Một kỷ nguyên mới hình thành sau khi nhà máy điện than lâu đời nhất Úc đóng cửa

19:00' 23-04-2023
Chính phủ liên bang và các tiểu bang cần hành động để đảm bảo lưới điện của Australia không bị thiếu hụt công suất khi các nhà máy điện than đóng cửa.


    Nhà máy nhiệt điện than lớn nhất Australia là Eraring. Ảnh: abc.net.au

    Trang mạng của Hội đồng Khí hậu Australia mới đây đăng bài viết nhận định, sau hơn 5 thập kỷ, những đơn vị còn đang hoạt động cuối cùng của nhà máy nhiệt điện than Liddell sẽ đóng cửa trong tháng Tư này.

    Chủ sở hữu của nhà máy là AGL Energy, tập đoàn năng lượng lớn nhất Australia và cũng là đơn vị thải ra lượng khí thải nhà kính lớn nhất ở nước này. Việc đóng cửa nhà máy Liddell sẽ giúp cắt giảm 17% lượng khí thải của AGL Energy.

    Liddell, nằm ở Thung lũng Hunter thuộc bang New South Wales, là nhà máy điện than lâu đời nhất của Australia. Nhà máy Liddell đi vào hoạt động vào đầu những năm 1970 – cùng thời điểm mẫu xe Datsun 180B của hãng sản xuất xe hơi Datsun (Nhật Bản) ra mắt và trước khi Nhà hát Opera Sydney khánh thành.

    Giống như Datsun 180B là một chiếc xe tuyệt vời vào thời điểm đó, nhà máy Liddell đại diện cho công nghệ sản xuất điện rẻ nhất và đáng tin cậy nhất vào những năm 1970 và 1980 (ít nhất nếu chúng ta không tính đến chi phí carbon dài hạn).

    Tuy nhiên, giống như tất cả các nhà máy nhiệt điện than ở Australia, hiệu suất của Liddell giảm sút khi hoạt động càng lâu năm. Nhà máy trở nên không ổn định và thiếu hiệu quả. Một đơn vị của nhà máy đã đóng cửa vào năm ngoái, để lại 3 đơn vị còn lại đang hoạt động.

    Chính phủ liên bang và các tiểu bang cần hành động để đảm bảo lưới điện của Australia không bị thiếu hụt công suất khi các nhà máy điện than đóng cửa. Nhưng việc đóng cửa các cơ sở như Liddell có nghĩa là Australia đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một để trở thành siêu cường năng lượng toàn cầu.

    Tập đoàn AGL Energy công bố quyết định đóng cửa Liddell vào năm 2015. Hầu như không ai trong ngành năng lượng phản đối quyết định này, song động thái trên đã kích hoạt một cuộc tranh luận kéo dài chưa có hồi kết.

    Một số chính trị gia vẫn đang phản đối quyết định đóng cửa Liddell. Nghị sĩ David Littleproud, lãnh đạo của Đảng Quốc gia Australia, mới đây cho rằng nên trì hoãn việc đóng cửa Liddell nhằm ngăn chặn phát sinh các vấn đề về nguồn cung, đồng thời kêu gọi Australia nên khẩn trương tổ chức một cuộc thảo luận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

    Tuy nhiên, việc đóng cửa Liddell không có khả năng làm cho bang New South Wales thiếu điện. Hiện tại, bang này vẫn còn đủ công suất để đảm bảo đáp ứng nguồn cung một cách ổn định.

    Trong 8 năm kể từ khi quyết định đóng cửa Liddell, công suất năng lượng tái tạo quy mô lớn ở bang New South Wales đã liên tục tăng lên, trong đó có việc phát triển hệ thống điện Mặt Trời áp mái.

    Nhiều hệ thống ổn định lưới điện mới cũng đang được phát triển – tức là công suất nguồn cung sẽ được kích hoạt và điều chỉnh một cách linh hoạt khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột ngột hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tạm dừng cung cấp điện (do yếu tố thời tiết).

    Các dự án ở bang New South Wales đang trong quá trình xây dựng là 2 nhà máy điện chạy bằng khí đốt Kurri Kurri và Tallawarra, dự án “siêu pin” Waratah và dự án thủy điện tích trữ Snowy 2.0.

    Thủy điện tích trữ, hay hồ thủy điện tích năng (Pumped Hydro Storage) là hệ thống gồm các hồ thủy điện nhân tạo, sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời… để bơm nước từ hồ bên dưới lên hồ trên cao. Các cơ sở này đóng vai trò như những “bình ắc quy bằng nước” khổng lồ, tận dụng và lưu trữ năng lượng dư thừa do năng lượng tái tạo sinh ra.

    Khi mức tiêu thụ điện ở bang New South Wales lên cao nhất, công suất mà hệ thống điện cần phải đạt được là 14.000 MW. Trường hợp không có nhà máy Liddell, các nhà máy điện than, khí đốt và thủy điện còn lại cung cấp khoảng 13.500 MW.

    Cùng với công suất năng lượng gió và Mặt Trời hiện có, kết hợp với năng lượng được cung cấp từ các bang Victoria và Queensland thông qua các đường dây truyền tải, tổng công suất sản xuất điện ở bang New South Wales dường như là quá đủ.

    Tuy nhiên, một số nguồn phát điện còn lại này – cụ thể là các nhà máy nhiệt điện than còn lại – đang trở nên ít ổn định hơn. Đó là lý do tại sao ngành năng lượng Australia đang nhìn vào trường hợp nhà máy Liddell, tiếp đến là kế hoạch đóng cửa nhà máy than Eraring vào năm 2025 và những nhà máy khác tiếp theo.

