Liên tục đề cập chuyện “chiến tranh”: Úc càng nói cứng, Trung Quốc càng lợi?

15:00' 02-06-2021
Việc nhiều quan chức Úc đề cập “chiến tranh” với Trung Quốc gần đây rất được chú ý khi quy mô quân đội Úc nhỏ hơn nhiều, chưa kể Úc không có vũ khí hạt nhân.


    Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đóng băng khoảng một năm nay, từ khi chính phủ Thủ tướng Scott Morrison công khai kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19, chỉ trích Trung Quốc về chuyện nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong. Quan hệ hai bên đã xấu càng thêm nguy hiểm khi gần đây phía Úc liên tục đề cập chuyện “chiến tranh” với Trung Quốc, theo đài CNN.

    “Chuẩn bị khả năng chiến tranh với Trung Quốc”

    Vào Ngày Anzac 25/4, tân Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton nói người Úc cần “thực tế” về các căng thẳng trong khu vực, đồng thời đề cập khả năng xung đột với Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan. Trong ngày này, Bộ trưởng Nội vụ Úc Mike Pezzullo cũng nhắc đến khả năng chiến tranh với Trung Quốc.

    Một tuần sau, một số tờ báo công khai phát ngôn được cho là mật của Thiếu tướng Adam Findlay (từng là tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt của quân đội Úc) với các binh sĩ lực lượng đặc biệt, trong đó ông nói xung đột giữa Úc với Trung Quốc “có khả năng cao”.

    Tướng Findlay nói rằng Trung Quốc cạnh tranh với Úc ở “vùng xám” nhằm đạt được các mục tiêu mà không cần phải dùng đến vũ lực và điều này sẽ không thay đổi dù Úc có nỗ lực tránh xung đột.

    Cụm từ chiến tranh “vùng xám” mô tả các hành động hiếu chiến như tấn công mạng, thu thập thông tin tình báo, trừng phạt thương mại… nhưng không tới mức có hành động quân sự. Vị tướng này đề nghị các binh sĩ chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Trung Quốc - mối đe dọa lớn nhất với khu vực.

    Tháng 4, Thủ tướng Morrison thông báo chi 747 triệu đô nâng cấp quân đội. Úc cũng thông báo một đợt nâng cấp quy mô lớn các căn cứ quân sự, cũng như mở rộng tập trận chung với Mỹ.

    Cũng trong tháng 4, ông Michael Goldman - Đại biện sứ quán Mỹ tại Úc nói rằng các đồng minh đang “lên kế hoạch chiến lược” về khả năng cùng phản ứng một khi xảy ra xung đột liên quan vấn đề Đài Loan.

    Hiểu sao việc Úc đề cập 'chiến tranh' với Trung Quốc? - ảnh 1

    Tàu chiến trong cuộc tập trận ba bên Úc - Nhật - Mỹ. Ảnh: HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ

    Lo ngại thật sự

    Có nhiều luồng ý kiến khác nhau từ giới phân tích chính sách quốc phòng và đối ngoại về các phát ngôn, phản ứng rắn từ phía quan chức Úc.

    Cựu quan chức tình báo John Blaxland hiện là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc phòng tại đại học Quốc gia Úc nhận định phát ngôn của tướng Findlay không bất thường.

    Phát ngôn này như một lời kêu gọi thức tỉnh với người dân Úc trong bối cảnh Úc đang đối mặt với môi trường an ninh ngày càng gia tăng bất ổn liên quan sự lớn mạnh của Trung Quốc. Ông cũng đề cập thái độ ngoại giao chiến lang những năm qua của Bắc Kinh và đánh giá giờ Trung Quốc đang thể hiện quyền lực khắp thế giới, đặc biệt nhắm vào Úc.

    Giáo sư danh dự Hugh White tại đại học Quốc gia Úc, cựu quan chức quốc phòng cấp cao và từng là cố vấn thủ tướng Úc, cho rằng các quan chức Úc muốn dẫn dắt người dân nghĩ rằng Úc sẽ sát cánh với Mỹ một khi cần thiết phải chiến tranh với Trung Quốc để bảo vệ “trật tự dựa trên luật lệ”.

