Evergrande - tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới

01:00' 24-09-2021
Cùng dự báo Evergrande sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu nhưng giới phân tích lại đang chia phe về việc, liệu nó có châm ngòi cuộc khủng hoảng như Lehman Brothers đã làm năm 2008.


    Năm 2008, đại gia ngân hàng Mỹ Lehman Brothers nộp đơn phá sản, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II.

    Còn với Evergrande của Trung Quốc, nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới sẽ phải thực hiện khoản thanh toán định kỳ cho các khoản vay trái phiếu bắt đầu từ ngày 23/9 tới. Nhưng S&P Global Ratings và các tổ chức xếp hạng tín dụng khác đánh giá khả năng không thể chi trả là "có thể xảy ra".

    Cuộc khủng hoảng của một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc này sẽ dẫn đến lo ngại hàng đầu là nền kinh tế Trung Quốc vốn đã chậm lại sẽ bị ảnh hưởng thêm.

    Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải hành động nhanh vì Evergrande đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, sau khi thị trường toàn cầu đã phớt lờ rủi ro từ "bom nợ" này.

    Evergrande phát sinh nợ hơn 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 124 tỷ USD) trong vòng một năm qua, từ các nhà cung cấp sơn cho đến các công ty trang trí và xây dựng, trong khi chỉ có một phần 10 trong số đó là tiền mặt.

    Tính đến cuối tháng 6, Evergrande có khoản nợ gần 2.000 tỷ nhân dân tệ trên sổ sách (khoảng 300 tỷ USD), cộng với số nợ ngoài sổ sách chưa xác định.

    "Thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đã quá lớn và không thể tránh ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới", Chang nói. "Nếu Trung Quốc gặp phải một vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì China Evergrande, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng".

    Lo ngại ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Evergrande đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, chỉ số công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên 20/9 giảm hơn 600 điểm sau khi thị trường châu Âu, Hong Kong và các khu vực khác của châu Á cùng lao dốc. Ngược lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,297% do các nhà đầu tư tìm kiếm "kênh trú ẩn an toàn".

    "Thị trường bất động sản là lĩnh vực rất quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của rất nhiều gia đình. Tỷ lệ sở hữu nhà ở đây là hơn 90%", Chang nói thêm. "Vì nhiều người mua căn hộ như một khoản đầu tư, nên nếu có rủi ro, nó có thể trở thành một con 'thiên nga đen' thực sự".

    Một tòa nhà của Evergrande - tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới với khoảng 300 tỷ USD nợ phải trả. Ảnh: AFP

    Một tòa nhà của Evergrande - tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới với khoảng 300 tỷ USD nợ phải trả. Ảnh: AFP

    Evergrande, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, đang ghi nhận khoảng 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ phải trả tính tới tới cuối quý II. Sự sụp đổ của doanh nghiệp này, theo giới phân tích, còn có thể khiến chi phí đi vay tăng cao đối với các nhà phát triển bất động sản khác, dấy lên lo ngại về khả năng ảnh hưởng mang tính hệ thống.

    "Chúng tôi không mong đợi chính phủ sẽ hành động giúp được Evergrande, trừ khi sự ổn định của hệ thống đang gặp rủi ro", các nhà phân tích của S&P Global Ratings gồm Matthew Chow và Christopher Yip cho biết. "Sự hỗ trợ để ngăn chặn vỡ nợ chỉ có thể xảy ra nếu rủi ro lây lan khiến các nhà phát triển lớn khác thất bại. Điều này có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng tác động đến hệ thống tài chính chỉ từ Evergrande sẽ có thể kiểm soát được".

    Những lo lắng về khả năng trả nợ của Evergrande diễn ra khi Bắc Kinh cố gắng hạ nhiệt bong bóng nợ phình to trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và sau cảnh báo của các nhà đầu tư nước ngoài về mức nợ ngày càng tăng cao.

    Tháng 8/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra các biện pháp "ba lằn ranh đỏ", gồm các yêu cầu nhằm hạn chế khả năng vay nợ của các nhà phát triển bất động sàn, một phần trong nỗ lực thoát khỏi bong bóng đầu cơ đã thúc đẩy tăng giá bất động sản nhà ở trong những năm gần đây.

    Bên ngoài trụ sở chính của Evergrande tại Thâm Quyến. Ảnh: AFP

    Bên ngoài trụ sở chính của Evergrande tại Thâm Quyến. Ảnh: AFP

    Các bên tuy đồng thuận với lo ngại về rủi ro cho thị trường tài chính và tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại đang chia phe khi phân tích, khả năng vụ sụp đổ của Evergrande có trở thành "khoảnh khắc Lehman Brothers" hay không.

    Theo Nikkei Asia Review, vụ sụp đổ của Evergrande có thể dẫn đến một cơn sóng thần tài chính, hay như một số nhà phân tích đã nói, là phiên bản Trung Quốc của "khoảnh khắc Lehman Brothers". Sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ năm 2008 đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    Ở khía cạnh quy mô, sức ảnh hưởng Evergrande là điều không cần bàn cãi. Nợ phải trả của công ty này tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc, với quy mô hơn 200.000 nhân viên. Những người mà bản thân và gia đình họ đã đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ vào công ty này. Evergrande hiện có hơn 800 dự án đang được xây dựng, hơn một nửa trong số đó đã tạm dừng. Ngoài ra, hàng nghìn công ty thượng nguồn và hạ nguồn phụ thuộc vào Evergrande để kinh doanh, tạo ra hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.

