Làm thế nào để luyện bé 6 tháng tuổi ngủ xuyên đêm
Mỗi đứa trẻ có một nết ngủ khác nhau. Và bạn có biết, tồn tại cả một ngành công nghiệp chăm sóc cho giấc ngủ của bé: từ các cuốn sách tới dịch vụ tư vấn và vô số phụ kiện để đáp ứng nhu cầu về lời khuyên và giải đáp các rắc rối xoay quanh giấc ngủ của trẻ, đặc biệt khi em bé của bạn chính thức bước ra khỏi giai đoạn sơ sinh.
Bé 6 tháng tuổi chưa ngủ xuyên đêm có bình thường không?
Bạn không hề đơn độc nếu bạn có đứa con 6 tháng tuổi mà vẫn chưa ngủ xuyên đêm. Vấn đề là như vậy có ổn không? Câu trả lời ngắn gọn là "Có".
Chuyên gia Elizabeth Murray, tại Bệnh viện Trẻ em Golisano (Mỹ) nhấn mạnh: "Giấc ngủ của trẻ là một kỹ năng có thể học được và là thói quen mà trẻ cần học. Và cha mẹ hãy linh hoạt về thời gian. Bất cứ điều gì theo khuyến nghị trẻ 6 tháng tuổi nên có thì thực tế có thể xảy ra khi em bé nhà bạn ở giai đoạn 5 đến 7 tháng tuổi. Trẻ sinh non hoặc phải vào phòng chăm sóc sơ sinh đặt biệt có thể mất nhiều thời gian hơn một chút để ngủ giấc xuyên đêm".
Giấc ngủ của trẻ là một kỹ năng có thể học được và là thói quen mà trẻ cần học (Ảnh minh họa).
Theo bác sĩ nhi khoa Tristan Truong của Trung tâm Y tế Saddleback Memorial (California): "Hầu hết trẻ sơ sinh ngủ khoảng 16 giờ trở lên mỗi ngày. Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, nhu cầu ngủ giảm xuống còn 14 đến 15 giờ/ngày, bao gồm giấc ngủ ngắn ban ngày và giấc ngủ vào ban đêm".
Nhưng trước khi được 4 đến 6 tháng tuổi, về lý thuyết, trẻ đã có thể ngủ 8 đến 12 giờ vào buổi tối. Trên thực tế, nhiều bé ở độ tuổi này có thể thức dậy để ăn vào giữa đêm hoặc vì một loạt các lý do khác như khó chịu trong thời gian mọc răng, lo lắng khi phải tách xa mẹ.
Để giảm các cữ ăn đêm, việc đảm bảo em bé của bạn được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong ngày là cực kỳ quan trọng. Nếu bé đã no, việc thức dậy giữa đêm có thể là một thói quen và không thực sự xuất phát từ nhu cầu ăn uống. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp luyện ngủ cho bé.
Làm thế nào để luyện bé 6 tháng tuổi ngủ xuyên đêm
1. Lợi ích của việc luyện ngủ cho bé từ sớm
Theo Elizabeth Murray (Bệnh viện Trẻ em Golisano), không có đứa trẻ nào giống nhau và mỗi cha mẹ lại có cách nuôi dạy con của riêng mình. Vì vậy, quan trọng là tìm được sự cân bằng trong các biện pháp rèn ngủ phù hợp với gia đình bạn. Nhưng việc bắt đầu quá trình rèn ngủ cho con từ sớm mang lại lợi ích nhất định. "Khi lớn dần lên, trẻ bắt đầu ý thức hơn về môi trường xung quanh và cũng bắt đầu hình thành thói quen. Đây là lý do tại sao để trẻ sơ sinh cảm thấy thoải mái trong môi trường ngủ của mình ngay từ đầu lại quan trọng đến vậy".
Rèn nếp ngủ sẽ giúp em bé và cha mẹ được nghỉ ngơi một cách thích hợp (Ảnh minh họa).
