Chiến dịch tiêm chủng Trung Quốc đối mặt phép thử lớn
Trong khi biến chủng Omicron đang gây sóng gió ở nhiều nước phương Tây, làm số ca nhập viện và tử vong tăng vọt, tình hình Covid-19 ở Trung Quốc ngoài ổ dịch Tây An phần lớn vẫn ổn định. Đây được coi là thành quả từ hai mũi ứng phó quyết liệt mà Bắc Kinh theo đuổi suốt hai năm qua, gồm chiến lược "không Covid" và chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Quốc gia với hơn 1,4 tỷ dân đã hoàn tất tiêm hai mũi vaccine cho hơn 80% dân số và đang từng bước triển khai mũi tăng cường. Xương sống trong chiến dịch tiêm chủng Trung Quốc là các loại vaccine nội địa sử dụng công nghệ virus bất hoạt.
Abdi Mahamud, người phụ trách sự cố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 4/1, dự đoán rằng vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc có thể giúp tránh nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong vì Omicron, dù chúng có mức độ phòng tránh nguy cơ nhiễm khác nhau.
Tuy nhiên, ngay cả Trung Quốc cũng khó đưa ra được câu trả lời chắc chắn về mức độ hiệu quả của vaccine bất hoạt đối với Omicron, biến chủng có số đột biến cao bất thường, bởi nước này mới ghi nhận một vài ca Omicron nhập cảnh, còn nhiều quốc gia từng tiếp nhận vaccine của nước này đang chuyển sang sử dụng vaccine công nghệ mRNA cho mũi tăng cường.
Trong khuyến cáo cuối năm qua, WHO nhận định người cao tuổi, thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc từng tiêm vaccine bất hoạt, nên sớm tiêm mũi tăng cường. Ba vaccine bất hoạt đã được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp gồm CoronaVac của Sinovac, BIBP của Sinopharm đều là sản phẩm của Trung Quốc và Covaxin thuộc hãng công nghệ sinh học Bharat của Ấn Độ.
Nhân viên y tế thành phố Tây An xét nghiệm Covid-19 cho người dân tháng 12/2021. Ảnh: AFP.
Theo một nghiên cứu hẹp của Đại học Giao thông Thượng Hải và một phòng thí nghiệm cùng thành phố, người tiêm ba mũi vaccine bất hoạt có khả năng chống lại Omicron "thấp đáng kể", nhưng không nói rõ liệu mức này có đủ để bảo vệ cơ thể trước biến chủng mới hay không.
Một nghiên cứu khác chưa được bình duyệt của Đại học Yale cho thấy người tiêm hai mũi Sinovac và tiêm tăng cường một mũi Pfizer có lượng kháng thể cao hơn so với tiêm hai mũi Pfizer. Tuy nhiên, cách tiêm trộn vaccine này vẫn không đủ ngăn ngừa lây nhiễm Omicron.
Trong khi đó, hãng Sinovac khẳng định liệu trình ba mũi vaccine bất hoạt của họ vẫn đủ tăng khả năng vô hiệu hoá nCoV khi virus xâm nhập cơ thể.
Một số nhà khoa học Trung Quốc tin rằng vaccine bất hoạt vẫn hiệu quả trong chống lại Omicron, vì công nghệ truyền thống này "dạy" hệ miễn dịch tấn công mầm bệnh một cách toàn diện. Trong khi đó, công nghệ vaccine mRNA chỉ nhắm đến phần protein gai trên vỏ virus, nhưng đây cũng là vùng Omicron xuất hiện nhiều đột biến nhất so với những biến chủng trước. Họ cho rằng vaccine bất hoạt vẫn bảo vệ người tiêm chủng khỏi nguy cơ bệnh nặng nếu nhiễm biến chủng mới.
Tao Lina, chuyên gia vaccine tại Thượng Hải, nhận định mũi tăng cường sẽ đóng vai trò quyết định trong cải thiện nồng độ kháng thể trung hòa chống lại virus. Trong trường hợp biến chủng vượt qua được lớp kháng thể ngăn lây nhiễm, nồng độ kháng thể trung hòa đủ cao sẽ giúp ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong.
Trung Quốc đang từng bước triển khai tiêm mũi ba trên toàn quốc, nhưng chưa bổ sung bất kỳ vaccine mRNA nào vào danh sách tiêm chủng. Hội đồng chuyên gia nước này từ nhiều tháng trước đã đề nghị đưa vaccine Pfizer/BioNTech vào kho "vũ khí" chống dịch, nhưng chưa được cơ quan quản lý bật đèn xanh. Hãng dược Fosun ở Thượng Hải hiện là nhà phân phối vaccine mRNA duy nhất cho BioNTech ở đại lục.
Chuyên viên kỹ thuật kiểm tra vaccine Covid-19 của hãng Sinopharm tại Bắc Kinh vào tháng 3/2021. Ảnh: Xinhua.
Nước này cũng đang thử nghiệm phiên bản vaccine mRNA nội địa, do hai công ty công nghệ sinh học Walwax và Suzhou Abogen đồng phát triển. Trung Quốc từng kỳ vọng sản phẩm sẽ ra mắt trước đầu năm 2022, nhưng hai công ty cuối cùng đã lỡ hẹn.
Theo Huang Yanzhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Toàn cầu tại Đại học Seton Hall của Mỹ, Bắc Kinh đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan với vaccine mRNA.
Nếu cấp phép cho sản phẩm ngoại trước khi hoàn tất nghiên cứu nội địa, họ có thể phát đi thông điệp gây hoài nghi về chất lượng các vaccine tự phát triển, dù Pfizer/BioNTech chỉ đóng vai trò mũi tăng cường chứ không thay thế vaccine bất hoạt.
"Nguyên nhân chính trì hoãn quyết định cấp phép vaccine BioNTech là Trung Quốc muốn cấp phép trước cho vaccine mRNA nội địa. Quyết định sử dụng vaccine nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của vaccine Trung Quốc", Huang lưu ý.
Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế tại Hàn Quốc, đánh giá cao tầm quan trọng của mũi tăng cường nhưng lưu ý cuộc chiến với biến chủng nCoV cần những giải pháp dài hạn và toàn diện hơn.
Ông cho rằng biến chủng vẫn còn quá nhiều ẩn số, từ độc tính đến khả năng né tránh các loại vaccine hiện nay. Ông nhận định các nước cần nhìn nhận mũi tăng cường bằng những loại vaccine hiện có như một chiến lược "câu giờ" cho cộng đồng khoa học và các chính phủ tìm hiểu thêm về biến chủng.
Kim cảnh báo mọi mũi tăng cường hiện nay chỉ nên là biện pháp tạm thời, bởi tiêm nhắc lại ba tháng một lần sẽ rất phức tạp, khó thực hiện, tốn kém và nhiều khả năng bị phản đối dữ dội.
Trong kịch bản những biến chủng tương lai tiếp tục đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm lẫn độc tính, Tao Lina nói Trung Quốc sẽ hướng đến phát triển các dòng vaccine đủ khả năng đối phó cùng lúc nhiều biến chủng và chuyên gia này tỏ ra rất lạc quan.
"Chúng tôi đủ năng lực để hoàn tất nghiên cứu những sản phẩm này, sớm nhất là trong vòng hai tháng", Tao Lina nói.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-dich-tiem-chung-trung-quoc-doi-mat-phep-thu-omicron-4411945.html