Dự luật kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế: Bước lùi cần thiết?
Nguồn: Getty Images/iStockphoto
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế sẽ khiến lượng đối tượng này sụt giảm, gây tổn thất đáng kể về doanh thu và việc làm, bao gồm cả những tác động lan tỏa nói chung lên nền kinh tế quốc gia này.
Kiểm soát số lượng sinh viên quốc tế
Phân tích của các nhà kinh tế tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho thấy, sinh viên quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của Australia trong năm qua. Một nửa trong số mức tăng trưởng 1,5% GDP của Australia năm 2023 là nhờ đóng góp của sinh viên quốc tế, phần còn lại là do phục hồi kinh tế.
Năm 2023, số lượng sinh viên quốc tế đến Australia đã tăng lên hơn 640.000 người, vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Điều này mang lại nguồn thu nhập 48 tỷ AUD (khoảng 32 tỷ USD) và 200.000 việc làm cho nền kinh tế Australia, biến nó thành ngành xuất khẩu lớn thứ tư của quốc gia này. Dữ liệu của Cơ quan Thống Kê Australia (ABS) cho thấy, sự trở lại của sinh viên quốc tế giúp ổn định thị trường lao động.
Tuy nhiên, sự gia tăng này được cho làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở trên toàn quốc, cũng như một số câu hỏi về chất lượng dịch vụ do các tổ chức giáo dục đại học mà Australia cung cấp. Một số ý kiến cho rằng, số lượng sinh viên quốc tế quá cao đã khiến các trường đại học hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và tập trung vào lợi nhuận thay vì chất lượng giảng dạy. Nhu cầu thuê nhà tăng cao đẩy giá nhà thuê lên ngưỡng “không tưởng” và xuất hiện tình trạng thiếu chỗ ở.
Trước tình trạng này, Chính phủ Australia đã tìm cách kiềm chế bớt bằng cách nhắm trực tiếp vào lĩnh vực giáo dục quốc tế. Ngay trước khi công bố Ngân sách liên bang vào tháng 5.2024, quốc gia này cũng đã công bố kế hoạch giới hạn tuyển sinh viên quốc tế (hay còn được hiểu là áp mức trần sinh viên quốc tế) - một trong những biện pháp bổ sung cùng với những thay đổi về chính sách nhập cư gần đây mà quốc gia này đang theo đuổi, với mục đích đưa số lượng sinh viên trở lại ngưỡng mục tiêu của chính phủ. Các nhà chức trách cho rằng, biện pháp này sẽ đảo ngược dòng sinh viên nước ngoài đến Australia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đưa ra những thay đổi liên quan tới thị thực sinh viên. Hệ thống di trú cho sinh viên đến Australia đã có những thay đổi đáng kể trong năm qua và điều này làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Kể từ năm 2023, Chính phủ Australia đã đưa ra 9 thay đổi chính sách di cư lớn ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế trước đây và sau này, với 10 thay đổi được dự báo sẽ áp dụng vào cuối năm 2024.
Theo đó, để có được thị thực, sinh viên dự định sang Australia du học cần phải đáp ứng trình độ tiếng Anh cao hơn và có khoản tiết kiệm lớn hơn để trang trải chi phí trong thời gian lưu trú tại Australia. Chính phủ Australia cũng đã đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn những sinh viên “không chính thức” đến Australia để làm việc thay vì học tập. Lệ phí xin thị thực cũng tăng gấp đôi lên 1.600 AUD (1.037 USD), điều này sẽ chuyển hướng nhu cầu của sinh viên sang các quốc gia khác.
Những thay đổi tiếp theo đồng nghĩa với việc các sinh viên sau khi tốt nghiệp có ít thời gian ở lại Australia hơn. Chính phủ Australia cũng đã ngừng cấp thị thực tạm thời cho sinh viên quốc tế trên 35 tuổi và bãi bỏ thời hạn gia hạn 2 năm của loại thị thực này.
Tác động tiêu cực tới ngành giáo dục
Dự luật sửa đổi ESOS năm 2024 đã được trình lên Quốc hội vào hồi tháng 5, và một trong những chi tiết trong dự luật vấp phải nhiều sự phản đối và tranh cãi nhất từ các trường đại học, các nhà kinh doanh giáo dục cũng như nhiều chính trị gia, là đề xuất giới hạn tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Phó Hiệu trưởng Đại học Melbourne, Giáo sư Duncan Maskell cho biết, đề xuất này sẽ gây hại cho sinh viên trong nước và quốc tế, cũng như gây nguy hiểm cho danh tiếng và tính bền vững của ngành.