    Bà Yun Jiang, nhân sự cấp cao tại Trung tâm về Trung Quốc trên thế giới (nghiên cứu về Trung Quốc) ở đại học Quốc gia Úc, cho rằng lời lẽ của các quan chức chính phủ Úc có thể phản ánh mối lo ngại thực sự về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan - một cuộc xung đột có thể cuối cùng sẽ lôi kéo cả khu vực châu Á và cả Mỹ vào.

    Có cơ sở hay chủ quan?

    Dù thế, cả bà Yun và ông White đều đồng tình rằng các phát ngôn cứng rắn này của Úc phần nhiều nhằm phục vụ chính trị trong nước. Ông White chỉ trích rằng các quan chức Úc đã hành xử vô trách nhiệm, thể hiện sự chủ quan đáng báo động khi làm rủi ro chiến tranh tăng cao hơn khi chưa lường được một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ thế nào và hậu quả với Úc sẽ là gì.

    CNN cũng đặc biệt lưu ý đến các phát ngôn “chiến tranh” khi thực tế sức mạnh quân sự của Úc không bằng Trung Quốc. Năm ngoái, chi tiêu quân đội của Úc khoảng 27 tỉ đô, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

    Con số này của Trung Quốc cao hơn gấp 10 lần, ở mức 252 tỉ đô, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Thêm nữa, Trung Quốc là quốc gia có vũ khí hạt nhân, còn Úc thì không.

    Trong một bài viết đầu tháng 5, cựu Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho rằng các nhà ngoại giao Úc nên cố gắng tránh cơn ác mộng về một cuộc đổ máu của hàng triệu con người và sự đổ nát của nửa hành tinh.

    Trong khi đó, theo ông Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy, Úc cần thiết phải có một cuộc tranh luận công khai về các nhu cầu an ninh của mình trong bối cảnh “chúng ta đang sống trong một khu vực mà bạn và đồng minh chúng ta (ý nói Mỹ) không còn là một sức mạnh dẫn đầu chiến lược”.

    Nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Benjamin Zala tại đại học Quốc gia Úc cũng cho rằng cần có sự bàn bạc nghiêm túc và công khai về các con đường dẫn đến chiến tranh ở châu Á để tập trung vạch chính sách có thể ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ quyền lợi của Úc.

    Úc càng nói cứng, Trung Quốc càng lợi?

    Một trong những lý do các quan chức Úc đề cập để nói về khả năng xung đột với Trung Quốc vấn đề Đài Loan.

    Viết trên báo Guardian, nhà nghiên cứu Natasha Kassam ở Viện Lowy và Tiến sĩ Mark Harrison - giảng viên cấp cao về nghiên cứu Trung Quốc tại đại học Tasmania cho rằng rủi ro xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng là có thật, với việc Trung Quốc trong 12 tháng qua đã tăng hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan.

    Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội tháng trước Trung Quốc đã tái xác nhận chính sách tiếp cận cơ bản với Đài Loan.

    Hiện ngoài Úc, không nước nào - kể cả các nước được cho sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn Úc một khi xảy ra xung đột hai bên bờ eo biển Đài Loan, như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả bản thân Đài Loan - cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc chiến, theo hai chuyên gia.

    Hai chuyên gia cho rằng Trung Quốc cố tình đưa ra các thông điệp thiếu thống nhất về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, việc phía Úc bận tâm nhiều về điều này và chuẩn bị tư thế phòng thủ cho mình thực ra lại có lợi cho Trung Quốc.

    Khi đó bản thân lời đe dọa chiến tranh sẽ được sử dụng như một chiến thuật chính trị. Tạo ra nỗi sợ hãi về một cuộc xung đột quy mô lớn gây chia rẽ cộng đồng quốc tế, cô lập Đài Loan, lợi thêm cho Trung Quốc.

     
     

     

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from plo.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