Mỹ lên kế hoạch áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Iran
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran nằm cách thủ đô Tehran 1200km về phía nam ngày 20/8. (Nguồn: AFP)
Đây là tuyên bố của một quan chức cấp cao Nhà Trắng đưa ra ngày 8/5, sau khi Tehran cùng ngày thông báo ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Phát biểu họp báo, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ kiêm Giám đốc Cơ quan phụ trách Vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí sinh học Tim Morrison cho biết Washington vẫn chưa "xong" các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Ông Morrison nêu rõ: "Sẽ sớm có thêm nhiều biện pháp trừng phạt. Rất sớm."
Cũng theo ông Morrison, Mỹ khuyến cáo các ngân hàng, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp châu Âu không tham gia cơ chế mục đích đặc biệt (SPV), một hệ thống do châu Âu thiết lập nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh không qua giao dịch bằng đồng USD với Iran.
Quan chức trên nhấn mạnh việc tham gia SPV sẽ là một quyết định kinh doanh "rất tồi tệ."
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng quyết định của Iran đình chỉ một số cam kết trong JCPOA là một hành động "gây mơ hồ có chủ ý."
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Jeremy Hunt, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ chờ đợi và xem những hành động thực sự của Iran là gì trước khi đưa ra một phản ứng.
Từ Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ quan ngại về thông báo mới nhất của Iran liên quan tới thỏa thuận hạt nhân JCPOA, đồng thời cho biết Đức mong muốn duy trì văn kiện này.
Cùng ngày, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin và các nước thành viên còn lại tham gia JCPOA hoàn toàn tuân thủ các cam kết đưa ra và hy vọng Iran cũng sẽ làm như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng châu Âu cần phải "làm mọi thứ" để duy trì đối thoại với Iran.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên kênh truyền hình DW của Đức, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh "quan hệ ổn định" hiện là điều quan trọng nhất, đồng thời kêu gọi sự hợp tác với Iran để thực thi các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Trong khi đó, theo ông Rolf Mützenich, nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), chính phủ Đức cần phải làm hết khả năng có thể để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA, thậm chí điều này đi ngược lại quyết định của Mỹ.
Những phản ứng trên của chính giới Đức được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.
Ông cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.
Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.
Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.
CherryHill – mang niềm vui đến cho cả gia đình
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/my-tuyen-bo-som-ap-dat-trung-phat-bo-sung-doi-voi-iran/568219.vnp