Du học sinh - "Đi không được, ở không xong"
Một cuộc khảo sát tại xứ sở chuột túi được thực hiện vào tháng 7 với hơn 5.000 du học sinh cho thấy 70% trong số đó đang chật vật với vấn đề tài chính.
Nhiều sinh viên ngoại quốc đang sống ở Australia không thể trả nổi tiền thuê nhà, phí sinh hoạt và cũng không đủ điều kiện để nhận phúc lợi xã hội. Hơn 1/3 trong số này đang sống dựa vào gói hỗ trợ khẩn cấp của các tổ chức từ thiện.
Trong một báo cáo về tình hình của người nước ngoài tại Australia trong dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu đến từ ĐH New South Wales, ĐH Công nghệ Sydney (UTS) cho biết 1/5 số người tham gia khảo sát nói rằng họ không thể trở về quê nhà vì các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, biên giới giữa các quốc gia đang trong tình trạng đóng cửa hoặc không có khả năng mua vé.
“Tình hình đang xấu đi nhanh chóng với nhiều sinh viên quốc tế khi họ có nguy cơ hết tiền vào tháng tới”, Laurie Berg, PGS tại ĐH Công nghệ Sydney, nói.
Có hơn 500.000 sinh viên quốc tế ở Australia, nhiều người trong số đó đã mất việc vì đại dịch, theo ABC News.
"Đi không được, ở không xong"
Lili Alzate (29 tuổi, đến từ Colombia), được cấp visa sau tốt nghiệp, đã ở nhà suốt nhiều tháng nay vì mất 3 công việc liên tiếp trong lĩnh vực khách sạn. Gần đây, Alzate được thuê làm nhân viên dọn dẹp, còn chồng cô thì phải vận chuyển đồ ăn để kiếm sống.
“Công việc đó rất không ổn định. Chồng tôi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Tài chính ngân hàng tại ĐH Macquarie nhưng không tìm được việc làm trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã mua vé máy bay về Colombia vào ngày 2/5 nhưng bị hủy ngay sau đó và phải ở lại đây", Alzate chia sẻ.
Gần một nửa số người được hỏi cho hay kể từ khi đại dịch bùng phát, họ sợ trở thành người vô gia cư. Khoảng 14% sinh viên quốc tế đã mất chỗ ở. Một số khác đang ngủ nhờ nhà của bạn bè, trong khuôn viên trường học, xe hơi.
Nhiều du học sinh không thể mua thức ăn, trả tiền thuốc men hoặc đi khám bác sĩ. Họ cũng không thể cầu cứu ai khác vì gia đình tại quê nhà cũng đang gặp khó khăn tương tự.
Nhiều du học sinh lâm vào tình trạng khó khăn. Ảnh: Reuters.
Tình hình tài chính sẽ trở nên căng thẳng hơn khi khoản tiết kiệm của 30% sinh viên sẽ cạn kiệt vào tháng 10.
Ngoài vấn đề tiền bạc, 1/4 số người trong cuộc khảo sát nói rằng họ từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và bị xua đuổi vì ngoại hình.
“Hơn 1.600 người đang phải đối mặt với những lời miệt thị, bị đối xử bất công như thể họ là bệnh nhân nhiễm Covid-19 vì vẻ ngoài châu Á và đeo khẩu trang", PGS Bassina Farbenblum, hiện công tác tại ĐH New South Wales, bày tỏ.
Trông chờ vào các khoản hỗ trợ
Phil Honeywood, giám đốc điều hành của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế, cho rằng các biện pháp như hỗ trợ tài chính, bữa ăn cộng đồng hay giảm tiền thuê nhà không còn đáp ứng được nhu cầu của du học sinh. Chính phủ nước này cần đưa ra những gói trợ cấp toàn diện hơn.
Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Anne Ruston tuyên bố chính phủ đã cung cấp 13 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Australia để giúp đỡ các trường hợp khó khăn.
Tính đến ngày 4/9, khoản tài trợ đó đã hỗ trợ hơn 21.000 du học sinh và gia đình của họ để giải quyết các vấn đề như thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, chỗ ở, y tế.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu mới của sinh viên quốc tế và người di cư”, bà Ruston nói.
Theo The Sydney Morning Herald, chính phủ Australia nên có thêm các biện pháp hỗ trợ khác cho du học sinh.
Sean Stimson, luật sư tư vấn của Redfern Legal Centre, cho hay ngoài xin lời khuyên pháp lý, nhiều khách hàng của anh còn yêu cầu giới thiệu các dịch vụ lưu trú và cứu trợ thực phẩm trong thời gian khủng hoảng.
"Chúng tôi hoan nghênh việc chính quyền các bang đưa ra nhiều gói trợ cấp Covid-19 cho người nước ngoài, bao gồm cả chương trình tìm nơi ở", Stimson nói.
Theo Phó thủ tướng John Barilaro, các nhà chức trách tại New South Wales đã công bố sẽ “rót” hơn 20 triệu USD để hỗ trợ sinh viên ngoại quốc trong đại dịch.
Việc học bị gián đoạn
Trước đó vào tháng 4, chính phủ Australia khiến nhiều người hoang mang khi Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo khách du lịch và du học sinh nên sớm về nước nếu không đủ khả năng trang trải chi phí, theo ABC News. Đồng thời, ông cũng tuyên bố Australia sẽ không hỗ trợ cho những trường hợp này.
“Vào lúc này, Australia cần phải tập trung vào công dân của mình. Trọng tâm và ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ người dân với những tiềm lực kinh tế hiện có. Tất cả sinh viên đến Australia đều phải đảm bảo rằng họ có thể tự trang trải cho bản thân trong 12 tháng đầu tiên của chương trình học. Nếu không đủ khả năng xoay xở cuộc sống tại đây, họ nên trở về nước", ông Morrison phát biểu.
Quyết định này khiến hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế mắc kẹt ở Australia phải đấu tranh để tồn tại khi tình hình đại dịch trở nên tồi tệ hơn và các nguồn thu nhập bị cắt bỏ.
Hàng trăm người xếp hàng trên lối đi bộ của Flinders Lane nhận bữa ăn miễn phí. Ảnh: The Guardian.
Tiyon (43 tuổi), sống ở ngoại ô phía bắc Melbourne cùng vợ và hai đứa con, đang theo học khóa thạc sĩ ngành Quản lý tài chính với mức học phí là 35.000 USD/năm.
Cả gia đình người Indonesia sống nhờ nghề dọn dẹp cộng với thu nhập từ công việc toàn thời gian của người vợ. Tuy nhiên, vì đại dịch, vợ Tiyon bị mất việc. Anh vừa đi làm thêm vừa học nhưng tiền vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt.
Giống như những du học sinh khác, Tiyon cũng nhận được phần cứu trợ thực phẩm từ các nhóm từ thiện địa phương. Ngoài ra, anh đang tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ Hội Chữ thập đỏ.
Alan Chong (39 tuổi, người Brunei) cho biết số người xếp hàng để nhận các bữa ăn miễn phí tại nhà hàng của anh tăng lên mỗi tuần.
“Tôi có một vài nhân viên là du học sinh và rất tiếc phải để họ nghỉ việc vì lệnh của chính phủ. Tôi thấy có lỗi vì không thể duy trì việc làm cho họ trong thời kỳ khó khăn này”, Chong chia sẻ.
Article sourced from Zing.