G7 cấm vận kim cương Nga
Lệnh cấm vận của G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) dự kiến được công bố tuần tới sau một thời gian dài tranh luận nội bộ. Nó cũng sẽ đi cùng với gói trừng phạt thứ 12 của Liên minh châu Âu khả năng tập trung vào kim cương Nga. "Hiện chúng tôi cần sự chấp thuận cuối cùng của G7 trước khi chuyển thành văn bản pháp luật ở cấp độ châu Âu", nguồn tin nói với Reuters.
Người phát ngôn các vấn đề toàn cầu của Canada cho biết nước này và các thành viên G7 đang làm việc với các chính phủ, đại diện ngành kim cương về các đề xuất nhằm giải quyết việc truy xuất nguồn gốc và thực thi. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết "các cuộc thảo luận đang được tổ chức ở cấp độ kỹ thuật giữa các thành viên G7 với Bỉ, kết hợp với các doanh nghiệp kim cương".
Kim cương thô được gia công tại một nhà máy ở Moskva 30/4/2021. Ảnh: Reuters
Vào tuần trước, G7 cũng đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật để thảo luận về một số đề xuất do Ấn Độ, Bỉ và doanh nghiệp đưa ra. Bỉ trước đó đã cố gắng ngăn chặn nỗ lực của phương Tây trong việc cấm vận kim cương của Nga. Nước này cảnh báo rằng thành phố Antwerp của họ, nơi 90% đá quý của thế giới đi qua, sẽ có nguy cơ mất cơ hội kinh doanh vào tay Dubai nếu triển khai lệnh cấm.
Hiện theo đề xuất của Bỉ, G7 có thể triển khai một hệ thống theo dõi kim cương tương tự như hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT giữa các ngân hàng. Cơ chế này được cho là sẽ ngăn cản kim cương có nguồn gốc từ Nga thâm nhập.
Cho đến nay, việc nhập khẩu kim cương thô của Nga đã bị Mỹ, Anh, Canada và New Zealand cấm. Tuy nhiên, Washington cho phép mua đá quý được khai thác ở Nga nhưng chế biến ở các nước khác. Trong khi đó, Nga đang chuyển hướng bán kim cương sang các thị trường thay thế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus.
Đầu tháng này, một số phương tiện truyền thông quốc tế ghi nhận G7 đã có động thái hạn chế nhập khẩu những viên kim cương từ một carat trở lên của Nga được gia công bởi Ấn Độ. Tuy nhiên, nhóm này nói thêm rằng họ không phản đối việc các thương nhân mua kim cương thô từ Nga, đánh bóng chúng và bán cho bất kỳ thị trường nào khác.
Theo thống kê của tổ chức theo dõi thị trường kim cương Kimberley Process, sản lượng kim cương thô của Nga năm 2022 đạt 41,9 triệu carat, giá trị 3,5 tỷ USD, tăng lần lượt 7% về sản lượng và 34% về giá trị. Tuy nhiên, xuất khẩu kim cương của nước này giảm còn 36,7 triệu carat, sụt đến 24%.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/g7-sap-cam-van-kim-cuong-nga-4669457.html