Đức: Đảng CDU chia rẽ sâu sắc về vấn đề Trung Quốc

20:00' 24-06-2021
Đảng CDU và ứng viên tranh cử thủ tướng của họ đang có những quan điểm không giống nhau về chính sách đối với Trung Quốc.


    Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) được cho là đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử gay cấn vào tháng 9. Hôm 21/6, CDU ra một tuyên ngôn quan trọng, song nó lại xung đột với những bình luận từ ứng viên tranh cử chức thủ tướng Đức của đảng này, Armin Laschet.

    Tuyên ngôn của CDU, đảng được Thủ tướng Angel Merkel dẫn dắt suốt hai thập kỷ qua, mô tả Trung Quốc là "thách thức chính sách an ninh và đối ngoại lớn nhất hiện nay" đối với Đức, kêu gọi một "phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ" trước Sáng kiến Vành đai và Con Đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

    Ứng viên tranh cử thủ tướng của đảng CDU Armin Laschet. Ảnh: Reuters.

    Ứng viên tranh cử thủ tướng của đảng CDU Armin Laschet. Ảnh: Reuters.

    "Trung Quốc có ý định và ngày càng khẳng định quyền lực nhằm định hình và thay đổi trật tự thế giới theo ý tưởng riêng của họ và đang làm điều đó với mọi nguồn lực. Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới các nước khác bằng cách đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng", tuyên ngôn có đoạn.

    CDU còn kêu gọi Đức đóng vai trò định hướng trong việc đảm bảo nhân quyền "là quyền phổ biến, không thể bị phân chia và bất khả xâm phạm", đồng thời phản đối những nỗ lực nhằm làm suy yếu sự đồng thuận này.

    Ngược lại, trong một bài phỏng vấn với báo Financial Times đăng cùng ngày, Laschet đặt câu hỏi về logic phía sau việc chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền và ngụ ý rằng ông sẽ duy trì hiện trạng mối quan hệ hiện nay, vốn được dẫn dắt bởi những liên kết thương mại mạnh mẽ.

    "Tôi không chắc việc công khai lớn tiếng và gay gắt về tình hình nhân quyền của một nước có thể dẫn đến những cải thiện thực chất", Laschet nói, thêm rằng Đức không nên cố gắng kiềm chế Trung Quốc.

    "Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang nói về việc 'kiềm chế' Trung Quốc, liệu điều đó có dẫn tới một cuộc xung đột mới hay không? Chúng ta có cần thêm một đối thủ mới hay không?", ông nói. "Phản ứng của châu Âu hiện khá thận trọng bởi Trung Quốc đúng là một đối thủ cạnh tranh, một đối thủ mang tính hệ thống, họ có mô hình xã hội khác chúng ta, nhưng họ đồng thời là đối tác, đặc biệt trong những lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu".

    Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tuy nhiên Bắc Kinh cực lực bác bỏ.

    CDU đang dẫn trước đảng Xanh 8 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận, ba tháng trước cuộc bầu cử sẽ giúp tìm ra thủ tướng mới của Đức lần đầu tiên sau 16 năm. Nhưng rất ít khả năng CDU giành được thế đa số, vậy nên khả năng dễ xảy ra nhất là họ phải liên minh với đảng Xanh để thành lập chính phủ. Đảng Xanh cũng đặt ra đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong tuyên ngôn được công bố hồi tuần trước.

    "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi vi phạm nhân quyền như ở Tân Cương hay Tây Tạng, và ngày càng tăng ở Hong Kong", tuyên ngôn của đảng Xanh nhấn mạnh.

    Đặc biệt, tuyên ngôn của hai đảng cũng như phát biểu của Laschet đều mô tả Trung Quốc giống lập trường của Liên minh châu Âu (EU), theo đó Bắc Kinh được coi là "một đối thủ cạnh tranh, đối tác hợp tác lẫn đối thủ mang tính hệ thống".

    Roland Freudenstein, giám đốc chính sách tại Trung tâm Martens, viện nghiên cứu của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị EU mà CDU trực thuộc, nhận định sự thay đổi ngôn ngữ của đảng là "đáng chú ý", song ông lại quan tâm hơn tới tình trạng thiếu kết nối giữa CDU và ứng viên thủ tướng.

    "Giọng điệu này là mới. Họ chưa bao giờ nói nhiều về Trung Quốc trước đây và những gì họ nói hiện tại khá phù hợp với các thông điệp mà EPP đã đưa ra tại Nghị viện châu Âu. Tôi nghĩ rằng có một thay đổi trong triển vọng chính sách đối ngoại vượt ra khỏi lựa chọn của đảng về ứng viên thủ tướng", Freudenstein nhận xét.

    Trong hai thập kỷ lãnh đạo CDU, Thủ tướng Merkel đã thúc đẩy quan hệ thương mại bùng nổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nội bộ CDU đang xuất hiện những lời kêu gọi cứng rắn hơn với Trung Quốc do mối lo lắng về những khoản đầu tư gây tranh cãi của Bắc Kinh, sự phụ thuộc của Đức vào nguồn tiền từ Trung Quốc cùng các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

    Theo Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, bản tuyên ngôn mới nhất cho thấy "một bộ phận CDU rất hoài nghi" Trung Quốc cũng như tham vọng quyền lực của Bắc Kinh trên khắp thế giới.

    "Ngôn ngữ trong bản tuyên ngôn rất kiên quyết về việc đối đầu với Trung Quốc và hợp tác với những đối tác cùng chí hướng. Nó cho thấy CDU khá đồng lòng về vấn đề này, nhưng ứng viên Laschet lại không đứng về phía họ", Benner đánh giá. "Tôi nghĩ ông ấy không hoàn toàn tin tưởng vào chương trình nghị sự của đảng mình đối với Trung Quốc bởi điều ông ấy chia sẻ trong cuộc phỏng vấn rất khác biệt".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dang-cua-ba-merkel-chia-re-vi-trung-quoc-4297926.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