Một số sai lầm khi cho trẻ ăn bổ sung
ảnh minh họa
Ăn bổ sung là gì?
Ăn bổ sung nghĩa là cho ăn thêm các thức ăn rắn hoặc đặc ngoài sữa mẹ trong giai đoạn 6 tháng đến 2 tuổi, ở độ tuổi này nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng đáng kể. Với việc cho ăn bổ sung phù hợp, trẻ có thể hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và có thể phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi và hạn chế phát triển các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch về sau.
Một số sai lầm khi cho trẻ ăn bổ sung
Ở Việt Nam, suy dinh dưỡng thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Kết quả là 24% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi, 28% bị thiếu máu, 13% bị thiếu vitamin A và 69% bị thiếu kẽm. Hơn 50% trẻ nhỏ được bắt đầu ăn bổ sung sớm (trước 6 tháng) trong khi 18% trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi không có chế độ ăn đủ đa dạng và 36% không ăn đủ số bữa. Những trẻ này có chế độ ăn kém chất lượng, thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Phần lớn trẻ em ăn bổ sung quá sớm với khẩu phần ăn kém chất lượng, 54% trẻ em được cho ăn ít hơn hoặc không ăn gì khi bị tiêu chảy, điều này có thể nhanh chóng dẫn đến suy dinh dưỡng.
Theo Quĩ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), thực hành cho ăn bổ sung ở Việt Nam là chưa đầy đủ và hợp lý ở những điểm sau:
Thiếu kiến thức
Các nghiên cứu cho thấy rằng những người chăm sóc có kiến thức hạn chế về tầm quan trọng của việc cho trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng, giàu năng lượng và chia thành nhiều bữa ăn (ít nhất là 3 bữa/ngày).
Thiếu thời gian chuẩn bị
Thiếu thời gian để chuẩn bị thực phẩm bổ sung phù hợp là một rào cản lớn đối với người chăm sóc. Ở Việt Nam, hơn 70% phụ nữ đi làm - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Cho con ăn bổ sung sớm
Thời điểm thích hợp để cho trẻ ăn bổ sung là từ 6 tháng tuổi (Ảnh minh họa).
Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở Việt Nam thấp (18%). Nguyên nhân của việc cai sữa sớm là vì bú sữa mẹ được cho là không đủ, đồng thời có một niềm tin phổ biến rằng sữa công thức tốt hơn sữa mẹ. Các mẹ nên duy trì việc cho con bú sữa mẹ đến khi trẻ được 2 tuổi và thời điểm ăn bổ sung thích hợp là khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Thực phẩm bổ sung không an toàn và thực hành không hợp vệ sinh
Gần một nửa (48%) người dân không rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và 21% không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Tầm quan trọng của ăn bổ sung
Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc và phòng bệnh đầy đủ, có thể giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu, phòng ngừa thấp còi và thiếu hụt các vitamin và khoáng chất. Việc bắt đầu cho ăn bổ sung cũng là một cơ hội quan trọng để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời và đảm bảo cho trẻ không bị thừa cân và mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp sau này.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2633230