Một người giàu sang hay nghèo khó, có thể thông qua hành vi mà suy đoán
Trong đời sống hàng ngày, đa phần những người có cuộc sống nghèo khổ lại rất thích khoe khoang. Người nghèo thường tự ti trong suy nghĩ và luôn để ý đến cách nhìn nhận, đánh giá của người khác về mình. Thế nên, nhiều người trong số họ thường vờ như mình đang sống rất thoải mái để che đậy sự thực là bản thân đang gặp khó khăn, bế tắc.
Đôi khi, chỉ cần thông qua vài cử chỉ hay lời nói, người ta có thể nhận ra một người có đang sống trong nghèo khó hay không, bởi có những điều rất khó lòng che giấu.
1. Ngụy tạo cuộc sống sang chảnh
Mỗi người đều có quyền tự do theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cái gì phù hợp với bản thân mới là đẹp nhất.
Có một số người giàu có nhưng lại sống vô cùng khiêm tốn, ăn mặc giản dị, ẩm thực cũng không quá cầu kì, việc gì cũng cố gắng làm hết sức mình, bình dị thân thiện với người khác. Trái lại, có một số người tuy cuộc sống chẳng hề dễ dàng, nhưng lại không bao giờ dám thể hiện trước mặt người ngoài. Họ thường giả như người giàu có, sống kiểu sang chảnh, thích khoe khoang trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa
Công ty nọ có một nữ nhân viên lương tháng khoảng 4.500 tệ (tương đương 15,6 triệu đồng), nhưng mỗi ngày đều sống rất sang chảnh. Mỗi sáng đi làm, trên tay cô luôn cầm một cốc Starbucks, chiều nào cô cũng gọi một phần bánh ngọt kèm theo một cốc trà sữa. Tan làm, trong khi các đồng nghiệp khác đi xe buýt hoặc tàu điện thì cô lại gọi taxi.
Trừ việc ăn uống cầu kì ra, đồ dùng của cô cũng vô cùng đắt đỏ. Mỗi khi hãng điện thoại cho ra mắt sản phẩm mới, cô sẽ mua ngay trong thời gian sớm nhất. Túi xách, mỹ phẩm đều là những thương hiệu nổi tiếng, quần áo, giày dép mỗi ngày đều không trùng nhau. Chưa hết, mỗi cuối tuần cô còn đi ăn và đi chơi ở những nơi nổi tiếng. Trang cá nhân của cô luôn đầy ắp những hình ảnh về một cuộc sống vô cùng tươi đẹp, thoải mái và cao cấp.
Lúc đầu, ai cũng nghĩ cô ấy xuất thân trong một gia đình giàu có, mãi đến sau này mới phát hiện ra gia đình cô ấy không hề khá giả. Mẹ là công nhân đã về hưu, hiện tại làm người giúp việc cho gia đình người khác, bố làm lái xe ôm. Thì ra cuộc sống sang chảnh của cô ấy hoàn toàn dựa vào thẻ tín dụng.
Một người càng thiếu thứ gì, lại càng thích khoe khoang thứ ấy. Theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp thực ra chẳng có gì sai trái, nhưng tiền đề là năng lực phải đáp ứng đủ cho nhu cầu. Nếu như năng lực không đủ, việc đầu tiên nên làm là nỗ lực kiếm tiền, sau đó hãy hưởng thụ số tiền mình kiếm được.
Nhiều người vì nghèo mà lo lắng không được mọi người coi trọng, sợ bị người ta chê cười, nên chỉ đành ngụy tạo cho bản thân thành bộ dạng mà ai cũng phải ngưỡng mộ.
2. Cử chỉ, ngôn ngữ toát lên đời sống nội tâm nghèo nàn
Lời nói và cử chỉ sẽ thể hiện rất nhiều điều về một con người. Ngoài việc thiếu thốn về mặt vật chất ra, nhiều người còn có một thế giới nội tâm và đời sống tinh thần nghèo nàn.
Người có thế giới nội tâm nghèo nàn biểu hiện bên ngoài rất thiếu sức sống, bên trong thiếu hụt cảm xúc, thậm chí trong người toàn là những năng lượng tiêu cực, làm gì cũng cảm giác không có sức lực, nhìn nhận mọi việc với tâm thế vô cùng bi quan.
Ảnh minh họa
Hiểu Mai là một cô gái ham học hỏi, làm tài vụ trong một công ty kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cô vẫn luôn giữ thói quen đọc sách. Cô hiểu rõ sự khốc liệt mang tính chất sinh tồn của thị trường lao động, giống như thuyền bơi ngược dòng nước vậy, không tiến ắt lùi. Bởi vậy, cô biết rõ bản thân luôn phải cố gắng nỗ lực nâng cao kĩ năng nghiệp vụ chuyên môn mới có thể đứng vững trong môi trường làm việc.