Nếu văn kiện được thông qua, Bộ trưởng Giáo dục Australia sẽ được trao quyền giới hạn số lượng sinh viên quốc tế căn cứ theo từng nhà cung cấp dịch vụ giáo dục, dựa trên tiêu chí về quy mô trường và khóa học. Từ ngày 1.1.2025, những áp đặt về số lượng cấp thị thực sẽ áp dụng cho sinh viên quốc tế mới và lượng sinh viên hiện đang học tập ở Australia sẽ được tính vào những năm tiếp theo.
Ảnh hưởng kinh tế
Các chuyên gia nhận định rằng, cách tiếp cận không thể đoán trước và không hiệu quả này có khả năng làm giảm số lượng tuyển sinh của sinh viên quốc tế nhiều hơn dự kiến, dẫn đến mất thu nhập đáng kể, cắt giảm việc làm và tình trạng hủy khóa học sớm vào năm 2025.
Khoảng 1.500 cơ sở giáo dục, nơi cung cấp hơn 25.000 khóa học tại 3.900 địa điểm trên toàn Australia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các trường đại học Australia đã cảnh báo về tình trạng mất việc làm hàng loạt nếu chính phủ hành động quá nhanh trong việc áp đặt giới hạn số lượng sinh viên quốc tế. Một số cơ quan trong ngành gọi chính sách được đề xuất là “sự vượt quá giới hạn của bộ trưởng” chưa từng có.
Hơn nữa, việc áp mức trần có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với GDP của Australia. Vào năm 2023, chi tiêu của sinh viên quốc tế chiếm hơn một nửa tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Điều này có nghĩa là việc cắt giảm nguồn thu này có thể gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế nói chung tại thời điểm nền kinh tế đã trải qua sự tăng trưởng chậm lại.
Giám đốc điều hành của Universities Australia Luke Sheehy cho biết, số lượng thị thực du học được cấp trong năm tài chính vừa qua đã giảm 23%, tương đương gần 60 ngàn sinh viên. Đây là một con số lớn, gây thiệt hại 4,3 tỷ AUD (2,9 tỷ USD) cho nền kinh tế và có thể khiến riêng lĩnh vực đại học mất hơn 14 ngàn việc làm, chưa kể đến tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào sinh viên quốc tế.
Một số cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, Cơ quan quản lý giáo dục đại học và Bộ Nội vụ (cơ quan quản lý thị thực sinh viên) đã công khai bày tỏ “những trăn trở” và cho rằng, các giới hạn sinh viên quốc tế được đề xuất gây ra mối đe dọa đáng kể đối với ngành giáo dục đại học của Australia, nền kinh tế và vị thế toàn cầu của quốc gia này như một điểm đến giáo dục hàng đầu.
Các trường đại học lớn như Đại học Melbourne và Đại học Mornash đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét lại các giới hạn này, hướng tới các biện pháp bảo vệ tính toàn vẹn và tính bền vững của giáo dục quốc tế, bảo đảm rằng giáo dục quốc tế tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Australia.
Cần thêm thời gian
Theo The Converstation, giữa tất cả những thay đổi này và sự gián đoạn có thể xảy ra do việc áp đặt mức trần, Australia đang bỏ lỡ một phần quan trọng trong mảnh ghép. Chính phủ Australia nên công bố mục tiêu cấp thị thực du học để làm cơ sở cho chính sách hạn chế của mình; sau đó xem xét liệu đơn xin thị thực du học và các đơn đã được cấp thị thực cho phần còn lại của năm 2024 và học kỳ đầu tiên của năm 2025 có giúp Australia đạt được mục tiêu hay không.
Trường hợp chưa đạt được mục tiêu, Australia mới cần tính đến việc đưa trở lại chương trình nghị sự chính sách liên quan đến việc áp đặt mức trần theo từng nhà cung cấp dịch vụ giáo dục. Việc thúc đẩy mức trần vào thời điểm hiện tại có nguy cơ gây tổn hại lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và số sinh viên đăng ký theo học tại những cơ sở này.
Trung tâm Nghiên cứu về di cư của Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận định rằng, vẫn còn nhiều lý do cho thấy việc Chính phủ Australia đưa ra giới hạn số lượng sinh viên quốc tế là một ý tưởng không phù hợp. Chính phủ sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn mức cần thiết để đạt được các mục tiêu chính sách của mình, khiến “giấc mơ” được học tập tại Australia của nhiều người bị sụp đổ, gây tổn hại đến danh tiếng của đất nước.
Hiện tại, Chính phủ Australia chưa có kế hoạch nào nhằm giới hạn số lượng sinh viên học các trường phổ thông hoặc các cơ sở nghiên cứu. Trọng tâm của “mức trần” năm 2025 sẽ là các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục (không tính các trường phổ thông) ở Sydney, Melbourne và Brisbane vì đây là những thành phố tập trung đông sinh viên quốc tế.
Article sourced from Converstation.