Được làm con của bố mẹ, tôi tin rằng, thế giới này sẽ luôn tồn tại tình yêu đích thực
Tình yêu thật sự cao cả và giản đơn hơn nhiều, quay trở lại với câu hỏi ấy, có lẽ trong cuộc đời mỗi một người người sẽ có những đáp án khác nhau, còn đáp án của riêng tôi chính là câu chuyện tôi đã chứng kiến được từ mẹ.
Bố tôi là một quân nhân còn mẹ là giáo viên dạy cấp 2. Người ngoài nhìn vào có thể thấy họ rất đẹp đôi và cả tôi cũng vậy. Nhưng có lẽ từ lúc mới yêu nhau cho đến giờ là hơn 20 năm nay mà bố mẹ vẫn còn bên cạnh nhau, yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng và giữ gìn tổ ấm nhỏ là một điều không hề dễ dàng.
Bố rất thương gia đình nhưng do đặc thù công việc nên phải thường xuyên có những chuyến công tác xa dài ngày. Trong kí ức vụng về của một đứa trẻ mới biết nhận thức, tôi vẫn kịp ghi vào trí óc mình những hình ảnh đáng nhớ về năm tháng ấy.
Ngày đó tôi khoảng 5, 6 tuổi, mẹ tôi dạy học trong một bản làng nghèo. Gia đình khi ấy còn ở trong một khu tập thể tạm bợ của trường học. Đó là nơi rất thiếu thốn về điều kiện vật chất, nơi mà hai mẹ con tôi cứ thế cùng nhau vượt qua tất cả rồi chờ đến một ngày cuối tuần không xa, khi hoàn thành xong nhiệm vụ của mình bố sẽ về.
Nghe bà kể mẹ yếu và gầy hơn rất nhiều từ khi sinh tôi ra nhưng bằng một góc nhìn nào đó tôi lại luôn thấy mẹ rất mạnh mẽ và bản lĩnh. Nhìn gia đình xung quanh hôm nào cũng sum họp, hai vợ chồng cô chú hàng xóm hay nhổ cỏ vườn cùng nhau, đi dạo cùng nhau, buổi tối quây quần bên mâm cơm nóng hổi là lại tôi tự mình so sánh với mẹ.
Bố vắng nhà, mẹ thường một mình làm mọi thứ, tự trồng rau, nuôi gà, tự đi chợ nấu cơm, tự đi xách từng xô nước ở giếng về nhà dự trữ . Một ngày của mẹ diễn ra vô cùng bận rộn, sau khi lo hết mọi việc xong tôi cũng không biết mẹ ngủ lúc nào và vào mấy giờ, chỉ biết là rất muộn bởi hình ảnh cuối ngày tôi nhìn thấy luôn là hình ảnh mẹ ngồi miệt mài bên trang giáo án.
Tôi chờ mẹ nhưng chờ mãi mà ánh đèn bàn làm việc ấy vẫn không tắt rồi tự mình nhắm mắt ngủ cạnh mẹ lúc nào không hay. Tôi sợ bị viêm họng, sợ sốt, sợ ốm bởi tôi không muốn mẹ thêm bận tâm, bởi mẹ làm gì cũng có thể bình tĩnh trừ việc tôi ốm ra. Thế nhưng nếu tôi sợ bản thân ốm một thì lại sợ mẹ ốm mười.
Tôi vẫn còn nhớ mãi buổi tối hôm ấy ,trời mưa, mẹ bị cảm rất nặng nặng, cả ngày chỉ nằm trên giường mà không ăn uống gì được. Mẹ ho và lạnh run từng cơn một khiến một đứa bé vô dụng như tôi chỉ biết ngồi ôm mẹ mà oà khóc.
Tôi rất muốn gọi cho bố, muốn kể bố nghe mẹ mệt như thế nào, muốn bố về ngay lập tức với hai mẹ con nhưng mẹ đã ngăn tôi lại. Khi tiếng chuông điện thoại bàn quen thuộc vang lên là cuộc gọi quen thuộc cuối ngày mà cả hai mẹ con đều mong đợi, mẹ lại cố ngồi dậy và nói với bố một câu nói rất rất quen thuộc “Ở nhà ổn, em và con vẫn khỏe, anh cứ yên tâm công tác rồi về nhé”.
