Mẹ vượt biên, giả làm gái mại dâm để giải cứu con
Ngày 15/1/2021, Marium 17 tuổi, được người quen giới thiệu một thẩm mỹ viện gần biên giới Ấn Độ đang tuyển người làm. Môi trường sạch sẽ, việc nhẹ, lương cao... là những gì người này nói với cô.
Đối với Marium, công việc như một món quà bất ngờ vì nhờ nó mà cô có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân ép buộc. "Tôi lập tức thu dọn hành lý và đi cùng anh ta", cô gái nói.
Bức ảnh gia đình có mặt cô bé Marium trong ngôi nhà của họ ở ngoại ô thành phố Dhaka. Ảnh: Vice.com
Đi được nửa đường, người này giao cô cho hai người tự xưng là "nhân viên thẩm mỹ viện". Marium dần nhận ra điều gì đó không ổn khi đến biên giới. "Lúc đó là nửa đêm, và sau khi cảm nhận được lai lịch thực sự của họ, tôi bắt đầu khóc", cô gái kể.
Sau đó cô bị đẩy lên một con tàu chở khách. Lúc này, Marium đã trấn tĩnh lại. Lợi dụng lúc hai kẻ buôn người không để ý, cô mượn điện thoại di động của hành khách bên cạnh gọi về nhà: "Mẹ con sắp bị đưa đến Ấn Độ, cứu con với". Kẻ buôn người đã phát hiện ra và nhanh chóng đến giật điện thoại. Trong lúc giằng co, trước khi cuộc gọi kết thúc, Marium đã gọi tên hai kẻ buôn người vào điện thoại di động.
Đầu dây bên kia, sau khi giọng nói của con gái vụt tắt, cô Asiya đến đồn cảnh sát để trình báo, kể cho họ nghe tất cả những gì mình biết, thông tin về người quen và tên của hai kẻ buôn người. "Lúc đó, tôi tin chắc rằng cảnh sát sẽ ra tay", cô nói.
40 ngày sau, cảnh sát vẫn không có bất cứ thông tin gì về con gái cô. Tháng thứ hai, người mẹ hoàn toàn tuyệt vọng. Cô nhận ra nếu cứ chờ đợi, cảnh sát sẽ trả lời như cũ. Asiya quyết định tự mình hành động. "Nếu muốn biết con gái mình bị bán ở đâu, cách duy nhất là bị bán bởi chính người đó", cô nói với chồng.
Nghĩ tới "người quen" được con gái nhắc tới qua điện thoại, Asiya lập tức gọi điện nhờ giới thiệu đi làm ở nước ngoài. "Không sao, tôi sẽ giới thiệu cho cô tới Ấn Độ. Bây giờ có một cửa hàng bên đó", câu trả lời từ "người quen" đúng như mong muốn của cô.
Ngày hôm sau, Asiya lấy hết 700 USD tiền tiết kiệm của gia đình, đặt chân lên đúng con đường mà con gái đã đi. Vài ngày sau, cô bị đưa đến một nhà thổ ở New Delhi, nhưng hỏi chuyện mới biết con gái không có ở đây.
Asiya và con gái Marium trong lễ bàn giao giữa biên phòng Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh: Vice.com
Tuy nhiên, Asiya không bỏ cuộc, để có thêm thông tin, cô phải ở lại nhà thổ dù bị ép làm gái mại dâm. Đến tháng 6 vẫn không tìm ra tung tích con gái, cô gọi điện cho chồng, bàn bước tiếp theo.
Bất ngờ, người chồng báo tin vài ngày trước, con gái Marium đã liên lạc qua điện thoại di động của một vị khách và nói vị trí chính xác của mình. Đó là một nhà chứa ở Bihar, miền đông Ấn Độ, cách New Delhi hơn 1.000 km.
Asiya trốn khỏi nhà thổ ngay đêm hôm đó. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, cô đến được Bihar và tìm con gái qua số máy của vị khách trước đó Marium từng gọi nhờ. "Chủ nhà thổ nói rằng bà ta mua con gái tôi từ Bangladesh với giá 3.400 USD", người mẹ nói.
Sau khi gặp lại, Asiya đưa con gái trốn khỏi địa ngục trần gian này ngay trong đêm nhờ sự giúp đỡ từ khách hàng của Marium và một số người dân địa phương. Bốn ngày sau họ chạy đến biên giới Ấn Độ - Bangladesh.
Hai mẹ con không có hộ chiếu và không có hồ sơ xuất nhập cảnh nên bị biên phòng Ấn Độ thẩm vấn. Sau một số cuộc điều tra, câu chuyện của họ đã được làm rõ. Phía Bangladesh sau đó cũng nhanh chóng truy bắt ba kẻ buôn người.
Theo cảnh sát, băng nhóm này có tới 25 thành viên chuyên nhắm đến những phụ nữ nghèo. Mỗi nạn nhân được bán cho trung gian người Ấn Độ với giá từ gần 1.200 USD đến 1.700 USD. Những nạn nhân sau đó được bán lại cho các nhà thổ ở Ấn Độ. Thủ lĩnh của tổ chức này là Mohammad Kalu, 40 tuổi, có 8-10 năm kinh nghiệm buôn người.
Theo thống kê của biên phòng Ấn Độ, nước này vẫn là điểm đến và tuyến đường chính của nạn buôn bán phụ nữ Bangladesh, với khoảng 50.000 nạn nhân. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ có 2.000 phụ nữ được giải cứu.
Câu chuyện về cô gái Marium được mẹ giải cứu thành công là một điều kỳ diệu đối với những người Bangladesh.
Ba kẻ buôn người (ở giữa) bị lực lượng Phản ứng nhanh (RAF) Bangladesh bắt giữ trước khi hai mẹ con Asiya trở về nước. Ảnh: vice.com
Mohammad Tariqul Islam, Giám đốc quỹ Công lý và Chăm sóc của Bangladesh, một tổ chức chống nô lệ toàn cầu, nói với Vice World News rằng, nhiều gia đình có con gái bị bắt cóc không muốn báo cảnh sát bởi xấu hổ. "Thực tế, trong trường hợp các gia đình trình báo người thân mất tích, tỷ lệ giải cứu được lên đến 70%", ông khẳng định.
"Chúng tôi vẫn sống trong sự lo lắng và tổn thương," người mẹ nói về nỗi sợ bị trả thù.
Nhận mọi công việc service xe lớn hay nhỏ
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/me-vuot-bien-gia-lam-gai-mai-dam-de-giai-cuu-con-4359919.html