Khi bị táo bón, bạn có nguy cơ gặp phải tình trạng gì?
Theo bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Carolyn Newberry (hiện đang làm việc ở Trung tâm y tế New York - Presbyterian, Weill Cornell) cho biết: "Tình trạng táo bón có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác bên trong cơ thể và thậm chí còn gây ảnh hưởng tới tâm trí, cảm xúc của bạn". Điều này được giải thích rằng, khi cơ thể không chuyển hóa được phân đi ra ngoài thì nó có thể tích tụ lại bên trong dạ dày và ruột non, dẫn đến những triệu chứng như đầy hơi, khó chịu, buồn nôn, ợ nóng...
Ngoài các vấn đề về đường tiêu hóa, khi phân bị mắc kẹt lại bên trong đại tràng sẽ đè nén tới các cấu trúc bên ngoài như bàng quang. Do đó, khi mắc bệnh táo bón, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải một trong những tình trạng sau đây.
Thay đổi khẩu vị, ăn uống kém ngon miệng
Sự thèm ăn của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi việc bạn không thể đi đại tiện được. Bác sĩ Carolyn Newberry giải thích rằng: "Phân tích tụ trong đại tràng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, từ đó làm suy giảm ham muốn thèm ăn và khiến bạn ăn uống kém ngon miệng hơn". Điều này thường dễ nhận thấy ở những người mắc bệnh táo bón kinh niên.
Cơ thể mất nước
Táo bón và mất nước là hai tình trạng thường đi đôi với nhau. Điều này sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe như đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều. Bác sĩ Carolyn Newberry cho biết: "Những triệu chứng này có nhiều nguyên nhân, bao gồm tình trạng mất nước, nồng độ khoáng chất trong cơ thể bất thường, hoặc do tăng kích thích hệ thần kinh khi bạn cố gắng đẩy phân ra ngoài trong quá trình đại tiện, nghiêm trọng hơn còn có thể gây ngất xỉu".
Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ
Một trong những điều không mong muốn khi gặp phải tình trạng táo bón là bạn sẽ có xu hướng mắc bệnh trĩ cao hơn. "Thông thường, các mạch máu quanh hậu môn thường rất nhỏ và không được chú ý. Tuy nhiên, với những đợt căng tức hậu môn lặp đi lặp lại thì các mạch này có thể giãn ra và gây đau, ngứa, chảy máu, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trĩ" - bác sĩ Carolyn Newberry chia sẻ.
Tiểu són
Do bàng quang và đại tràng nằm gần nhau trong cơ thể nên nó có mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ và dây thần kinh kiểm soát chức năng bàng quang. Theo Khoa Tiết niệu của trường Đại học California ở San Francisco, một lượng lớn phân trong đại tràng có thể tạo áp lực lên bàng quang, gây táo bón và dẫn đến tình trạng tiểu són cả ngày lẫn đêm, hoặc thậm chí còn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đầy hơi và xì hơi
Chuyên gia Mike Bass cho biết: "Một trong những điều phàn nàn phổ biến nhất của người mắc bệnh táo bón là họ hay bị đầy hơi và xì hơi nhiều hơn". Do khi phân ở lại đại tràng lâu hơn thời gian bình thường thì điều này sẽ cho phép vi khuẩn trong hệ vi sinh vật đường ruột hoạt động trên phân và tạo thành khí khiến bạn xì hơi.
Buồn nôn
Táo bón không chỉ gây đau dạ dày mà còn có thể gây buồn nôn cho nhiều người, thậm chí có người còn nôn mửa. Theo chuyên gia dinh dưỡng Julie Stefanski, lúc này, một bữa ăn nhẹ nhàng như súp nóng có thể giúp khắc phục vấn đề này.
Đại tiện ra phân lỏng
Nhiều người khi mắc táo bón không hề nghĩ mình có thể ra phân lỏng. Bác sĩ Carolyn Newberry giải thích rằng: "Không có gì lạ khi thấy phân lỏng trong thời điểm đang bị táo bón nghiêm trọng, do nhu động ruột lúc này đang co bóp tốt hơn nên phân cứng bị mắc kẹt lại trong đại tràng, nhường đường cho phân lỏng ra trước".
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/7-dieu-co-the-xay-ra-ben-trong-co-the-khi-ban-gap-phai-tinh-trang-tao-bon-20190916130823921.chn