Một năm sau vụ bạo loạn Đồi Capitol
Sau gần một năm điều tra, Ủy ban 6/1, nhóm điều tra vụ bạo loạn được Hạ viện Mỹ thành lập, tới nay đã thẩm vấn khoảng 300 người, tổng hợp 30.000 hồ sơ và sắp thu thập được lượng lớn tài liệu của Nhà Trắng từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, sau khi các thẩm phán liên bang bác đề nghị của cựu tổng thống Donald Trump ngăn chính phủ giao nộp số tài liệu này cho ủy ban.
Mặc dù vậy, ủy ban vẫn chưa công bố nhiều về những phát hiện liên quan đến vụ bạo loạn vào ngày 6/1/2021, khi đám đông ủng hộ Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ giữa lúc diễn ra phiên họp xác nhận chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Một trong những câu hỏi trọng tâm của cuộc điều tra là vụ bạo loạn có được lên kế hoạch từ trước hay không. Bề ngoài, đây tưởng chừng là một câu hỏi khá đơn giản. Bắt đầu từ giữa năm 2020, Trump tuyên bố sẽ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng bất lợi cho ông, nhưng không đưa ra bằng chứng nào.
Sau khi thất bại trước Biden trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 với cách biệt hơn 7 triệu phiếu phổ thông, Trump càng quyết liệt cáo buộc đảng Dân chủ đã gian lận và ông mới là người chiến thắng thực sự, đồng thời tìm mọi cách để "lật kèo" kết quả bầu cử.
Ngay trước phiên họp xác nhận chiến thắng của Biden tại Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021, Trump đã phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Nhà Trắng trong vòng một giờ, hành động dường như khiến tinh thần của họ hoàn toàn thay đổi.
"Bạn không nhận thua khi có hành vi trộm cắp diễn ra", Trump tuyên bố. "Đất nước chúng ta đã chịu đựng đủ rồi. Chúng ta sẽ không chịu đựng nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ, không bao giờ nhận thua", ông nói thêm.
Những người ủng hộ Trump tập trung trước tòa nhà quốc hội Mỹ, vẫy quốc kỳ và cờ Trump trong lúc các nghị sĩ họp để chứng nhận chiến thắng của Joe Biden ngày 6/1. Ảnh: Reuters.
Sau đó, ít nhất hai lần ông đã hô hào đám đông tụ tập trước Nhà Trắng tuần hành về phía tòa nhà quốc hội, khiến Đồi Capitol dần chật cứng người. Trump khuyên người ủng hộ nên tuần hành "hòa bình", nhưng chỉ nói từ này một lần, trong khi lặp lại từ "chiến đấu" 23 lần, dù không trực tiếp kêu gọi đám đông đụng độ bạo lực với lực lượng thực thi pháp luật.
Đám đông sau đó tuần hành đến Đồi Capitol theo lời Trump và thực sự đã "chiến đấu". Họ tấn công cảnh sát bằng đủ loại công cụ như gậy, bình xịt hóa chất, chai lọ, bảng gỗ, bình cứu hỏa hay súng điện, vượt qua hàng rào an ninh và xông vào tòa nhà quốc hội, hô hào "Treo cổ Mike Pence", khi đó là phó tổng thống Mỹ chịu trách nhiệm chủ trì phiên họp xác nhận, hay "Nancy đâu rồi?", đề cập đến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Hậu quả là 5 người đã thiệt mạng liên quan tới vụ bạo loạn, trong đó có 4 người biểu tình và một cảnh sát quốc hội. Hơn 140 cảnh sát cũng bị thương.
Nhưng loạt câu hỏi về người chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn lại chưa có lời giải đáp. Có bằng chứng nào cho thấy Trump đang nói đúng nghĩa đen khi kêu gọi đám đông chiến đấu không? Hay ông ám chỉ nghĩa bóng và không muốn mọi thứ vượt tầm kiểm soát? Liệu có phải Trump biết lời của mình có thể được hiểu theo nghĩa đen, nhưng không muốn nói bất cứ điều gì có nguy cơ khiến ông phải chịu trách nhiệm pháp lý hoặc hình sự liên quan đến vụ bạo loạn hay không?
Một số tài liệu cho thấy những người thân cận với Trump đã cố gắng gây áp lực với Pence để "lật kèo" bầu cử và vô hiệu hóa ý chí của 81 triệu cử tri Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ liệu có bằng chứng nào cho thấy Trump có ý định phớt lờ quy định của hiến pháp Mỹ để giữ quyền lực, hành động chẳng khác nào đảo chính, hay không.