Năm tôi lên lớp 10, mẹ sinh em bé. Cả nhà ai cũng hạnh phúc đón chào sự ra đời của thành viên mới, đặc biệt là bố. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh bố cả đêm không ngủ đi đi lại lại ngoài hành lang để chờ mẹ.
Tôi biết ngoài háo hức ra bố còn sợ, cả ông bà và tôi cũng đều sợ. Mọi người không muốn nói ra nhưng ai cũng đều lo lắng cả vì ngày mà sinh tôi, mẹ đã bị băng huyết rất nhiều nhưng có lẽ sự may mắn đã đến khi bác sĩ bước ra phòng mổ “ Mẹ tròn con vuông nhé, là cháu trai”.
Chưa bao giờ thấy bố vui đến như vậy và cũng lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi nhìn thấy được những giọt nước mắt của bố khi nhìn mẹ. Thế nhưng niềm vui ấy diễn ra chưa được bao lâu thì bố lại nhận được một chuyến công tác đột xuất kéo dài 1 tháng. Thế là một lần nữa mẹ lại không có người mình cần bên cạnh.
Mẹ đau ở vết mổ nhưng từ chối uống thuốc giảm đau vì muốn có sữa cho em bú, mẹ không muốn nhờ hay sai vặt tôi quá nhiều vì tôi đang trong kì thi, mẹ tự cố gắng ngồi dậy tập đi lại, thay bỉm, pha sữa cho em.
Mẹ cố gắng tự vượt qua chứng trầm cảm nhẹ sau sinh, mẹ giải thích cho tôi về công việc và không muốn tôi hiểu lầm về bố. Mẹ đã một mình vượt qua tất cả, chịu đựng tất cả, chấp nhận và hi sinh tất cả mọi thứ cho gia đình.
Mẹ là người phụ nữ đầu tiên cho tôi hình thành một định nghĩa. Mới đầu nó là cách hiểu mơ hồ rồi càng lớn định nghĩa ấy lại càng trở nên sâu sắc. Phải, đó chính là định nghĩa về hai chữ “hậu phương”.
Tôi hay tự đặt ra những câu hỏi “Liệu mẹ có thấy cô đơn khi phải làm mọi việc một mình?”, “ Có thấy mệt mỏi khi nhà thường xuyên thiếu vắng người trụ cột?”, “Có bao giờ tủi thân vào những giây phút khó khăn trong cuộc sống?”, “Có bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình?”.
Nghĩ vậy thôi chứ chưa bao giờ tôi dám hỏi mẹ mà chính xác là không cần hỏi nữa vì hơn ai hết tôi phải là người biết rõ những câu trả lời đó nhất. Làm vợ vốn là một điều không hề đơn giản nhưng làm vợ của một quân nhân lại khó khăn hơn rất nhiều.
Có lẽ phải đủ yêu, đủ hiểu, đủ niềm tin, đủ bao dung và nhẫn nại mới có thể chấp nhận và hy sinh nhiều đến thế. Đó là lý do vì sao mà mãi sau này khi công việc ổn định, bố được ở cạnh gia đình nhiều hơn nhưng ngày nào tôi cũng cảm nhận được sự trân trọng từng giây từng phút trong những bữa cơm gia đình của mẹ.
Trong mắt tôi, tình yêu của mẹ dành cho bố cao cả lắm. Nó thiêng liêng đến mức lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy gia đình mình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho bản thân. Vậy nên sau này khi bước ra với cuộc sống, dù có gặp nhiều câu chuyện tiêu cực, nhiều nhận định trái chiều thì tôi vẫn sẽ có một niềm tin bất diệt rằng thế giới này chắc chắn luôn tồn tại một tình yêu đích thực.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/the-gioi-nay-luon-ton-tai-tinh-yeu-dich-thuc-nw229749.html