"Hiệu ứng cửa sổ vỡ" sẽ cho bạn thấy liệu có nên quay lại với người yêu cũ
Câu chuyện tình yêu của nữ diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên gây xôn xao mạng xã hội Weibo Trung Quốc những ngày qua.
Sau khi ly hôn chồng, cô Từ đã kết nối lại với bạn trai cũ (ca sĩ Hàn Quốc DJ Koo) trong khoảng ba tháng qua video call. Sau đó, hai người đồng thuận đăng ký kết hôn, dù chưa trực tiếp gặp mặt nhau sau 20 năm, do cách trở địa lý và dịch Covid-19.
Sau khi câu chuyện tình cũ nối lại của Từ Hy Viên được công khai, mạng xã hội tràn ngập những từ khóa như "có nên xóa số điện thoại người yêu cũ", "có nên quay về với người cũ".
Từ Hy Viên và chồng cũ Uông Tiểu Phi. Ảnh: Elle
Nhà tâm lý Tống Vân (Trung Quốc) có bài chia sẻ về việc có nên quay lại với người yêu cũ, thông qua việc phân tích "Hiệu ứng cửa sổ vỡ".
Năm 1969, nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford tiến hành một cuộc thử nghiệm. Ông bỏ hai chiếc ôtô hỏng không có biển số tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx, New York và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto, bang California. Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Chỉ sau khi Zimbardo dùng búa tạ đập xe, một số người mới hùa theo. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai thành phố được mô tả là "ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa".
Năm 1982, nhiều năm sau thí nghiệm của Zimbardo, kết quả trên được nhắc lại trong bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic của nhà khoa học xã hội George Kelling. Lần đầu tiên người này nhắc tới lý thuyết "Hiệu ứng cửa sổ vỡ".
Nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là khi nhìn thấy cửa sổ vỡ, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá các ô cửa sổ khác vì nghĩ "sẽ chẳng có hại gì".
Tương tự như vậy, một bức tường sạch sẽ bị vẽ bậy vài nét, nếu không lau sạch ngay, chẳng bao lâu bức tường sẽ bị vẽ kín. Đây chính là Hiệu ứng cửa sổ vỡ trong tâm lý học. Ban đầu sự việc chỉ là nhỏ, nhưng nếu không kịp thời khắc phục, chúng sẽ ngày càng lớn và hậu quả trở nên nghiêm trọng.
Trong tình yêu, "Hiệu ứng cửa sổ vỡ" chỉ ra một điều: Những rạn nứt đầu tiên là điểm khởi đầu cho sự xấu đi của một sự việc. Theo thời gian, mối quan hệ càng tệ hại, dù ban đầu, những mâu thuẫn chỉ nhỏ nhưng không được giải quyết.
Không phải tự dưng mà một mối quan hệ tan vỡ. Khi các vấn đề chưa được giải quyết chất chồng, nó không biến mất mà ngày càng trở nên trầm trọng, cuối cùng, như ô cửa vỡ hẳn, như bức tường bị vẽ kín, tình cảm không thể nào về trạng thái ban đầu.
Do đó, cuộc tái hợp của những người từng yêu thương nhau nhưng tan vỡ sẽ chỉ là sự lặp lại những sai lầm đã cũ. "Tình xưa nối lại" cũng sẽ chỉ là sự lặp lại hành trình yêu rồi chia tay trước đó.
Năm 2013, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc từng chỉ ra một thực tế, xác suất các cặp đôi quay lại với nhau sau chia tay là 82% nhưng sau đó, chỉ có 3% có thể đi đến cùng bên nhau đến cuối con đường, 97% là chia tay, với lý do giống như lần đầu tiên họ tan vỡ.
Nhà văn Trương Tiểu Nhàn, nữ nhà văn nổi tiếng Hồng Kông, được mệnh danh là "tri kỷ tình yêu" của rất nhiều độc giả trẻ, đã viết trong cuốn "Cảm ơn vì đã rời xa tôi" viết: "Một số điều không thể thay đổi, một số người không thể quay về bên nhau. Thời gian làm mờ đi quá khứ không vui, chỉ giữ lại những ký ức đẹp đẽ mà thôi". Suy cho cùng, đó cũng là một sai lầm, bởi những thứ không vui cũng cần được nhớ đến, để tránh đi vào những vết xe đổ cũ kỹ.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ cũng đề cập đến một thực tế: Nếu ô cửa nứt ban đầu được sửa chữa ngay lập tức, những ô cửa khác sẽ không tiếp tục bị vỡ. Nếu bức tường được lau dọn sạch, nó sẽ không bị vẽ kín. Do đó, nếu mối quan hệ được sửa chữa, khắc phục những vấn đề rạn nứt ngay từ đầu, sẽ không có chuyện chia tay xảy ra.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/co-nen-quay-lai-voi-nguoi-cu-4437901.html