Một câu hỏi khác là liệu những nhóm bạo loạn cực hữu, như Oath Keepers hay Proud Boys, có bất kỳ phối hợp hoặc liên lạc nào với Nhà Trắng khi đó hay không. Họ có nhận được chỉ dẫn hay lời khuyến khích nào từ bất cứ ai trong chính quyền, hoặc người thân cận với Trump, hay không?
Về hành động từ phía Trump, ông đã tuyên bố trước đám đông rằng sẽ tuần hành cùng họ đến Đồi Capitol, nhưng lại nhanh chóng lên xe bọc thép trở về Nhà Trắng ngay sau khi bài phát biểu kết thúc lúc khoảng 13h10. Hồ sơ từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia được cho là sẽ cung cấp thông tin chi tiết về những việc Trump đã làm hôm đó.
Một số người ủng hộ Trump bắt đầu đụng độ với cảnh sát tại Đồi Capitol trong lúc ông vẫn phát biểu. Đến khi Trump về Nhà Trắng, đám đông đã va chạm dữ dội với cảnh sát ở mặt phía tây Đồi Capitol. Trump được cho là đã xem TV trong phòng ăn cạnh Phòng Bầu dục khi những cảnh quay tại hiện trường vụ bạo loạn được phát sóng.
Đến khoảng 14h, những kẻ bạo loạn đã di chuyển tới các cửa tòa nhà quốc hội Mỹ ở cả mặt phía đông và phía tây, rồi xông vào bên trong. Phó tổng thống Pence được đưa đi sơ tán lúc 14h13, trong khi hàng nghìn người biểu tình bên ngoài tòa nhà vẫn "đấu tay đôi" với cảnh sát. Nước Mỹ hoàn toàn rơi vào hỗn loạn, còn tổng thống đương nhiệm im lặng.
Trump đã thực hiện ít nhất hai cuộc gọi vào ngày 6/1/2021, một trong số đó là cuộc gọi đến thượng nghị sĩ bang Utah Mike Lee bằng điện thoại riêng, nhưng lại yêu cầu nói chuyện với thượng nghị sĩ Tommy Tuberville của bang Alabama. Tuberville thông báo cho Trump rằng Pence đã được đưa ra khỏi phòng họp, trong khi một phát ngôn viên của Lee từng kể rằng Trump còn yêu cầu Tuberville tiếp tục phản đối chứng nhận kết quả bầu cử.
Vào lúc 14h24, khi đám đông bạo lực tiếp tục tràn qua các phòng họp bên trong tòa nhà quốc hội để truy tìm Pence, Trump dường như còn "đổ dầu vào lửa". "Mike Pence không có can đảm thực hiện điều nên làm để bảo vệ đất nước và hiến pháp của chúng ta", ông viết trên Twitter.
Trump hôm đó còn gọi điện cho lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, khi nghị sĩ này bày tỏ lo sợ và đề nghị cựu tổng thống kêu gọi những người ủng hộ dừng lại. Tuy nhiên, Trump được cho là đã bác bỏ lo ngại của McCarthy, thậm chí đánh giá đám đông đang hành động chính đáng. "Chà, Kevin, tôi thấy mấy người đó còn thất vọng về cuộc bầu cử hơn cả ông", hạ nghị sĩ Cộng hòa Jaime Herrera Beutler thuật lại lời Trump.Đến 14h38, khoảng 90 phút sau khi trở về Nhà Trắng, Trump đăng bài kêu gọi ủng hộ cảnh sát và lực lượng thực thi pháp luật tại Đồi Capitol, nhưng không yêu cầu những kẻ bạo loạn rời đi. Gần nửa tiếng sau, ông cố gắng kiềm chế đám đông một lần nữa.
"Tôi đang yêu cầu mọi người tại Đồi Capitol giữ hòa bình. Không bạo lực! Hãy nhớ chúng ta là đảng của pháp luật và trật tự", Trump viết trên Twitter, nhưng vẫn không kêu gọi đám đông rời đi. Đến 16h17, Trump cuối cùng cũng đề nghị người ủng hộ "về nhà", nhưng tiếp tục cáo buộc vô căn cứ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp.
