Khi ông bà, cha mẹ mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con
Tôi phải nói chuyện thế nào với mẹ chồng để rèn lại tính độc lập cho con?
Minh Anh
Chuyên gia tâm lý gia đình - trẻ em Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cho biết đây là tình huống khó xử mà rất nhiều phụ nữ gặp phải do không thống nhất được cách nuôi dạy trẻ ngay từ đầu với ông bà.
Theo chuyên gia, chị Minh Anh nên nói chuyện với cả ba người: chồng, mẹ chồng và đứa trẻ.
Cần thống nhất với chồng về phương pháp nuôi dạy con, tốt nhất là nói trước khi có sự xuất hiện của mẹ chồng. Nhiều phụ nữ thường một mình chăm con, dạy con còn chồng chỉ biết đi làm. Khi cần người chồng can thiệp trong mâu thuẫn nuôi dạy con, anh ấy không biết tình hình thế nào, lại càng gia tăng mâu thuẫn gia đình.
Bước tiếp theo, hai vợ chồng (tốt nhất là người vợ) nên ngồi xuống nói chuyện với mẹ chồng về mong muốn trong cách dạy đứa trẻ. Cần chọn một không gian thoải mái cho cả hai và không có trẻ để tránh mất tập trung. Nên nói chuyện với mẹ chồng bằng thái độ lễ phép, từ tốn dưới dạng tâm sự nhưng không xin ý kiến.
Khi nói tới phương pháp của mình, cần dẫn nguồn như: đọc được phương pháp này qua sách báo, qua chuyên gia hay xem chương trình truyền hình. Cũng nên chia sẻ về khó khăn trong cách nuôi dạy con ngày nay, do xã hội phức tạp, lối sống thay đổi không giống như thời trước.
Trong thời gian sống cùng, chị Minh Anh nên thường xuyên củng cố về phương pháp dạy trẻ thông qua sách báo, kênh truyền thông để bà cập nhật. Chị cũng khen ngợi những điều bà đã làm tốt và "sắp tốt" trong giáo dục cháu. Tâm lý con người càng được khen ngợi, ghi nhận về điều gì sẽ càng cống hiến và nỗ lực vì nó.
Ảnh minh họa: Parenthub.com.au
Người mẹ cũng cần nói chuyện để con hiểu mỗi người có cách thể hiện tình yêu khác nhau.
Hãy nói với con, bà muốn thể hiện tình cảm dành cho con bằng cách chăm sóc. Vì vậy, thi thoảng hãy để bà được làm điều đó. Nhưng bà đã già yếu, lại phải chăm sóc em nhỏ, làm việc nhà, nên con không nên chỉ nhận sự yêu thương và chăm sóc đó. Con có thể bày tỏ tình cảm của mình với bà bằng cách hỗ trợ bà hoặc tự làm những việc con có thể.
Bạn cũng nói với con: "Mẹ yêu con nhưng có cách thể hiện tình yêu khác với bà. Mẹ muốn thấy con được vui vẻ và yêu lao động. Bởi khi con lao động, con sẽ đẹp hơn, khỏe mạnh hơn. Đó là điều mẹ muốn mang lại cho con".
Cách nói đó giúp trẻ hiểu bạn yêu cầu con làm việc chỉ vì yêu thương và muốn con lành mạnh hơn.
Khi nói chuyện nên ôm lấy con thủ thỉ và để trẻ tiếp thu hiệu quả, không nên nói quá ba phút.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cha-me-ung-xu-the-nao-khi-ba-lam-hu-chau-4761870.html