Mẹ chồng đòi về quê không muốn chăm cháu, tôi xấu hổ tột cùng khi vô tình nghe bà nói chuyện với chồng
Sau khi cưới, tôi tự bỏ tiền túi mua một căn chung cư để hai vợ chồng cùng ở. Anh luôn đi làm về đúng giờ, vì có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên việc nhà đa phần là anh làm và tôi cảm thấy thật hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, thậm chí nhiều lúc còn nghĩ biết lấy chồng sướng vậy thì đã lấy sớm rồi.
Một năm sau cưới, tôi sinh con trai đầu lòng và mẹ chồng từ quê lên ở chung cùng chúng tôi để chăm sóc cháu. 6 tháng sau sinh tôi giao con trai cho mẹ chồng chăm sóc để quay lại với công việc. Tôi tuy là mẹ nhưng ít khi phải chăm sóc con vì mẹ chồng đã lo hết rồi từ việc tắm cho con, cho con ăn, hay nửa đêm con dậy… bà đều làm hết.
Thực ra tôi không nhờ mẹ chồng chăm cháu không công. Ban đầu tôi đưa cho mẹ 10 triệu mỗi tháng để bà muốn mua gì thì mua hoặc tích cóp về sau, nhưng mẹ từ chối. Mẹ nói rằng mẹ sống ở đây không phải lo ăn lo mặc, không cần dùng đến tiền nên sau đó tôi không đưa tiền cho bà nữa, mặc nhiên giao con trai cho mẹ chồng chăm sóc.
Con trai tôi chủ yếu là do mẹ chồng chăm sóc, tôi ít khi phải làm gì. (Ảnh minh họa)
Thoáng cái con đã 3 tuổi và đi nhà trẻ rồi. Nhà gần trường nên ngày nào bà nội cũng đưa đón cháu đi học. Vì một tay bà chăm bẵm từ nhỏ nên con trai quấn quýt bà lắm, thậm chí còn thân hơn cả bố mẹ. Ấy vậy mà mấy hôm trước mẹ chồng lại ngỏ ý muốn về quê.
- Cu Bi cũng lớn khôn rồi nên mẹ muốn về quê sống. Hai con bận quá không đưa đón thằng bé đi học được thì thuê bảo mẫu theo giờ nhé.
- Người ngoài sao bằng người nhà được mẹ. Với lại bố không còn, mẹ về quê lủi thủi một mình chúng con không yên tâm.
Tôi thật sự không hiểu tại sao mẹ chồng lại nằng nặc đòi về quê nữa, hỏi thì bà chỉ nói nhớ quê thôi. Hai vợ chồng khuyên hết lời mà bà vẫn giữ nguyên quyết định, không còn cách nào khác nên tôi đành tìm bảo mẫu, mẹ đồng ý ở lại tới khi tôi tìm được người. Nhưng, kiếm được một bảo mẫu ưng ý đâu phải dễ.
Khi nghe mẹ chồng đòi về quê, không chịu chăm cháu nữa tôi khó chịu vô cùng. (Ảnh minh họa)
Tối hôm qua sau khi làm việc xong, tôi đi vệ sinh cá nhân để chuẩn bị đi ngủ. Lúc đi ngang qua phòng mẹ chồng và con trai (ngày thường mẹ ngủ với cháu) thì vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa mẹ với chồng tôi.
- Con đừng trách mẹ không chăm con chăm cháu cho hai đứa. Mẹ cũng muốn lắm nhưng mẹ già rồi, chân tay ngày càng yếu. Cu Bi nghịch ngợm thế nào thì con cũng biết rồi mà, có khi nó chạy mà mẹ không đuổi kịp, nhỡ nó bị làm sao mẹ ân hận cả đời. Mẹ biết cái Thanh (tên tôi) khó chịu, không vui vì mẹ đòi về quê, nên con lựa lời nói chuyện với nó giúp mẹ.
Nghe mẹ chồng nói tôi xấu hổ tột cùng. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ việc mẹ chồng chăm cháu cho vợ chồng tôi là lẽ đương nhiên. Hàng ngày không thấy mẹ kêu ca, phàn nàn gì nên tôi cứ ỷ lại vào mẹ mà không nghĩ rằng mẹ đã ở tuổi xế chiều, năm nay gần 70 tuổi chứ không còn trẻ nữa, sức khỏe đương nhiên không tốt. Tôi thấy mình vô tâm quá. Một lúc sau khi bình tĩnh lại, tôi bước vào phòng trực tiếp xin lỗi mẹ chồng.
- Mẹ ơi, con xin lỗi vì trước đây không nghĩ đến vấn đề sức khỏe của mẹ. Là do con quá vô tâm. Nhưng sức khỏe của mẹ yếu thế này, mẹ đừng về quê nữa được không? Mẹ hãy ở đây để tụi con chăm sóc mẹ, để cháu gần bà. Con cũng thuê thêm người giúp việc để chăm sóc cu Bi, để mẹ có người trò chuyện cho đỡ buồn mẹ nhé.
Thuyết phục mãi cuối cùng mẹ chồng cũng đồng ý ở lại. Sau đó tôi cũng thuê một chị giúp việc 40 tuổi, để chị ấy vừa chăm sóc con trai tôi vừa chăm sóc mẹ chồng. Mẹ đã vất vả vì chúng tôi nhiều rồi, đã đến lúc và được nghỉ ngơi và hưởng phúc. Tôi thật sự hối hận vì trước đây không quan tâm mẹ nhiều hơn, nhưng may mắn là bây giờ tôi nhận ra cũng chưa muộn. Tôi vẫn còn cơ hội để chăm sóc, tỏ lòng hiếu thảo với mẹ chồng. Vậy nên các bạn trẻ à, đừng vô tâm như tôi nhé, những ai còn bố còn mẹ hãy quan tâm, dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn kẻo ngày sau phải hối hận.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/me-chong-nang-dau/me-chong-khong-cham-soc-chau-vo-tinh-nghe-ba-noi-chuyen-voi-chong-toi-xau-ho-tot-cung-c210a544239.html