Khiến con ảo tưởng vì những lời khen thái quá, cha mẹ đang tự hại con mình
Trong tập mới đây của "Hương vị tình thân", Diệp háo hức chuẩn bị kĩ càng cho lần đầu tiên gặp mặt bạn trai qua mạng. Thế nhưng, cô không ngờ mình lại bị bạn trai chê bai, lăng nhục về ngoại hình. Cùng với những người xung quanh chê cô xấu như Happy Polla, Diệp đã vô cùng xấu hổ, tủi nhục. Cô hoảng loạn chạy về nhà trong sự tủi hổ. Diệp nhốt mình trong phòng, gào khóc thất thanh muốn tự tử khi nhận ra sự ảo tưởng của bản thân bấy lâu nay.
Điều đáng nói, người mẹ của cô thường xuyên khen con mình là đẹp nhất. Diệp vẫn luôn sống trong ảo tưởng đó và đến khi vỡ mộng, cô đã bị một cú sốc quá lớn.
Trong cuộc sống vẫn có những câu chuyện bi hài từ việc "con hát mẹ khen hay" như vậy. Vì quá yêu con mà nhiều người "con hát mẹ khen hay" thái quá khiến con bị ảo tưởng về hình thức, trí tuệ của mình.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia tâm lý TS Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) cho rằng, đấy là tâm lý của các bậc cha mẹ thích hoàn hảo. Họ rất tự hào về con, hay khoe con. Nhiều người vẫn nghĩ rằng làm việc đó là vì mình đang yêu thương con chứ không hề biết là mình đang hại con.
Có những gia đình vì để có cái mà khoe nên đặt áp lực rất nhiều về con, cho con đi học thêm hết môn năng khiếu này đến môn kỹ năng khác, mong con trở thành một phiên bản hoàn hảo. Họ bơm vào đầu con những ước mơ, viễn cảnh vượt quá năng lực thực tế của con. Nên khi đứa trẻ không đạt được thì họ chì chiết, chỉ trích gây những tổn thương tâm lý rất lớn cho các bạn trẻ. Thậm chí có những bạn không chịu được áp lực như vậy đã tìm đến cái chết để mong được giải thoát.
Không chỉ gieo cho con ảo tưởng về việc mình tài giỏi, có nhiều người còn để con ảo tưởng về sắc đẹp giống như nhân vật Diệp trong phim "Hương vị tình thân". Trong nhà nhất mẹ nhì con nên ảo tưởng về sắc đẹp của con thì cha mẹ nào cũng có. Thế nhưng, cha mẹ cần phải hiểu khen con đúng sẽ khác với việc gieo vào đầu con những điều thiếu thực tế.
Cha mẹ cần nhớ rằng:
* Không nên khen:
+ Không khen phẩm chất của con, nên khen bản chất sự việc
+ Không khen khái quát, nên khen hành vi cụ thể
+ Không khen thông minh, nên khen ngợi nỗ lực
* Nên khen:
+ Khen ngợi ý chí
+ Khen ngợi nỗ lực
+ Khen ngợi thái độ
+ Khen ngợi chi tiết nhỏ
+ Khen ngợi sự sáng tạo
+ Khen ngợi tinh thần hợp tác
+ Khen ngợi khả năng lãnh đạo
+ Khen ngợi dũng cảm
+ Khen ngợi sự khiêm tốn
+ Khen ngợi sự lựa chọn
+ Khen ngợi tính cẩn thận
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, trẻ một khi đã được nuôi dưỡng trong những lời khen không ngớt sẽ sản sinh thói kiêu căng, tự phụ, tự mãn với thành tích hiện tại. Điều đó có thể dẫn tới việc trẻ ảo tưởng bản thân, đánh mất hẳn nỗ lực phấn đấu hoặc là trở nên kiêu căng, tự phụ, luôn xem mình là nhất. Từ đó rất nguy hại tới sự phát triển lâu dài nhân cách của trẻ.
Để tránh rơi vào tâm lý trên, các phụ huynh cần tìm hiểu xem, con mình thực sự tài năng gì, đam mê điều gì và định hướng con phát triển theo đúng năng lực của con sẽ giúp con phát triển tốt đẹp hơn. Chỉ có điều, cha mẹ phải cần xác định phát triển toàn diện cho con cả về hình thể, tâm thái, và tri thức, đạo đức mới toàn vẹn.
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/ban-tre-cuoc-song/gieo-vao-dau-con-nhung-ao-tuong-cha-me-dang-hai-con-ma-khong-biet-c64a1266159.html