Mỹ nhắm tới việc di chuyển bằng tên lửa

13:00' 07-06-2021
Không quân Mỹ đề xuất chi 48 triệu USD nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy chuyển lính đặc nhiệm tới mọi nơi trên Trái Đất trong một giờ.


    Trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2022 được công bố hồi tuần trước, không quân Mỹ đưa ra mục "vận chuyển bằng tên lửa" và cho biết quân chủng muốn đầu tư 48 triệu USD vào nghiên cứu công nghệ tên lửa tái sử dụng để đưa hàng hóa có trọng tải 100 tấn tới bất cứ đâu trên Trái Đất.

    Công nghệ này cũng cho phép Bộ tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Không quân triển khai binh sĩ đặc nhiệm bằng tên lửa đẩy để tiến hành các sứ mệnh phản ứng nhanh với chi phí thấp. Các đặc nhiệm này có thể được đưa tới bất kỳ đâu trên toàn cầu trong một giờ, thay vì trải qua chuyến bay 10 tiếng vượt đại dương trên vận tải cơ C-17 Globemaster III.

    Trong mô hình này, các đặc nhiệm sẽ được phóng bằng tên lửa vào không gian, sau đó đáp xuống xuống căn cứ ở địa hình hiểm trở hoặc vùng chiến sự ở bất cứ nơi nào.

    Tên lửa Starship SN15 của SpaceX hạ cánh tại bang Texas, Mỹ ngày 5/5. Ảnh: AFP.

    Tàu vũ trụ Starship SN15 của SpaceX hạ cánh tại bang Texas, Mỹ ngày 5/5. Ảnh: AFP.

    Trang Ars Technica cho biết tên lửa Starship, do công ty thám hiểm không gian tư nhân SpaceX phát triển, mang các đặc tính khớp với mô tả của không quân Mỹ. Starship là tên lửa hạng nặng tái sử dụng được thiết kế để chở người và hàng hóa "lên quỹ đạo Trái Đất, Mặt Trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa", SpaceX cho biết.

    Tuy nhiên, khoản ngân sách 48 triệu USD theo đề xuất của không quân Mỹ không dành để đầu tư vào chương trình phát triển Starship.

    Không quân Mỹ định dùng số tiền này để nghiên cứu khả năng ứng dụng tên lửa cho lĩnh vực quân sự, bao gồm cách triển khai, tháo dỡ và phóng nhanh tên lửa từ địa điểm bất thường, xác định vị trí hạ cánh, phát hiện kẻ thù và khả năng thả hàng của tên lửa khi hồi quyển.

    Không quân Mỹ chi 9,7 triệu USD trong năm tài khóa 2021 để thu thập dữ liệu về hiệu suất và thiết kế của Starship, quân chủng lên kế hoạch tiếp tục hoạt động trên khi SpaceX tổ chức các cuộc thử nghiệm tên lửa mới. Không quân Mỹ hy vọng trong năm 2022 có thể thực nghiệm chi tiết hơn, bao gồm thử nghiệm trong đường hầm gió để xác định khả năng thả hàng từ tên lửa.

    Nếu quốc hội Mỹ phê duyệt khoản ngân sách, chương trình Starship diễn ra suôn sẻ và không quân Mỹ tìm ra cách ứng dụng trong quân sự, điều này có thể mở ra một số kịch bản thú vị mang tính khoa học viễn tưởng.

    Đại tướng Stephen Lyons, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Giao thông Vận tải Mỹ, nhận định một phương tiện có thể thả hàng và đổ quân từ không gian có thể định nghĩa lại công tác hậu cần quân sự. "Chúng ta nên buộc bản thân suy nghĩ về cách vận chuyển lực lượng trong tương lai và làm thế nào để tên lửa là một phần trong đó", tướng Lyons nói hồi tháng 10/2020.

    Bình luận của Lyons được đưa ra vài tuần sau khi ông thông báo Lầu Năm Góc ký một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển với SpaceX để xây dựng các tuyến vận chuyển tiềm năng qua ngả không gian vũ trụ.

    Elon Musk, CEO của SpaceX, hy vọng chi phí phóng tàu Starship trong tương lai sẽ dưới hai triệu USD/lần, cao gấp 4 chi phí một lần hoạt động của vận tải cơ C-17.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-muon-trien-khai-dac-nhiem-toan-cau-bang-ten-lua-4288501.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