    Mô hình dữ liệu của Cơ quan Điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO) cho thấy việc đóng cửa nhà máy điện than Eraring trong những năm tới sẽ gây áp lực lên nguồn cung còn lại. Tuy nhiên, AEMO cho biết thị trường vẫn sẽ đáp ứng “tiêu chuẩn về độ ổn định” của lưới điện, ngay cả khi không phát triển thêm dự án mới nào.

    Theo tiêu chuẩn trên, công suất bị thiếu (dẫn đến tình huống mất điện) không được vượt quá 0,002% tổng năng lượng tiêu thụ trong một khu vực. Mặc dù đôi lúc mất điện là khá bất tiện, song việc khắc phục hoàn toàn tình trạng này là không khả thi, vì điều này đòi hỏi phải xây dựng các nhà máy điện với chi phí lớn nhưng hiếm khi sử dụng.

    Tình trạng mất điện có thể trở nên phổ biến nếu thời tiết khắc nghiệt hoặc các nhà máy điện than gặp trục trặc. Điều này đã xảy ra đối với bang Queensland khi nhà máy điện Callide C của bang này gặp trục trặc vào năm 2021. Nhưng tình trạng mất điện vẫn có nhiều khả năng là do sự cố đường dây điện ngoài trời, thay vì do thiếu công suất phát điện.

    Dự kiến, Australia vẫn chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng của Australia diễn ra suôn sẻ, nước này nên phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo mới và hệ thống ổn định công suất điện trước khi đóng cửa các nhà máy điện than.

    Việc đóng cửa các nhà máy điện than sớm hơn dự kiến vẫn sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ trên, giống như trường hợp xảy ra với nhà máy điện than Hazelwood của bang Victoria do chi phí sửa chữa quá cao.

    Trước đây, tác giả bài viết đã đề xuất một mô hình gọi là “phòng chờ” để dự phòng công suất sản xuất điện có thể nhanh chóng đưa ra thị trường khi có nhu cầu. Pin và thủy điện tích trữ sẽ được phát triển trước khi đóng cửa các nhà máy điện than, và các cơ sở trên được đưa vào thị trường ngay khi các nhà máy điện than dừng hoạt động.

    Chính quyền bang New South Wales và Thủ hiến Chris Minns cũng có thể thúc đẩy đầu tư thông qua chính sách hiện có, được gọi là Lộ trình Năng lượng New South Wales. Hoạt động đầu tư này cũng liên quan đến việc đề nghị AEMO ký kết các hợp đồng dài hạn để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo và dự án ổn định lưới điện mới, nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về mặt tài chính.

    Hiện tại đang diễn ra vòng đấu thầu các dự án, xong quá trình này có thể được đẩy nhanh hơn. Trước tình hình khủng hoảng năng lượng toàn cầu, có thể cân nhắc vận hành thử các dự án ngay lúc này, với việc không bắt buộc các dự án phải có nguồn cung ngay lập tức.

    Cách thức này sẽ đảm bảo độ ổn định của nguồn cung cấp điện hơn là so với những phương án khác, chẳng hạn như việc Chính quyền bang New South Wales bỏ tiền ngân sách ra để mua nhà máy Eraring  – phương án mà Công đảng tại bang New South Wales đã tính đến trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử cấp bang vào tháng trước.

    Về lâu dài, việc xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo cần phải được mở rộng đáng kể về quy mô để đảm bảo độ ổn định nguồn cung và đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.

    Đây sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan trong tuần vừa qua là các dự án năng lượng tái tạo dưới thời Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Albanese đang được phê duyệt với tốc độ nhanh gấp đôi so với những năm trước.

    Còn nhiều việc phải làm để đảm bảo lưới điện có thể trụ vững được khi các nhà máy điện than đóng cửa. Australia cần xây dựng thêm nhiều đường dây truyền tải điện mới để kết nối các cơ sở phát điện tái tạo với mạng lưới điện.

    Sự phát triển không ngừng của các Vùng năng lượng tái tạo (REZ)  – cụm dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn – sẽ giúp việc thành lập các dự án mới nhanh chóng và đơn giản hơn. Điều quan trọng là các cộng đồng địa phương và những người thổ dân Australia cũng được tham gia và tư vấn trong suốt quá trình chuyển đổi.

    Trong khi quá trình chuyển đổi để loại bỏ than đá mang đang đối mặt với nhiều thách thức, năng lượng hạt nhân dường như không phải là một phương án hợp lý.

    Australia có nguồn tài nguyên năng lượng Mặt Trời và gió dồi dào bậc nhất thế giới – đủ để sản xuất ra năng lượng sạch, giá rẻ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Các công nghệ như công nghệ dự trữ năng lượng (pin) và năng lượng hydro sẽ bù đắp “khoảng trống” về công suất khi cần.

    Sản xuất năng lượng từ công nghệ hạt nhân mới nổi dưới dạng “lò phản ứng mô-đun nhỏ”, theo đề xuất của Nghị sĩ David Littleproud, cần chi phí lớn hơn gấp đôi so với chi phí năng lượng tái tạo ở Australia ngay cả đối với kịch bản tham vọng nhất. Điều này mang lại cho Australia một lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

    Việc nhà máy Liddell ngừng hoạt động là một khoảnh khắc lịch sử trong một bối cảnh lớn của ngành năng lượng của Australia. Giờ đây, với sự điều chỉnh các chính sách hiện nay, chính quyền mới của bang New South Wales có thể nâng cao tính ổn định, giảm giá điện và bước đi trên lộ trình phát thải ròng bằng 0./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/dieu-gi-se-xay-ra-khi-nha-may-dien-than-lau-doi-nhat-australia-dong-cua/288270.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