El Nino đe dọa kinh tế toàn cầu
Hôm 8/6, các nhà khoa học ở Trung tâm dự báo khí hậu thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận El Nino đã bắt đầu ở Thái Bình Dương. El Nino là hiện tượng khí hậu tự nhiên thường gắn liền với nhiệt độ cao trên toàn cầu, gây hạn hán ở một số khu vực và mưa lớn ở các nơi khác.
Giới phân tích cho rằng điều này có thể tạo ra sự hỗn loạn, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh. Thiếu điện và mất điện đang xảy ra thường xuyên hơn. Nắng nóng cực đoan gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Khô hạn làm tăng rủi ro cháy rừng. Mùa màng thất bát, đường phố ngập lụt và nhiều nhà cửa đã bị phá hủy.
Theo mô hình của Bloomberg Economics, các đợt El Nino trước gây ảnh hưởng rõ rệt lên lạm phát toàn cầu. Theo đó, giá hàng hóa phi năng lượng tăng trung bình 3,9% và dầu tăng 3,5%. Tăng trưởng GDP cũng bị kéo tụt, đặc biệt là các nước như Brazil, Australia và Ấn Độ.
Thế giới hiện đối mặt với chu kỳ El Nino đắt đỏ nhất kể từ khi các nhà khí tượng học bắt đầu theo dõi. Nó cũng bắt đầu làm tăng rủi ro stagflation – lạm phát cao kèm tăng trưởng chậm. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết họ đang theo dõi sát sao hiện tượng khí hậu này. Peru hồi tháng 3 thông báo có kế hoạch chi hơn 1 tỷ USD để đối phó các vấn đề về khí hậu và thời tiết năm nay.
Cánh đồng ngô khô hạn tại Lichtenburg (Nam Phi) năm 2015. Ảnh: Bloomberg
"Khi thế giới đứng trước rủi ro lạm phát cao và suy thoái, El Nino đã xuất hiện sai thời điểm", Bhargavi Sakthivel – nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics nhận định. Can thiệp bằng chính sách có thể điều tiết nhu cầu, nhưng El Ninos chủ yếu ảnh hưởng tới nguồn cung. "Các ngân hàng trung ương chẳng thể làm gì nhiều với tình hình này", Sakthivel cảnh báo.
Ví dụ, tại Chile, El Nino gây ra mưa lớn, làm khó việc tiếp cận các mỏ hiện cung cấp gần 30% đồng cho thế giới. Sản lượng giảm và việc vận chuyển hàng chậm trễ sẽ có tác động lên giá kim loại này. Đồng được dùng phổ biến trong các sản phẩm như chip máy tính, xe hơi và đồ gia dụng.
Một ví dụ khác là Trung Quốc. Nhiệt độ cao tại đây đang khiến gia súc chết hàng loạt và lưới điện luôn trong tình trạng căng thẳng. Khô hạn hè năm ngoái khiến giới chức Trung Quốc buộc phải ngừng cấp điện cho nhiều nhà máy suốt gần hai tuần, gây gián đoạn hoạt động cung ứng cho nhiều gã khổng lồ như Apple hay Tesla. Hè năm nay, Trung Quốc dự báo điện còn thiếu nhiều hơn.
Thậm chí, giá một cốc cà phê cũng có thể tăng lên nếu Brazil, Việt Nam hay nhiều nhà cung cấp hàng đầu khác chịu tác động từ El Nino. "Khi hiện tượng này xảy ra trong bối cảnh Trái Đất có xu hướng ấm lên trong dài hạn, thách thức sẽ tăng gấp đôi", Katharine Hayhoe – nhà khoa học tại tổ chức hoạt động vì môi trường The Nature Conservancy nhận định.
Các tác động lên kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài nhiều năm. Năm 2019, các nhà kinh tế tại Fed Dallas cảnh báo thiệt hại từ các chu kỳ El Nino "có thể sẽ gây tác động tiêu cực lâu dài lên tăng trưởng GDP, thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn quỹ đạo GDP".
Các nhà nghiên cứu về khí hậu cũng đã tìm ra ảnh hưởng về kinh tế. Tháng trước, các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth ước tính chu kỳ El Nino năm 1997-1998 gây thất thoát 5.700 tỷ USD GDP toàn cầu trong 5 năm sau đó.
Mô hình của họ dự báo đến cuối thế kỷ này, El Nino sẽ gây thiệt hại 84.000 tỷ USD. Nhóm tác giả cũng cho rằng tính trung bình, mỗi chu kỳ El Nino khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 3.400 tỷ USD.
Rủi ro này cấp bách nhất tại các nước ở vùng nhiệt đới và nam bán cầu. Mô hình của Bloomberg cho thấy El Nino có thể khiến tăng trưởng GDP hàng năm tại Ấn Độ và Argentina giảm 0,5%. Peru, Australia và Philippines có thể mất khoảng 0,3%.
Giá cả tăng cao sẽ làm trầm trọng hơn các tác động này. Từ năm 2000, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo El Nino khiến lạm phát giá hàng hóa tăng thêm 4 điểm phần trăm. Đó là trước khi tính tới tác động hiện tại của biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ tăng cao càng khuếch đại tác động từ hiện tượng khí hậu này. "El Nino sẽ gây ra nắng nóng nhiều hơn, khô hạn hơn và cháy rừng nghiêm trọng hơn", Friederike Otto – Giảng viên tại Viện Biến đổi Khí hậu và Môi trường Grantham dự báo.
Năm nay, châu Á đã chứng kiến nhiều kỷ lục về thời tiết. Hiện tại, Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ cũng cảnh báo tình hình sẽ nghiêm trọng hơn trong vài tháng tới.
Khi nhiệt độ tăng, hệ thống điện trên khắp thế giới cũng căng thẳng. Việc này kéo nhu cầu nhiên liệu lên cao, trong đó có than đá và khí đốt. "Thời tiết ngày càng biến động khiến rủi ro mất an ninh năng lượng tăng theo, cụ thể là mất điện do thiếu nhiên liệu", Saul Kavonic – Giám đốc nghiên cứu năng lượng và tài nguyên tại Credit Suisse nhận định.
Một cảnh báo gần đây của North American Electric Reliability (NERC) – cơ quan giám sát sự ổn định của lưới điện tại Bắc Mỹ cho biết phần lớn nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mất điện tăng cao trong hè này, do nắng nóng lan rộng.
Việc nhiều nước nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo cũng làm tăng rủi ro mất điện. Các trang trại năng lượng mặt trời không thể hoạt động khi nhu cầu điện lên đỉnh điểm vào các tối mùa hè. Khô hạn cũng kìm hãm thủy điện.
El Nino còn đe dọa an ninh lương thực. Dù một số vùng trồng trọt hưởng lợi từ lượng mưa tăng, như vùng trồng bơ và hạnh nhân ở California, rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác như dầu cọ, đường, bột mỳ, cacao và lúa lại được trồng ở những nơi không thuận lợi.
Charanjit Singh Gill (67 tuổi) là nông dân trồng lúa tại Punjab. Ông bắt đầu nghĩ đến việc mình sẽ làm gì nếu lượng mưa không đủ cho 14 hecta trồng trọt của mình. "Chẳng có cách nào khác là phải mất nhiều tiền hơn chạy máy bơm bằng dầu diesel để bơm nước vào", ông nói. Trong chu kỳ El Nino 2015-2016, chi phí sản xuất của Gill đã tăng thêm 35%.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/el-nino-de-doa-kinh-te-toan-cau-nhu-the-nao-4616886.html