Mua nhà đang là ước mơ xa vời với giới trẻ
Mua nhà đang là ước mơ xa vời với phần đông thanh niên thế giới.
“Bó tay” toàn cầu
Theo số liệu khảo sát giá bất động sản trên 150 thành phố khắp thế giới, thực hiện vào cuối năm 2021, giá nhà ở trung bình đã tăng 10,6%. Thành phố Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) đạt mức tăng giá kỷ lục nhất: 34,8%, tiếp đến là Wellington (New Zealand): 33,5%, Phoenix (Mỹ): 33,1%, Halifax (Canada): 31,7% và Hobart (Úc): 30,9%.
Hiện ở Úc, giá trung bình của một ngôi nhà cũng trên 1 triệu USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân là 86.620 USD/người/năm. Tính ra, tiền mua nhà bằng 11,5 lần tiền lương năm.
“Khi cha mẹ tôi mua nhà vào năm 1995, giá nhà trung bình chỉ 129.800 USD/căn, còn mức lương trung bình là 53.544 USD/người”, nhà báo Sonam Thomas (Úc) cho biết.
Tính ra, tiền nhà chỉ gấp 2,4 thu nhập hàng năm. Với mức chênh lệch này, người đi làm có thể “thắt lưng buộc bụng” để mua được. Còn bây giờ, khi mức chênh lệch đã trên 10 lần, người đi làm gần như vô vọng.
Bên ngoài nước Úc, mua nhà cũng đang là “giấc mơ xa vời”. Nhân viên thống kê Ethan Carpe (29 tuổi) đã để ý “săn nhà” tại Phoenix (Mỹ) ngay khi có một khoản tiết kiệm kha khá.
Năm 2020, giá nhà trung bình tại đây tăng 14%. Năm 2021, nó đột ngột vọt lên 32%. “Tôi liên tục đấu giá thua và cuối cùng đành ngậm ngùi rút khỏi thị trường”, Carpe buồn nản.
Kể từ năm 2019, vì nguồn cung bất động sản giảm kỷ lục, giá nhà trên toàn nước Mỹ đã tăng gần 30%. Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình không nhích lên. Hiện, một căn hộ bình thường ở Mỹ cũng giá bán khoảng 350 nghìn USD, gấp 5 lần thu nhập bình quân hộ gia đình.
Tại Canada, giá nhà trung bình đang tầm 817 nghìn USD/căn, gấp 9 lần thu nhập hộ gia đình. “Trừ khi bạn có cha mẹ khá giả, không thì việc tự thân mua nhà hết sức ngoài tầm tay”, Steve Pomeroy, ông chủ của một công ty tư vấn mua bán bất động sản nói thẳng.
Các thành phố châu Á không lọt “top 4 giá nhà tăng mạnh nhất”, nhưng cũng vẫn “ngoài tầm tay giới trẻ”. Từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, chính phủ vật lộn chống chọi “bong bóng bất động sản”. Tại các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản… giá nhà trung bình tăng trên 10%.
Ngày nay, giá bất động sản một mình leo thang, bất chấp thu nhập bình quân không tăng.
Đắt cũng đành thuê
Ethan (Mỹ) tốt nghiệp đại học năm 2019, cùng anh trai đến Phoenix tìm kiếm công ăn việc làm và hy vọng mua được căn hộ 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm với giá tầm 325 nghìn USD. Trước khi tìm được nhà vừa ý, Ethan tạm thời ở căn hộ cho thuê.
Cũng trong năm 2019, thị trường bất động Phoenix tăng 6,5% và nhiều chủ căn hộ cho thuê muốn chuyển đổi sang bán. Ethan hài lòng căn hộ cho thuê đang ở, muốn mua đứt nhưng chưa đủ tiền, đành phải chờ tiết kiệm thêm.
Nào ngờ, chỉ sau 2 năm, giá căn hộ này đã vọt lên 500 nghìn USD. Giá thuê cũng tăng gấp gần 4,5 lần, từ 400 USD/tháng lên 1.750 USD. “Tôi không muốn ở thuê suốt kiếp, nhưng tiền lương không theo kịp giá nhà nên cũng hết cách”, Ethan thở dài.
Thực tế của Ethan là điển hình chung của giới trẻ ngày nay. Cho dù là tại Đức, Anh hay Sri Lanka… giá bất động sản cho thuê cũng leo thang theo giá bán. Mọi người tiếc tiền thuê, nhưng lại không đủ khả năng tài chính để sở hữu, nên chỉ đành chấp nhận tốn kém.
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà giá nhà tăng độc lập, không liên quan gì tới thu nhập cá nhân hay thu nhập hộ gia đình”, Giáo sư Suzanne Lanyi Charles (Đại học Cornell) phản ánh. Trong tình hình này, triển vọng đổi từ thuê nhà sang mua nhà là mơ ước viển vông.
Về quê chưa hẳn là cách
Giá bất động sản nông thôn một số nơi còn cao hơn thành phố.
Trước khó khăn thuê, mua nhà ở thành phố, nhiều người đề xuất giới trẻ nên chuyển sự chú tâm tới vùng nông thôn, thị trấn thưa người. Tại đó, giá nhà vẫn còn thấp, thậm chí ngày càng rẻ hơn. Ví dụ ở Nhật Bản, số lượng nhà trống vùng nông thôn lên đến trên 8 triệu căn, giá bán chỉ 500 USD/căn.
Thu nhập trung bình của Nhật Bản là 5,4 triệu yen/người/năm. Ngay cả khi không cần tiết kiệm, thanh niên Nhật Bản vẫn dễ dàng mua được một căn nhà ở quê.
Tại Mỹ, nhiều thị trấn thôn quê cũng đang bán nhà với giá chỉ tầm một vài nghìn USD. Tại Ý, chính phủ còn tặng 9 nghìn euro cho những ai chịu mua và chuyển tới ở nhà trống nông thôn.
Bất chấp các nỗ lực và khuyến khích, rất ít thanh niên về quê sinh cư. Nguyên nhân vì, nông thôn quá ít cơ hội lập nghiệp. Ngoài ra, không phải mọi vùng nông thôn đều nhà giá rẻ.
Ví dụ như tại thị trấn Werris Creek, New South Wales (Úc), nơi cách bệnh viện gần nhất cũng 30km, giá nhà trung bình hiện cũng 200 nghìn USD/căn, gấp 2,3 lần lương năm.
Một số vùng nông thôn còn giá thành bất động sản siêu đắt đỏ. Ví dụ như ngoại ô Tamarama, Đông Sydney (Úc), giá nhà trung bình là 8,63 triệu USD/căn.
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from giaoducthoidai.vn.