Indonesia vô tình trở thành 'ngư ông đắc lợi' trong cuộc chiến than đá giữa Trung Quốc và Australia
Để giải quyết tình trạng thiếu than khiến nhiều tỉnh ở Trung Quốc bị cắt điện, Trung Quốc chấp nhận mua than của Indonesia với giá cao ngất ngưởng ngay cả khi loại than này kém cả về phẩm cấp lẫn nhiệt lượng tạo ra. Indonesia vô tình đứng ở thế “ngư ông đắc lợi” trong cuộc chiến than đá giữa Trung Quốc và Australia.
Vào tháng 4/2020, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tuyên bố Canberra tán đồng kêu gọi của Washington về một cuộc điều tra độc lập liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 và cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng khi dịch bệnh vừa bùng phát.
Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt một số biện pháp hạn chế, cấm hàng nhập khẩu của Australia, từ lúa mạch, rượu vang, thịt bò, bông tới than đá. Đối với than đá, lệnh cấm nhập khẩu từ Australia bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/2020 và đã tạo ra khoảng trống nhập khẩu nhiên liệu từ Australia.
Để lấp đầy khoảng trống đó, Trung Quốc buộc phải tìm các kênh cung cấp khác. Đối với trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các khu vực sản xuất than lớn như Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây… tăng sản lượng.
Đối với ngoài nước, Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua than từ Nga, Indonesia, Mông Cổ… và từ khi Trung Quốc cắt các đơn hàng mua than đá của Australia, Indonesia đã trở thành nguồn cung cấp than chủ yếu cho Trung Quốc. Nửa đầu năm 2021, Indonesia đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu than sang Trung Quốc, trên Nga và Mông Cổ.
Sở dĩ Indonesia trở thành nhà cung cấp than lớn nhất của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ lợi thế địa lý. Do khoảng cách vận chuyển ngắn, nên giá cước từ Indonesia đến các thành phố ven biển phía Đông Nam Trung Quốc có khi còn rẻ hơn việc vận chuyển than đá từ một số khu vực trong nội địa ở Trung Quốc tới đây.
Nga và Mông Cổ cũng muốn mở rộng xuất khẩu than sang Trung Quốc, nhưng điều đầu tiên họ phải đối mặt là trở ngại về giao thông.
Indonesia hiện là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, chủ yếu phục vụ cho sản xuất nhiệt điện. Năm 2020, nước này xuất khẩu gần 400 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng than toàn cầu.
Việc Trung Quốc tăng cường mua than Indonesia đã khiến giá than Indonesia tăng chóng mặt. Giá than tiêu chuẩn tại Indonesia đã tăng từ 90 USD/tấn vào đầu tháng 6/2021 lên 150 USD/tấn vào tháng 9/2021, tức là đã tăng hơn 60%.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, phần lớn than của Indonesia là than non, phẩm cấp thấp, gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Các chuyên gia ngành than cũng chỉ rõ than non của Indonesia chỉ tạo ra nhiệt lượng là 4.200 kcal/kg, ngày càng ít được ưa chuộng.
Nhưng theo tờ Thời báo Tự do của Đài Loan (Trung Quốc), nhằm đảm bảo nguồn cung than cho mùa Đông này, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp trong nước tìm cách mua than non của Indonesia bằng mọi giá. Điều này cũng khiến thế giới bên ngoài lo ngại rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc có thể tăng lên đáng kể vào mùa Đông năm 2021.
Đối với Indonesia, cơn khát than đá của Trung Quốc đã giúp nước này vươn lên trong khi các nước Đông Nam Á khác vẫn đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp. Theo nhà kinh tế học cấp cao về thị trường mới nổi ở châu Á Trinh Nguyen thuộc Ngân hàng Ngoại thương Natixis (Pháp), Indonesia đã thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Không giống như hầu hết các nước Đông Nam Á, tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô của Indonesia cao hơn tỷ trọng xuất khẩu của ngành chế tạo, do đó, Indonesia có thể hưởng lợi từ làn sóng thiếu hụt hàng hóa cơ bản.
Bà Trinh Nguyen cũng cho rằng kinh tế Trung Quốc dù đi xuống nhưng vẫn tăng trưởng, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tiếp tục tăng sẽ giúp cổ phiếu ngành khai thác than của Indonesia tăng mạnh.
Trên thực tế, giá than đá leo thang đã giúp các công ty khai thác than đá của Indonesia thoát khỏi tình trạng lỗ đồng thời làm giá các loại cổ phiếu liên quan của Indonesia tăng vọt.
Ví dụ, trong giai đoạn tháng 1-6/2021, công ty khai thác than Indonesia Bumi Resources lãi ròng 1,9 triệu USD so với mức lỗ lên tới 86,1 triệu USD trong năm 2020, giá cổ phiếu của công ty này từ cuối tháng 8 tới nay đã tăng 38%. Trong cùng thời gian, một công ty khác là Indika Energy đã lãi 12 triệu USD so với mức lỗ là 21,9 triệu USD của năm 2020 và giá cổ phiếu của công ty này cũng tăng 31,7%.
Không chỉ các công ty than, giá than tăng phi mã còn tạo ra lực đẩy giúp thị trường chứng khoán Indonesia tăng. Kể từ đầu tháng 10 tới nay, Chỉ số chứng khoán Indonesia đã tăng 6%, vượt qua các thị trường chứng khoán của Philippines, Thái Lan và Ấn Độ.
Ngoài ra, đồng rupiah Indonesia cũng được hưởng lợi. Kể từ đầu tháng Chín tới nay, đồng rupiah đã trở thành đồng tiền có biểu hiện tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Tại Trung Quốc, hơn 70% sản lượng điện đến từ các nhà máy nhiệt điện, do đó, nước này có nhu cầu sử dụng than rất lớn. Dẫu vậy, vẫn có nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc thiếu than cũng như sự phồn vinh của hàng hoá cơ bản Indonesia chỉ là tạm thời và sẽ không có nhiều đầu tư hay mở rộng sản xuất của ngành than.
Nguyên nhân là việc tăng sản lượng khai thác than không phù hợp với chính sách năng lượng xanh của Indonesia và nước này đặt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2060./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/indonesia-huong-loi-tu-cuoc-chien-than-da-giua-trung-quoc-va-australia/220520.html