Lợi ích từ rau má đối với sức khỏe của người tiểu đường
Người bệnh tiểu đường ăn rau má có tốt không?
Rau má có tác dụng như một loại thảo dược quen thuộc của người Việt, được ví như "sâm xanh" cho người nghèo. Theo Y học cổ truyền, rau má là một loại thực phẩm mang tính hàn nên có khả năng thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, rau má cũng có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ làm lành vết thương và giảm phù nề tay chân.
Còn trong Y học hiện đại, chỉ số đường huyết của rau má khá thấp, GI= 10-15 nên rất thích hợp cho người bệnh tiểu đường sử dụng mà không lo bị tăng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường khi dùng rau má cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời cân nhắc các yếu tố về sức khỏe cá nhân và thời gian sử dụng.
Lợi ích của rau má đối với sức khỏe của người tiểu đường
Rau má không chỉ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đối với người bình thường, mà loại rau này cũng mang đến những tác dụng tốt cho người bị bệnh tiểu đường, trong đó cần kể đến:
Giảm nguy cơ biến chứng tim mạch
Rau má có chứa hoạt chất Bracoside A với khả năng chính là giúp bài tiết Nitrit Oxid, từ đó giúp giãn mạch và tăng cường cung cấp máu đến các cơ quan, tế bào. Bên cạnh đó, chất xơ bên trong rau má có tác dụng giảm thiểu lượng Cholesterol và giúp ngăn chặn nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
Các biến chứng liên quan đến tim mạch vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… Vậy nên người bệnh tiểu đường có thể ăn rau má để kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Giảm nguy cơ phù nề
Triterpenoid bên trong rau má có thể giúp người bệnh cải thiện bệnh phù chân tĩnh mạch vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, rau má còn giúp người bệnh ngăn ngừa được việc mắc phải biến chứng thận - một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng phù nề chân tay.
Giúp an thần, ngủ ngon
Ngoài việc phòng ngừa xơ vữa động mạch, Triterpenoids còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, lo âu, chống hiện tượng lão hóa hệ thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bracoside B bên trong rau má thì có tác dụng chính là duy trì chức năng của hệ thần kinh, cải thiện trí nhớ và giảm stress.
Nếu như hiện tượng lo âu, stress và mất ngủ của người tiểu đường diễn ra trong một thời gian dài có thể gây ra biến chứng liên quan đến hệ tim mạch và hệ thần kinh. Vậy nên hãy cân nhắc bổ sung thêm rau má vào chế độ ăn để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình.
Giúp làm lành vết thương
Nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng hoạt chất Triterpenoid trong rau má có khả năng kích thích các tế bào phát triển, sinh sôi và giúp tổng hợp collagen, từ đó giúp vết thương liền nhanh hơn. Bên cạnh đó, hoạt chất Asiacoside bên trong thực phẩm này giúp kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả để vết thương không bị nhiễm trùng.
Loét bàn chân là một hiện tượng phổ biến xảy ra ở người bệnh tiểu đường và thường có xu hướng lâu hồi phục, dễ gây ra tình trạng hoại tử. Mọi người nên lên kế hoạch để bổ sung rau má vào chế độ dinh dưỡng của mình để vết thương có thể nhanh hồi phục hơn, tránh chuyển biến xấu.
Ảnh minh họa
Người bệnh tiểu đường ăn rau má cần biết điều này
- Người bệnh tiểu đường nếu chưa thể kiểm soát được hàm lượng đường huyết cao thì nên hạn chế sử dụng rau má. Bởi thực phẩm này dễ làm giảm tác dụng ổn định đường huyết của các loại thuốc mà người bệnh sử dụng.
- Phụ nữ đang mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không được uống rau má trong 3 tháng đầu tiên bởi chúng sẽ khiến cho mọi người dễ bị sảy thai
- Người mắc bệnh đái tháo đường đang sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu, insulin và thuốc chống co giật thì không nên sử dụng rau má. Bởi chúng sẽ gây ra phản ứng, khiến người dùng dễ cảm giác buồn ngủ và nhịp thở bị chậm lại.
Người bệnh tiểu đường ăn rau má bao nhiêu là đủ?
Đối với người bị tiểu đường, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng từ 100-200 g/ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và mang lại hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh.
Với người bệnh tiểu đường, nếu dùng rau má để chữa bệnh tốt nhất cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Còn với người khỏe mạnh chỉ nên dùng liên tục trong vòng 15-30 ngày. Sau đó cần nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi mới tiếp tục sử dụng lại để cơ thể có thời gian hấp thụ các dưỡng chất bên trong rau má, đồng thời kiểm soát liều lượng rau má nạp vào cơ thể không quá nhiều gây phản ứng với các loại thuốc khác gây ra tác dụng phụ.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/them-mot-loai-rau-duoc-vi-nhu-sam-xanh-tot-cho-duong-huyet-nguoi-benh-tieu-duong-nen-an-de-keo-dai-tuoi-tho-c131a604496.html