Loại vũ khí có thể làm Nhật Bản không còn hòa bình

10:00' 19-08-2020
Mua vũ khí có khả năng tấn công là điều bình thường với hầu hết quốc gia trên thế giới, nhưng với Nhật Bản, đó là cuộc tranh luận chính trị đã dai dẳng nhiều thập niên qua.


    Nhat Ban hien dai hoa quan doi anh 1

    Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe đang đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ dài kỷ lục của ông: đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái và công chúng bất mãn với cách xử lý khủng hoảng của chính phủ.

    Tuy nhiên, chính phủ ông Abe lại lo lắng về viễn cảnh về cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hoặc Trung Quốc, New York Times cho biết.

    Trong tháng này, đảng cầm quyền của thủ tướng đã công khai xem xét việc mua vũ khí có khả năng tấn công vào bãi phóng tên lửa của đối phương hay không, nếu biết chắc một cuộc tấn công vào Nhật Bản sắp xảy ra.

    Những rào cản chính trị

    Kế hoạch như vậy sẽ không phải là vấn đề với hầu hết cường quốc trên thế giới, nhưng với đất nước vừa kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II, cũng như 75 năm từ bỏ chiến tranh và theo đuổi Hiến pháp Hòa bình, thì kế hoạch mua tên lửa tấn công thực sự đáng thất vọng.

    Khi xem xét nới lỏng các hạn chế đối với khả năng tấn công tầm xa của Nhật Bản, chính phủ của ông Abe đã khơi lại cuộc tranh luận kéo dài và nhạy cảm về mặt chính trị tại Nhật Bản

    Nhat Ban hien dai hoa quan doi anh 2

    Nhật Bản đã hủy kế hoạch mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore để xem xét mua tên lửa tầm xa. Ảnh: Reuters.

    Kế hoạch mua tên lửa tầm xa diễn ra khi Nhật Bản nhận thấy họ đang bị kẹt giữa một Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, ngày càng quyết đoán hơn trong tranh chấp lãnh thổ và một nước Mỹ không rõ ràng trong những cam kết an ninh, New York Times nhận định.

    “Tôi sẽ không nói rằng đó là cơ hội 0%. Chính phủ vẫn chưa thực sự quyết định bất kỳ điều gì”, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono nói trong một cuộc phỏng vấn . Bộ trưởng Kono cho biết bất kỳ thương vụ mua sắm nào như vậy đều đi cùng với các hệ thống giám sát và radar phức tạp, cũng như đào tạo quân nhân sử dụng chúng.

    Sự thận trọng của Bộ trưởng Kono phản ánh sự thống nhất mạnh mẽ của công chúng Nhật Bản với Hiến pháp Hòa bình của đất nước. Hiến pháp được ban hành vào năm 1947 khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản và giới hạn hành động quân sự của nước này chỉ cho mục đích tự vệ.

    Những nỗ lực kéo dài nhiều năm của Thủ tướng Abe nhằm sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đối thủ chính trị. Đảng Công minh, đối tác liên minh của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong quốc hội, tuyên bố rằng họ không ủng hộ kế hoạch mua tên lửa tầm xa.

    “Trong bối cảnh của Nhật Bản, nó có thể gây tai tiếng. Mọi người có thể trở nên hoảng loạn khi bắt đầu nói về những cuộc tấn công”, Narushige Michishita, giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo, nói.

    Đông Bắc Á ngày càng phức tạp

    Nhật Bản đang đứng trước những rủi ro ngày càng tăng. Khi Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân và hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng, ông Michishita và một số nhà phân tích khác cho rằng việc Tokyo cân nhắc tăng cường phòng thủ là điều đương nhiên.

    Trong một cuộc khảo sát do đài truyền hình NHK thực hiện tuần này, 50% những người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên mua vũ khí có thể ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa trước khi chúng được phóng đi từ lãnh thổ đối phương.

    Nhat Ban hien dai hoa quan doi anh 3

    Kế hoạch mở rộng năng lực quốc phòng của Nhật Bản của Thủ tướng Abe đang đối mặt với nhiều thách thức ở trong nước. Ảnh: AP.

    Cuộc khảo sát được xem là một sự an ủi với chính quyền Thủ tướng Abe, khi cuộc khảo sát trước đó của NHK cho thấy chỉ có 34% người được hỏi ủng hộ các giải pháp của chính quyền, mức thấp nhất kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền thủ tướng vào năm 2012.

    Việc thảo luận mua tên lửa tầm xa được thúc đẩy bởi quyết định hủy kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ trong tháng 6. Tokyo cho biết họ sẽ cân nhắc các giải pháp thay thế, sau khi hủy bỏ kế hoạch vốn đóng vai trò như một lá chắn để đánh chặn tên lửa.

    Bộ trưởng Kono nói rằng dù hệ thống Aegis Ashore có thể là hình thức phòng thủ tốt cho Nhật Bản, chi phí đắt đỏ cùng với lo ngại tên lửa đánh chặn sẽ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, ông cho rằng hệ thống không đáng mức giá đó.

    Dù hủy bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Bộ trưởng Kono cho biết điều quan trọng là cần phải gửi thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên về liên minh giữa Mỹ - Nhật, cũng như quyết tâm của Tokyo về việc bảo vệ Nhật Bản trước bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên.

    Theo thỏa thuận giữa liên minh Mỹ - Nhật, Washington đảm nhận vai trò tấn công, trong khi Tokyo tập trung vào khả năng phòng thủ.

    “Mô hình của liên minh là Nhật Bản cầm cái khiên, trong khi Mỹ là thanh kiếm, phép ẩn dụ cho hơn 55.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản, nhưng mô hình này đã bị phá vỡ trong nhiều năm”, Euan Graham, chuyên gia cao cấp về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói.

    Nhat Ban hien dai hoa quan doi anh 4

    Hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ không quân của Mỹ gần Tokyo. Ảnh: AP.

    Mô hình liên minh Mỹ - Nhật càng trở nên lạc hậu khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc ép các đồng minh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho việc phòng thủ của họ.

    Nhà phân tích Graham lưu ý rằng Australia - một đồng minh khác của Mỹ - gần đây đã công bố kế hoạch mua tên lửa tầm xa. Hàn Quốc cũng đang đàm phán với Mỹ để nới lỏng các giới hạn trong quy chế kiểm soát công nghệ tên lửa do Mỹ đặt ra, cho phép Seoul phát triển tên lửa tầm xa.

    “Với khả năng Tổng thống Trump có thể đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, Nhật Bản đang tìm cách để ngỏ các lựa chọn quốc phòng. Tokyo ngày càng phải tự cung cấp khả năng phòng thủ”, Mira Rapp-Hooper, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nói.

    Một số phóng viên từng đặt câu hỏi liệu Nhật Bản có phải xem xét phản ứng từ Trung Quốc hay Hàn Quốc khi mua tên lửa tầm xa hay không. Một số người chất vấn việc mua tên lửa tầm xa có vi phạm cam kết của Tokyo với Hiếp pháp Hòa bình hay không.

    “Vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường tên lửa của họ, tại sao chúng ta cần sự chấp thuận của họ. Tại sao chúng ta phải cần sự chấp thuận của Hàn Quốc để bảo vệ lãnh thổ của mình”, Bộ trưởng Kono chất vấn ngược lại với phóng viên.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/loai-vu-khi-co-the-lam-hien-phap-nhat-ban-khong-con-hoa-binh-post1120710.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