Hỗ trợ gia đình có trẻ sinh non nhờ livestream
Mới 4 ngày tuổi, cậu bé Arlo đã phải phẫu thuật vì một khuyết tật bẩm sinh hiếm gặp ở nội tạng. Để có thể được điều trị và chăm sóc sát sao, gia đình bé phải gửi con vào phòng chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, có một thách thức đối với gia đình là vị trí của Bệnh viện Đại học Townsville nơi Arlo được chăm sóc cách nơi họ ở tới 600 km.
Để giúp gia đình theo dõi và duy trì kết nối với em bé dù chỉ là từ xa, các bác sĩ lắp đặt camera ở cũi tại phòng chăm sóc này.
Chị Jacki Nicholson (mẹ của bé Arlo) chia sẻ: "Ảnh chụp là một chuyện nhưng việc có thể nhìn em bé qua sóng phát trực tiếp bất kể khi nào tôi muốn và tận mắt nhìn con đang được chăm sóc như thế nào là trải nghiệm rất khác".
Toàn bộ 50 cũi của khoa sơ sinh bệnh viện Đại học Townsville hiện đã được trang bị camera. Đây cũng là bệnh viện công đầu tiên áp dụng công nghệ này tại bang Queensland của Australia.
Bước đầu cho thấy công nghệ này đã góp phần rất lớn vào việc giảm bớt căng thẳng và lo lắng của các bậc cha mẹ khi vừa phải thích nghi với việc xa con vừa phải cân bằng với cuộc sống thường nhật tại nhà.
Y tá Simone Scully kể lại: "Một người mẹ nói với tôi rằng chị ấy đã có thể đọc truyện cho em bé nghe từ xa, trong khi vẫn có thể chăm sóc các con lớn ở nhà. Chúng tôi có những em bé cần phải chăm sóc ở đây trong nhiều tháng. Vì vậy, để duy trì liên kết giữa cha mẹ và em bé đã khiến cuộc sống của họ dễ dàng hơn nhiều".
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 900 trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc cần được điều trị đặc biệt tại bệnh viện Đại học Townsville. Trong đó, gần nửa là các bé có gia đình sinh sống cách khá xa bệnh viện. Do đó, hệ thống camera phát sóng trực tiếp đang thực sự giúp rút ngắn khoảng cách đó. Các bác sĩ và y tá tại đây hy vọng sáng kiến này sẽ được nhân rộng để nhiều gia đình có trẻ sinh non sẽ có thể được gắn kết nhiều hơn với trẻ trong giai đoạn đầu đời.
Article sourced from VTV.vn.