Loạt phim gây tranh cãi bất tận vì tính nhạy cảm trong 10 năm qua
A Serbian Film (2010): Kinh tởm, biến thái, bệnh hoạn… là những từ ngữ mà nhiều người thường dùng để mô tả tác phẩm điện ảnh của Srđan Spasojević. Bộ phim xoay quanh một diễn viên phim người lớn bị lừa đóng phim khiêu dâm trẻ em đã gây tốn giấy mực của báo chí suốt nhiều năm qua, và không phải ai cũng dám theo dõi đến hết A Serbian Film. |
The Human Centipede 2 (2011): Hai năm sau phần đầu tiên, đạo diễn kiêm biên kịch Tom Six tiếp tục thực hiện tác phẩm kinh dị chọn ý tưởng khâu người thành một chuỗi như con rết. Giống như lần trước, The Human Centipede 2 bị nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cấm trình chiếu bởi hàng loạt trường đoạn ghê rợn, gây buồn nôn cho người xem. |
Nymphomaniac (2013): Các danh sách phim gây tranh cãi luôn có tên của Lars von Trier và tác phẩm kéo dài hai phần có tên Người đàn bà cuồng dâm đến từ nhà làm phim người Đan Mạch không phải ngoại lệ. Hầu hết cảnh nóng trong phim đều là sex thật. Và báo chí quốc tế từng đưa tin rằng có khán giả đã ngất khi theo dõi cảnh phá thai của Nymphomaniac tại Liên hoan phim Berlin. |
Blue is the Warmest Color (2013): Liên hoan phim Cannes 2013 lần đầu chứng kiến giải Cành cọ vàng được trao cho cả đạo diễn lẫn đôi diễn viên chính. Đó là nhà làm phim Abdellatif Kechiche, và hai minh tinh Léa Seydoux - Adèle Exarchopoulos cho Blue is the Warmest Color. Phim gây xôn xao vì nhiều trường đoạn tình dục nóng bỏng. Nhưng điều đáng nói là Seydoux cùng Exarchopoulos sau đó thề rằng sẽ không cộng tác với Kechiche nữa vì quá trình ghi hình cảnh nóng quá kinh khủng, dù họ vẫn lên tiếng kêu gọi khán giả ủng hộ tác phẩm. |
Love (2015): Hồi đầu thế kỷ, Gaspar Noé khiến cả thế giới kinh ngạc bởi trường đoạn cưỡng hiếp kéo dài 10 phút trong Irréversible (2002). Đến 2015, ông tiếp tục mang đến một tác phẩm khiến người xem phải choáng váng mang tựa đề Love. Toàn bộ cảnh nóng trong phim đều là sex thật, nhằm đem đến cảm giác tự nhiên như lời trần tình của Noe. Và ông thậm chí còn cho phát hành bộ phim dưới cả định dạng 3D. |
The Birth of a Nation (2016): Từ chỗ là ứng cử viên sáng giá trong mùa giải thưởng điện ảnh 2016-17 khi được báo chí đánh giá cao, tác phẩm kể về cuộc nổi loạn của một nhóm nô lệ da đen do Nat Turner cầm đầu vào năm 1831 trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Năm 1999, đạo diễn, biên kịch, nam diễn viên chính Nate Parker và đồng biên kịch Jean McGianni Celestin bị kết án cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh viên, nhưng rồi bản án bị lật lại hồi 2005. Khi câu chuyện bị khơi gợi lại, Parker liên tục khẳng định rằng mình vô tội, và lời xin lỗi kiểu “cho có” của anh khiến dư luận tức giận. Cuối cùng, Birth of a Nation sớm bị rơi vào quên lãng. |
