của đối thủ".
Binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 1 của lục quân Mỹ tham gia huấn luyện về thiết bị tác chiến điện tử hồi tháng 9/2019. Ảnh: US Army
"Chúng tôi đã rút ra bài học từ những gì nhìn thấy ở Ukraine", ông nói, thêm rằng việc theo dõi các sự kiện ở Ukraine giúp lục quân vững tin hơn với các chương trình phát triển năng lực của mình.
"Họ đang đi đúng hướng, tôi cảm thấy lạc quan về điều đó", ông cho hay.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-uav-nga-ukraine-giong-hoi-chuong-canh-bao-voi-my-4642239.html