Một đồng nghiệp khác của cô thì ngược lại. Lý Văn với Hiểu Mai cùng làm trong một bộ phận, công việc như nhau, lương tháng cũng giống nhau. Lý Văn thường cười nhạo Hiểu Mai vì quá chăm đọc sách nhưng cũng chẳng để làm gì. Lý Văn cho rằng công ty vốn đã nhiều người tài lắm rồi, kể cả có học được chút kiến thức cũng sẽ chẳng có tác dụng gì. Hiểu Mai vừa không có quan hệ, lại không có thế lực, nên mấy chuyện thăng chức hay tăng lương làm sao mà tới lượt cô ấy. Lý Văn còn khuyên Hiểu Mai nên biết cách tiết kiệm sức lực của bản thân thì hơn.
Sau này, công ty điều chỉnh kết cấu các phòng ban, phòng tài vụ sát nhập với một phòng khác và lãnh đạo cũng tiến hành tinh giảm nhân lực. Lý Văn bởi biểu hiện trong công việc không tốt, kĩ năng chuyên môn cũng không có ưu thế nên bị cho nghỉ việc. Còn Hiểu Mai, nhờ những kiến thức tích lũy được mà giữ được vị trí của mình, thậm chí sau này còn có cơ hội được cất nhắc lên chức.
Người có thế giới tinh thần và nội tâm nghèo nàn luôn mang trong mình những cảm xúc tiêu cực. Họ cho rằng sự việc đã xảy ra rồi, chi bằng học cách chấp nhận, có dằn vặt đau khổ cũng không giải quyết được việc gì. Trên thực tế, cơ hội luôn dành cho những ai có sự chuẩn bị, biết rõ bản thân còn thiếu sót chỗ nào và không ngừng nỗ lực cải thiện. Cứ như vậy, người có thế giới nội tâm nghèo nàn cả đời vẫn mãi nghèo, vĩnh viễn không thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.
3. Chỉ biết hưởng thụ mà không biết báo đáp
Thường thì có qua có lại mới toại lòng nhau, thế nhưng lại có một kiểu người chỉ biết hưởng thụ những ân huệ từ người khác, nhưng bản thân lại không muốn bỏ ra bất kì thứ gì. Kiểu người này luôn không ngừng nghĩ mọi cách để kiếm lợi từ đối phương, nhưng không để cho người ta chiếm lợi từ mình, họ tính toán rất rạch ròi và không bao giờ để bản thân chịu thiệt.
Lúc người khác mời cơm, Lý Đông luôn là người chọn món rất lâu, chuyên gọi những món ăn đắt tiền, bởi anh ta không phải là người thanh toán hóa đơn nên không thấy xót. Tới lượt Lý Đông mời cơm, lần thì anh ta nói mình có việc bận không tới được, lần thì nói vẫn chưa có lương, rồi đẩy cho một người bạn khác thanh toán. Nhiều lần quá không thể trốn tránh được nữa, anh ấy bèn tìm đại một tiệm mỳ, mời mỗi người một bát mỳ rẻ tiền cho qua lượt.
Nhưng điều khiến người ta chán ghét hơn cả là Lý Đông luôn miệng khoe khoang mình là người tài giỏi cỡ nào, các mối quan hệ hoành tráng ra sao, từng nếm qua bao nhiêu sơn hào hải vị, kí được bao nhiêu hợp đồng làm ăn lớn... Thế nhưng cứ hễ nhắc đến việc mời cơm thì anh ta chỉ còn biết cúi đầu cười trừ cho qua chuyện.
Xung quanh chúng ta luôn có một vài người như vậy. Người khác mời họ bao nhiêu lần đi nữa thì họ cũng không muốn bỏ ra dù chỉ một lần. Kiểu người chỉ biết khoác lác khoe khoang bản thân tài giỏi, thực ra là người có lòng tự ti vô cùng lớn.
Những người nghèo mãi sẽ nhiễm thói tính toán so đo, việc gì cũng ngoan cố, chỉ muốn kiếm lợi từ người khác, đồng thời cũng luôn đề phòng người khác hưởng lợi từ mình. Họ sống một cách rất "khôn khéo", nhưng cuối cùng lại chỉ khiến người ta coi thường mình hơn mà thôi.
Bất luận nghèo nàn trên phương diện vật chất hay tinh thần, chúng ta đều nên cố gắng thay đổi tình trạng đó, mới mong có được một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Mỗi ngày thay đổi một chút, tiến bộ hơn một chút là bạn đã nắm trong tay cơ hội thay đổi vận mệnh của bản thân. Nghèo không đáng sợ, nhưng cứ mãi đắm chìm trong những ý nghĩ đổ tại số mệnh, ru ngủ mình bởi lối sống xa hoa giả tạo, không chịu học hỏi để tiến bộ hơn, bản thân không bao giờ chịu thiệt... ấy mới thực sự là những điều đáng sợ.
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/neu-ban-co-3-dac-diem-nay-thi-xin-chia-buon-ban-dich-thi-la-mot-nguoi-ngheo-chinh-hieu-KylheEKeWXbSQ.html