Mỹ lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon
"Bất chấp bình luận của chính quyền Quần đảo Solomon, bản chất thỏa thuận an ninh vẫn mở ra cánh cửa cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự tới quốc đảo này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo ngày 14/4.
"Chúng tôi tin rằng ký kết thỏa thuận như vậy có thể làm tăng tình trạng bất ổn tại Quần đảo Solomon, đồng thời tạo tiền lệ cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác", ông Price cảnh báo.
Quần đảo Solomon và Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo ngày 25/1. Ảnh: Reuters.
Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được tiết lộ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare ngày 1/4 khẳng định nước này không có ý định cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Một quan chức Australia cấp cao khi tới thăm Quần đảo Solomon hồi tuần trước kêu gọi Thủ tướng Sogavare không ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.
Giới chức Mỹ cho biết nước này đang tìm cách thể hiện ủng hộ đối với Quần đảo Solomon, quốc đảo 800.000 dân đang đối mặt với bất ổn và đói nghèo. Hồi đầu năm, Mỹ thông báo sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon.
Kurt Campbell và Daniel Kritenbrink, các quan chức hàng đầu phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ cùng phái đoàn tới thăm Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea trong tuần này.
Vị trí Quần đảo Solomon (trong khung màu cam). Đồ họa: Britanica.
Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon được đàm phán trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng được nâng cao.
Quần đảo Solomon tuyên bố cắt quan hệ với đảo Đài Loan sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quần đảo Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.
Quốc gia 800.000 dân, nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông bắc, thời gian qua hứng chịu một số bất ổn chính trị và xã hội. Hồi tháng 11/2021, người biểu tình tìm cách xông vào quốc hội Quần đảo Solomon và gây bạo loạn trong ba ngày, đốt cháy nhiều khu phố người Hoa ở thủ đô Honiara.
Hơn 200 lính gìn giữ hòa bình từ Australia, Fiji, Papua New Guinea và New Zealand được triển khai để khôi phục trật tự xã hội sau cuộc bạo loạn và đảm bảo ông Sogavare không bị phế truất.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-canh-bao-solomon-ve-hiep-uoc-an-ninh-voi-trung-quoc-4453032.html