"Đó là những chuyện xảy ra khi một chiến thắng thiêng liêng trong cuộc bầu cử bị tước đi theo cách vô cùng bất chính và tàn nhẫn khỏi những người yêu nước vĩ đại, những người đã bị đối xử tồi tệ và bất công bấy lâu nay", Trump tiếp tục viết trên Twitter lúc 18h01, sau đó bị khóa tài khoản trên cả nền tảng này và Facebook.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Trump có phải chịu trách nhiệm hình sự vì không hành động để ngăn cuộc bạo loạn hay không. "Suốt 187 phút, tổng thống Trump đã từ chối hành động khi đó là điều cần thiết, được quy định trong lời tuyên thệ tuân thủ hiến pháp", hạ nghị sĩ Liz Cheney, phó chủ tịch Ủy ban 6/1, phát biểu ngày 14/12/2021.
Theo một điều luật liên bang của Mỹ, những người "ngăn chặn, gây ảnh hưởng hay cản trở bất kỳ quy trình chính thức nào, hoặc cố gắng làm như vậy, sẽ bị phạt tiền hoặc nhận án tù dưới 20 năm, hoặc cả hai". Cheney đặt vấn đề là liệu Trump có tìm cách ngăn chặn "quy trình chính thức" về kiểm phiếu đại cử tri của quốc hội hay không.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Adam Kinzinger, một thành viên khác trong Ủy ban 6/1, tháng trước cho hay ông chưa muốn nói về khả năng Trump bị cáo buộc hình sự. "Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết và có thể sẽ đưa ra ý kiến hợp lý khi cuộc điều tra kết thúc và báo cáo được công bố", Kinzinger nói.
"Không ai đứng trên luật pháp. Nếu cựu tổng thống cố ý để sự việc hôm 6/1/2021 xảy ra, đồng nghĩa ông ấy đã vi phạm luật hình sự và cần phải chịu trách nhiệm. Tôi chưa sẵn sàng xét đến chuyện đó, nhưng có rất nhiều câu hỏi về ý định của ông ấy", hạ nghị sĩ nói thêm.
Những người ủng hộ Trump trèo lên bức tường phía tây tòa nhà quốc hội ở Washington ngày 6/1/2021. Ảnh: AP.
Bên cạnh đó, còn nhiều câu hỏi về vai trò của Trump và Nhà Trắng khi để Đồi Capitol quá dễ bị tấn công như vậy, cũng như sự chậm trễ trong công tác triển khai thêm cảnh sát và lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Trách nhiệm được cho là không chỉ thuộc về Nhà Trắng. Tuy nhiên, còn nhiều thắc mắc về lý do Đồi Capitol bị rơi vào tình trạng quá dễ bị tổn thương trong thời gian lâu như vậy. Đặc biệt, tại sao Cục Điều tra Liên bang (FBI) không cảnh báo mạnh mẽ hơn về nguy cơ hiển hiện, khi một số người ủng hộ Trump công khai thảo luận trên mạng về ý định gây bạo lực trước ngày bạo loạn?
Vài tuần gần đây, tranh cãi đã nổ ra giữa các lãnh đạo lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Washington và quan chức quân đội làm nhiệm vụ trong ngày 6/1/2021. Phía Vệ binh Quốc gia cho biết họ đã sẵn sàng triển khai lực lượng tới Đồi Capitol, nhưng quân đội trì hoãn phê chuẩn lệnh điều quân. Họ còn cáo buộc quân đội đưa thông tin sai lệch về sự cố để giảm bớt trách nhiệm cho bất kỳ hành động điều quân chậm trễ nào.
Khoảng 17h30 hôm đó, các đơn vị Vệ binh Quốc gia đầu tiên mới đến tòa nhà quốc hội dù Steven Sund, cảnh sát trưởng Đồi Capitol đã gọi điện "điên cuồng" cho thiếu tướng William Walker, chỉ huy lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Washington khi đó, từ lúc 13h49 để khẩn cầu triển khai lực lượng nhanh nhất có thể.
Theo các nhà bình luận, vụ bạo loạn Đồi Capitol là điều có thể đoán trước, bởi nó là đỉnh điểm của tình trạng chia rẽ xã hội và những cáo buộc về gian lận bầu cử từ Trump. "Ngày 6/1/2021 sẽ được ghi nhớ là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử Mỹ", Dan Balz, nhà báo của Washington Post, viết.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-cau-hoi-lon-trong-bao-loan-doi-capitol-4411937.html