Bởi vì em bé 6 tháng tuổi của bạn lúc đó không còn là một đứa trẻ sơ sinh. Trẻ không còn dễ đi vào giấc ngủ như vài tháng đầu đời nữa. Nhưng lớn lên, trẻ cần ngủ các giấc dài hơn.
Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, rèn nếp ngủ sẽ giúp em bé và cha mẹ được nghỉ ngơi một cách thích hợp. Luyện ngủ đúng cách cũng giúp giải quyết vấn đề bé lo lắng vì phải tách rời mẹ, bởi khi đó bé đã học được cách tự ngủ mà không cần sự trợ giúp của mẹ hoặc bố.
2. Lịch trình luyện ngủ cho em bé 6 tháng tuổi
Natalie Nevares, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ, đưa ra lời khuyên, đầu tiên, cần phải nhận ra rằng, mỗi em bé cần khoảng thời gian ngủ khác nhau. Em bé 6 tháng tuổi sẽ ngủ 11-12 giờ vào ban đêm và 2 hoặc 3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày, độ dài mỗi giấc thực sự phụ thuộc vào mỗi bé. Bạn không thể ép bé ngủ nhiều hơn mức cần thiết.
Tiếp theo, điều vô cùng quan trọng là tạo ra một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ. Hãy chắc chắn rằng bé có những gì mình cần, cho dù đó là một chút nằm chơi tự do hay thời gian ngậm núm vú giả.
Theo bác sĩ Tristan Truong, nên thiết lập một lịch trình và thực hiện nó theo đúng trật tự mỗi tối nếu có thể. Ở thời điểm 6 tháng tuổi, bạn cũng không cần quấn bé nữa. Việc xoay trở người rất cần thiết vì nó cho phép bé tìm được tư thế thoải mái nhất. Vì vậy, bạn nên dành nhiều thời gian giúp bé lật trở mình trên sàn nhà khi bé thức để rèn luyện kỹ năng này.
Ngoài ra, theo khuyến nghị từ Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), bạn có thể áp dụng lịch trình: Bắt đầu bằng việc tắm táp thoải mái, sau đó tới chải sạch răng miệng, rồi đọc sách và lên giường đi ngủ. Nó có thể giúp thiết lập thói quen tốt liên quan tới giấc ngủ cho con ngay từ đầu.
Một điều rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh tầm trên 4 tháng tuổi là được đặt vào giường ngủ khi có dấu hiệu buồn ngủ nhưng chưa ngủ hẳn. Bằng cách này, nếu thức dậy trong đêm, trẻ sẽ nhận biết được mình đang ở trong môi trường ngủ và tự ngủ lại.
Bác sĩ Truong và Nevares đều đồng ý rằng, đặt bé xuống khi bé còn thức giữ vai trò quan trọng trong quá trình luyện bé ngủ. Nếu bé quấy khóc, chúng có thể mệt mỏi quá mức và điều này khiến việc luyện ngủ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, hãy thử đặt bé lên giường ngủ vào buổi tối sớm hơn nửa tiếng.
Ngoài ra, nếu bạn đặt bé xuống sau khi trẻ gần như ngủ gục trên ti mẹ hoặc bình sữa thì khi thức dậy vào giữa đêm, bé sẽ tìm kiếm bầu ngực của bạn hoặc bình sữa để ngủ trở lại, việc này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ
Tóm lại: Nếu bé 6 tháng tuổi và không ngủ xuyên đêm, đừng quá lo lắng. Trước tiên hãy thử giữ một lịch trình ban ngày và ban đêm nhất quán, đảm bảo em bé của bạn được ăn no vào ban ngày hơn ban đêm và cố gắng rèn ngủ cho con nếu nó phù hợp với gia đình bạn.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/neu-em-be-6-thang-tuoi-van-chua-ngu-xuyen-dem-day-la-cach-de-luyen-be-tu-ngu-20200512155458983.chn