Lực lượng Houthi tuyên bố tập kích các tàu hàng trên Biển Đỏ

20:00' 11-12-2023
Lực lượng Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa, UAV có thể gây ra mối đe dọa lớn với tàu hàng quốc tế cũng như chiến hạm Mỹ ở Biển Đỏ.


    Lực lượng Houthi kiểm soát miền tây Yemen gần đây thường xuyên tập kích tàu chiến Mỹ và tàu hàng quốc tế bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) ở khu vực Biển Đỏ. Các vụ tấn công tăng đáng kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng nổ, do Houthi tuyên bố sẽ ủng hộ lực lượng Hamas chống lại Israel.

    Một trong những cuộc tập kích nghiêm trọng nhất diễn ra hôm 3/12, khi Houthi phóng tên lửa, UAV vào ba tàu hàng ở Biển Đỏ trong nhiều giờ. Quân đội Mỹ đã điều tàu khu trục USS Carney tới bảo vệ các tàu hàng và bắn hạ ba UAV trong lúc chúng đang hướng về phía chiến hạm Mỹ, song không rõ nó có phải là mục tiêu trong cuộc tập kích hay không.

    Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan phụ trách hoạt động tác chiến của Washington tại Trung Đông, đã lên án mạnh mẽ động thái của Houthi.

    "Các cuộc tấn công này là mối đe dọa trực tiếp tới hoạt động thương mại quốc tế và an ninh hàng hải, đe dọa tính mạng thủy thủ đoàn tới từ nhiều quốc gia trên thế giới", CENTCOM nhấn mạnh.

    Lực lượng Houthi tuyên bố tập kích các tàu hàng trên Biển Đỏ vì chúng có liên hệ với Israel và cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công tương tự trong thời gian tới, nhằm phản đối chiến dịch của Tel Aviv nhằm vào Hamas.

    Khu trục hạm Mỹ USS Thomas Hudner hoạt động tại Trung Đông hôm 27/11. Ảnh: Hải quân Mỹ

    Khu trục hạm Mỹ USS Thomas Hudner hoạt động tại Trung Đông hôm 27/11. Ảnh: Hải quân Mỹ

    Houthi là một phần của "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt để đối phó Israel ở Trung Đông, trong đó Hamas là một thành viên. Ngoài Houthi, các lực lượng khác trong "trục kháng chiến", như Hezbollah tại Lebanon hay các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq, gần đây cũng thường xuyên tập kích Israel hoặc căn cứ Mỹ ở Trung Đông.

    Vụ tấn công gần nhất của lực lượng Houthi được cho là xảy ra vào ngày 6/12, khi tàu khu trục USS Mason của Mỹ bắn hạ một UAV phóng từ khu vực do lực lượng này kiểm soát ở Yemen.

    Mối đe dọa của Houthi ở Biển Đỏ không ngừng tăng lên, bởi lực lượng này sở hữu kho vũ khí đa dạng gồm tên lửa, UAV và thủy lôi, phần lớn được Iran cung cấp. Theo Fabian Hintz, chuyên gia về tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại London, nhóm Houthi có ít nhất 10 loại tên lửa diệt hạm, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm bắn 500 km và tên lửa hành trình tầm bắn 800 km.

    "Trong bối cảnh đang bị chặn đường ra biển, Houthi đương nhiên muốn tăng cường năng lực chống hạm", Hintz nhận xét. Liên quân quốc tế do Arab Saudi áp đặt phong tỏa đường biển với Yemen sau khi nội chiến bùng phát ở nước này hồi năm 2015, nhằm ngăn Iran chuyển vũ khí cho lực lượng Houthi.

    Chuyên gia Hintz cũng cho biết Houthi sở hữu nhiều mẫu UAV tầm xa mang đầu đạn nặng hàng chục kg, trong đó ít nhất hai loại có thể vươn tới Israel, quốc gia cách Yemen ít nhất 1.600 km.

    Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định Houthi chưa thể tập kích tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ, do các tàu này được trang bị nhiều khí tài phòng thủ hiện đại, như radar, tên lửa phòng không và vũ khí đánh chặn tầm gần. Đến nay, các vụ tập kích của Houthi ở Biển Đỏ chưa gây ra thiệt hại cho tàu Mỹ.

    "Lực lượng Houthi không có năng lực gây nhiễu hoặc vô hiệu hóa mạng lưới thông tin của chúng tôi nên họ chưa phải là mối đe dọa lớn, dù sử dụng tên lửa hay UAV để tấn công", Sam Tangredi, sĩ quan hải quân Mỹ về hưu, nêu quan điểm.