I Love You Daddy (2017): Tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto 2017, I Love You Daddy khiến nhiều người quan ngại bởi phần nội dung xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa một cô gái 17 tuổi (Chloe Grace Moretz) và một đạo diễn lớn tuổi (John Malkovich) từng bị cáo buộc là kẻ ấu dâm. Nhưng bộ phim thực sự rơi vào “thảm cảnh” khi tác giả Louie C.K. thừa nhận mình đã có hành vi tình dục không đúng đắn, trong đó có thủ dâm trước mặt phụ nữ. Rốt cuộc, I Love You Daddy bị mọi nhà phát hành từ chối, không thể ra rạp, cũng không thể được chiếu trên mạng. |
Jeepers Creepers 3 (2017): Sự trở lại của thương hiệu kinh dị Jeepers Creepers không đem đến quá nhiều nỗi sợ hãi, và tranh cãi nổ ra chủ yếu xoay quanh tác giả Victor Salva. Năm 1988, ông bị buộc tội đã quấy rối tình dục diễn viên nhí 12 tuổi của Clownhouse, và thậm chí còn ghi hình lại hành vi phạm tội của bản thân. Công chúng tức giận vì Salva đến giờ vẫn được rót tiền làm phim, và thậm chí còn bóng gió nhắc lại chuyện quấy rối trong kịch bản tác phẩm. |
mother! (2017): Đạo diễn Darren Aronofsky tạo ra tác phẩm táo bạo mother! cùng ngôi sao Jennifer Lawrence và Javier Bardem. Có quá nhiều ý tưởng trong phim mà mỗi người sẽ hiểu theo một hướng khác nhau. Song, trường đoạn nhân vật người mẹ trẻ của JLaw bị đối xử tàn bạo ở cuối phim khiến nhiều khán giả cảm thấy bị sốc và không hài lòng. Trong quá trình quảng bá, mother! còn tung ra tấm poster có mặt minh tinh bị bầm tím, và tác phẩm bị cáo buộc là như muốn cổ vũ cho nạn bạo hành. |
Mektoub, My Love (2017, 2019): Sau Blue is the Warmest Color, đạo diễn Abdellatif Kechiche thêm một lần nữa gây tranh cãi về cảnh nóng trong phim. Tại Liên hoan phim Venice 2017, phần đầu của Mektoub, My Love bị phàn nàn khi chứa đựng quá nhiều phân cảnh khoe thân gợi dục quá đà của nữ chính, cũng như một trường đoạn quan hệ bằng miệng kéo dài tới 15 phút. Sau này, một thành viên đoàn phim tố cáo Kechiche không thực sự nhận được sự đồng thuận từ các diễn viên, và ông đã lừa họ uống rượu say để ghi hình. Hậu quả là cả hai phần Mektoub, My Love đều bị từ chối phát hành tại Mỹ. |
The House That Jack Built (2018): Đạo diễn Lars von Trier thêm một lần nữa khiến khán giả phải nhăn mặt, và hàng trăm người đã rời khỏi buổi công chiếu tác phẩm trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2018. Hàng loạt trường đoạn giết người máu me, ghê rợn - trong đó có cảnh nhân vật chính dùng súng trường sát hại trẻ em - khiến The House That Jack Built chắc chắn không phải là tác phẩm dành cho số đông. |
Joker (2019): Sau khi thắng giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice, Joker bỗng rơi vào cuộc tranh cãi bất tận. Liệu phim có cổ vũ cho cái ác? Liệu bộ phim có gây kích động bạo lực công chúng, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng có nhiều vụ xả súng? Nhiều câu hỏi không lời đáp khiến chính báo chí cũng chia rẽ về Joker. Dẫu vậy, khán giả ủng hộ nhiệt thành bộ phim, và tác phẩm của hãng Warner Bros. đến nay đã thu hơn 1 tỷ USD toàn cầu mà không cần đến Trung Quốc. |
Cấy ghép imlant, răng sứ thẩm mỹ, trám răng.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/loat-phim-gay-tranh-cai-lon-vi-bao-luc-tinh-duc-trong-thap-ky-qua-post1027183.html