Cơ hội cải thiện tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đang dần khép lại
Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu tại Nhà Trắng cuối tuần trước nói rằng 300 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng ở Mỹ sau 150 ngày ông nhậm chức. Đây là thành tựu mà ông nói sẽ giúp đất nước bước vào "một mùa hè rất khác so với năm ngoái, một mùa hè tươi sáng", khi số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh.
Tuy nhiên, Biden cũng thừa nhận thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt trong cuộc chiến Covid-19, khi hàng triệu người Mỹ chưa tiêm chủng dù đủ điều kiện.
Mỹ đã phân phối gần 378 triệu liều vaccine, trong đó hơn 316 triệu liều đã được tiêm chủng. Trong số hơn 328 triệu dân, hơn 176 triệu người (53%) đã tiêm ít nhất một liều và 148,5 triệu người (45%) hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Vào giữa tháng tư, số liều tiêm trung bình 7 ngày ở Mỹ là hơn 3 triệu/ngày, nhưng tới hiện tại, con số này giảm xuống hơn 1,3 triệu liều.
Một điểm tiêm chủng ở Newark, bang New Jersey tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Để hoàn thành mục tiêu của Biden, nhiều bang Mỹ đã tung ra nhiều ưu đãi từ bánh hamburger tới bia miễn phí, học bổng và những giải xổ số hàng triệu USD, nhằm khuyến khích người dân tiêm. Tuy nhiên, những sáng kiến này đã không còn hấp dẫn như ban đầu hoặc thậm chí hoàn toàn thất bại.
"Nó không hiệu quả", Irwin Redlener, thành viên Sáng kiến Phản ứng và Tài nguyên đại dịch tại Đại học Columbia, nói. "Mọi người không bị thuyết phục. Các ưu đãi dường như không có tác dụng, dù nó là bánh, xe hơi hay cả triệu USD".
Tại Ohio, một chương trình khuyến khích tiêm chủng với cơ hội giành một triệu USD ban đầu giúp tỷ lệ tiêm chủng của bang tăng 40% trong một tuần. Một tháng sau, tỷ lệ này giảm xuống dưới mức trước khi sáng kiến được đưa ra, theo Politico.
Oregon cũng áp dụng sáng kiến tương tự Ohio nhưng ghi nhận mức tăng thấp hơn. Những dữ liệu sơ bộ từ một chương trình xổ số ở Bắc Carolina được khởi động tuần trước cho thấy sáng kiến không giúp thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng.
Quan chức cộng đồng cảnh báo rằng cơ hội cải thiện tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đang dần khép lại, giữa lúc các mối đe dọa về biến chủng tăng.
"Tôi chắc chắn không thấy mọi thứ trở nên tốt hơn nếu chúng tôi không tăng được tỷ lệ tiêm chủng", Scott Allen, thành viên cơ quan y tế hạt Webster, bang Missouri, nói. Bang này đã thấy số ca nhiễm và nhập viện tăng gần gấp đôi trong hai tuần qua.
Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình hiện tại sẽ khiến Mỹ khó có thể đạt được mục tiêu mà Biden đặt ra, trong đó 70% người trưởng thành Mỹ được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7. Đồng thời, các nhà nghiên cứu về đại dịch cảnh báo về bức tranh "hai nước Mỹ" giữa đại dịch, giữa một bên tiêm chủng và một bên không, đang dần hiện lên như bức tranh chính trị chia rẽ Cộng hòa và Dân chủ.
Chỉ 52% người Cộng hòa nói rằng họ đã tiêm một liều hoặc đủ liều vaccine và 29% nói không có ý định tiêm chủng, theo khảo sát của CBS News/YouGov. Trong khi đó, 77% người thuộc đảng Dân chủ nói họ đã tiêm chủng và chỉ khoảng 5% phản đối vaccine.
Nhóm bang có tỷ lệ người trưởng thành tiêm đủ mũi cao nhất hầu hết thuộc đảng Dân chủ, như Vermont với 74%, Massachusetts 70%, Connecticut 70%. Trong khi đó, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp tập trung hầu hết ở cứ địa đảng Cộng hòa, như Louisiana 43% hay Alabama 40%.
"Tôi gọi đó là hai quốc gia Covid", Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, thuộc Đại học Y Baylor ở Houston, nói.
Cuộc chiến chống Covid-19 đang đối mặt với thách thức lớn với sự xuất hiện của biến chủng Delta. Bette Korber, nhà sinh học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico, tin biến chủng Delta sẽ trở thành chủng virus phổ biến nhất ở Mỹ trong vài tuần tới. "Nó lây lan rất nhanh", Korber cho hay.
Biến chủng Delta, hay B.1.617.2, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và đã lan tới hơn 80 quốc gia, chiếm 10% ca nhiễm ở Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ tuần trước liệt Delta vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại".
Dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) chỉ ra Delta có khả năng dễ lây lan hơn biến chủng Alpha, B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh, từ 40-60%.
Theo các chuyên gia, tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, biến chủng Delta nói riêng và các chủng khác của nCoV sẽ gây ra ít mối đe dọa hơn. Nhưng tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như Mississippi với 45% người trưởng thành tiêm ít nhất một liều và 37% tiêm đủ mũi, virus sẽ tiếp tục lây lan và biến đổi, đe dọa tạo ta nhiều biến chủng nguy hiểm hơn.
Một công viên ở Boston, bang Massachusetts vào tháng 7/2020. Ảnh: Boston Globe.
Cho đến nay, các loại vaccine vẫn có hiệu quả đối với hầu hết biến chủng. Tuy nhiên, biến chủng Delta dường như có thể vượt qua lớp bảo vệ của vaccine ở những người tiêm một liều. Một nghiên cứu của Anh chỉ ra hai mũi vaccine Pfizer có thể chống lại các triệu chứng của biến chủng Delta tới 88%. Tuy nhiên, ở những người mới tiêm một liều, hiệu quả chỉ là 33%.
Giới chuyên gia cho biết biến thể Delta cũng có thể dễ gây ra tình trạng bệnh nặng hơn. Một nghiên cứu ở Scotland công bố tuần trước cho thấy nguy cơ nhập viện ở người nhiễm biến thể Delta cao gần gấp đôi biến thể Alpha.
"Nó là một virus nguy hiểm", John Moore, nhà virus học tại Cao đẳng Y Weill Cornell tại New York, nói.
Trong bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi những người Mỹ tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất có thể.
"Ngay cả khi chúng ta đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc, nó vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng và chết người", Biden nói về biến chủng Delta, thêm rằng nó có thể khiến những người chưa tiêm chủng "có nguy cơ tổn thương lớn hơn nhiều" so với trước đây.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguy-co-hai-nuoc-my-xuat-hien-giua-covid-19-4297187.html