    Tên lửa trưng bày trong buổi diễu binh của lực lượng Houthi tại Sanaa, Yemen ngày 21/9. Ảnh: Reuters

    Tên lửa trưng bày trong cuộc diễu binh của lực lượng Houthi tại Sanaa, Yemen ngày 21/9. Ảnh: Reuters

    Theo Tangredi, nếu bị tập kích bất ngờ, tàu chiến Mỹ vẫn có nguy cơ bị đánh trúng, song khả năng này rất thấp do chiến hạm ở Biển Đỏ luôn được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ, bởi khu vực này nằm rất gần vùng chiến sự. "Khi hoạt động ở ngoài khơi Yemen, cả tàu chiến và tàu hàng đều sẵn sàng đối phó nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào", cựu sĩ quan này nói.

    Bradley Martin, chuyên gia của viện nghiên cứu RAND có trụ sở tại Mỹ, cũng cho rằng hải quân nước này có thể "đối phó hiệu quả với bất kỳ thứ gì Houthi phóng tới" nếu không bị tấn công bất ngờ. Dù vậy, ông cho rằng các đòn tập kích của Houthi là "mối đe dọa đáng kể" đối với tàu hàng quốc tế di chuyển qua Biển Đỏ.

    Các tàu này không được trang bị vũ khí phòng thủ hiện đại và không phải lúc nào chiến hạm Mỹ cũng có thể phản ứng kịp thời để ngăn chặn các cuộc tấn công. Mối quan ngại này càng trở nên lớn hơn sau vụ tập kích hôm 3/12 của lực lượng Houthi, khiến giới chức Mỹ phải đưa ra các thông điệp cảnh báo mạnh mẽ.

    "Việc Houthi tấn công tàu hàng cho thấy đây là là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder tuyên bố hôm 5/12.

    Để ứng phó, Mỹ đang thảo luận với một số nước đối tác về việc xây dựng lực lượng đặc nhiệm hàng hải quốc tế làm nhiệm vụ bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ, theo ông Ryder.

    Trong khi đó, Farzin Nadimi, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận định rằng lực lượng Houthi có thể đang thận trọng và "chưa tung hết sức" trong các cuộc tập kích ở Biển Đỏ. Điều này có thể thay đổi trong thời gian tới nếu nhóm vũ trang thực sự muốn gây thiệt hại cho đối phương.

    "Họ có thể tung ra các đòn đánh đặc biệt nguy hiểm, không chỉ dừng lại ở tên lửa chống hạm và UAV như hiện nay", Nadimi cảnh báo.

    Giới phân tích trước đó nhận định các động thái quân sự gần đây của Houthi chủ yếu mang mục đích chính trị, chưa muốn giáng đòn nặng nề cho Mỹ và Israel, điều có thể khiến lực lượng này phải đối mặt với các động thái đáp trả cứng rắn.

    Khu trục hạm USS Carney tại kênh đào Suez hôm 26/11. Ảnh: Hải quân Mỹ

    Khu trục hạm USS Carney tại kênh đào Suez hôm 26/11. Ảnh: Hải quân Mỹ

    Bản thân Mỹ cũng được cho là đang kiềm chế việc trả đũa các lực lượng thân Iran do chưa phải hứng chịu thiệt hại lớn, cũng như không muốn xung đột ở Trung Đông lan rộng.

    "Việc mở chiến dịch vào Yemen sẽ rất tốn kém và tổn thất lớn, khiến quân đội Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột dài hơi mà họ không thực sự cần ở thời điểm hiện tại", chuyên gia Martin nhận định.

    Bryan Clark, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Hudson, trụ sở ở Mỹ, cho rằng tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu Houthi triển khai tấn công bằng UAV với quy mô lớn hơn, do tên lửa đánh chặn của Mỹ có giá đắt gấp hàng chục lần UAV giá rẻ của nhóm.

    "Nếu Houthi kiên trì tấn công bằng UAV có giá khoảng 10.000 USD trở xuống cũng như tên lửa chống hạm đời cũ do Iran cung cấp, chẳng mấy chốc tên lửa đánh chặn trên tàu chiến Mỹ sẽ cạn kiệt hoặc bị quá tải", Clark nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/moi-de-doa-tu-uav-ten-lua-houthi-o-bien-do-4686891.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