    Giống như nhiều tập đoàn "too big too fail" (quá lớn để sụp đổ) của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu chính phủ có can thiệp để giải cứu hay không. Một số doanh nghiệp nhà nước được cho là đang đàm phán với Evergrande về các dự án ở Thâm Quyến. Nhưng cho đến nay, không có giao dịch nào đạt được.

    Trong nhiều năm, các nhà phát triển Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi ba phương tiện để tăng trưởng cao hơn, là doanh thu cao, lợi nhuận gộp cao và tỷ lệ đòn bẩy cao. Các chủ đầu tư sử dụng tiền vay để mua đất, thu tiền bán trước khi các dự án bắt đầu, và sau đó vay thêm tiền để đầu tư vào các dự án mới.

    Evergrande đã phải đối mặt với áp lực thanh khoản nhiều lần trong những năm qua, nhưng mỗi lần như vậy đều tương đối bình yên. Lần khủng hoảng về dòng tiền và niềm tin hiện tại là chưa từng có.

    Trong một tuyên bố mới đây, công ty này đã phủ nhận tin đồn phá sản. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Evergrande dùng những "từ ngữ mơ hồ" để thông báo về việc đạt được thỏa thuận với các trái chủ.

    Trong khi đó, theo hệ quy chiếu khác, Barclays cho rằng, mặc dù con số nợ khổng lồ của Evergrande gây chú ý nhưng "không đủ lớn" để ảnh hưởng tới thị trường tín dụng Trung Quốc. Ngân hàng cho biết toàn bộ hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có tài sản lên tới 45.000 tỷ USD và dư nợ cho vay khoảng 30.000 tỷ USD.

    "Bảng cân đối kế toán của Evergrande dường như không phải là một chỉ báo tốt về toàn bộ lĩnh vực bất động sản. Nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng nhanh hơn nhiều so với toàn bộ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Tỷ suất lợi nhuận của Evergrande cũng sụt giảm trong nhiều năm - điều này trái ngược với lĩnh vực bất động sản nói chung", các nhà phân tích của Barclays đánh giá.

    "Chúng tôi không tin rằng mô hình kinh doanh của các công ty bất động sản Trung Quốc đã hoàn toàn bị phá vỡ. Evergrande đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn hầu hết, cả về đòn bẩy tài chính và mô hình kinh doanh", báo cáo của Barclays viết.

    Alexandre Bon, một chuyên gia phân tích rủi ro thị trường tại Murex, cũng cho rằng việc so sánh Evergrande với cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ và vụ phá sản sau đó của Lehman Brothers 13 năm trước là "quá xa vời".

    "Sẽ không có phiên bản Trung Quốc của Khủng hoảng tài chính Châu Á, nhưng có nguy cơ lây lan rủi ro từ sự sụp đổ của Evergrande và một cuộc khủng hoảng tín dụng ảnh hưởng đến thị trường tài chính thông qua nền kinh tế thực", Bon nói.

    Theo Citigroup, mặc dù cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande và tác động của nó đối với lĩnh vực bất động sản gây ra rủi ro hệ thống tiềm ẩn cho hệ thống tài chính của Trung Quốc, nhưng đây không phải là "một Lehman Brothers" đối với Trung Quốc. Nhóm phân tích thậm chí còn đánh giá, bất kỳ sự sụt giảm nào về giá cổ phiếu ngân hàng đều có thể là "cơ hội" để mua những tên tuổi chất lượng trong lĩnh vực này.

    Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng vấn đề của Evergrande có thể được Bắc Kinh kiềm chế trước khi gây thiệt hại với hệ thống ngân hàng và dẫn đến một phản ứng dây chuyền với thị trường tài chính toàn cầu.

    Câu hỏi quan trọng với các nhà đầu tư là làm thế nào và khi nào Bắc Kinh xử lý tình hình, đồng thời liệu họ có khởi động một cuộc tái cấu trúc Evergrande như nhiều chuyên gia thị trường mong đợi hay không.

    "Mọi người đều mong đợi chính phủ Trung Quốc sẽ có một số giải pháp, vì Evergrande là một công ty quan trọng về mặt hệ thống", Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office, cho biết. "Sẽ có một rủi ro dây chuyền nếu vấn đề của Evergrande không được giải quyết. Tôi nghĩ rằng nó sẽ kết thúc với việc một số doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính tham gia tiếp quản".

    Theo SCMP, chính quyền Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với các chủ nợ. Bắc Kinh có thể không trực tiếp bảo lãnh công ty này, nhưng họ sẽ cố gắng tránh sự sụp đổ hoàn toàn vì những làn sóng xung kích có thể bao trùm các ngân hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư bán lẻ và thậm chí cả chính quyền địa phương. Giải pháp cuối cùng có thể là một loạt các thủ thuật đã được chứng minh, như đảo nợ, thanh lý tài sản và thanh toán khẩn cấp cho những người dễ bị tổn thương nhất.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/evergrande-lieu-co-tro-thanh-lehman-brothers-cua-trung-quoc-4360264.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