Úc từ chối tham gia hiệp ước phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế

04:22' 21-11-2024
Ngày 19/11, chính phủ liên bang Australia đã quyết định không tham gia một hiệp ước do Anh và Mỹ khởi xướng nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, với lý do công nghệ này không phù hợp với tình hình trong nước.


    Hình minh họa. Ảnh: abc.net.au

    Quyết định được quyền Thủ tướng Richard Marles công bố sau khi có thông tin cho rằng Australia "được kỳ vọng" sẽ tham gia thỏa thuận này tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP29 ở Baku.

    Phát biểu trước quốc hội, ông Marles nhấn mạnh: “Đối với Australia, lựa chọn phát triển năng lượng hạt nhân sẽ là phương án sản xuất điện đắt đỏ nhất trên hành tinh. Vì chúng ta không có ngành công nghiệp hạt nhân dân sự, hiệp ước này không áp dụng đối với chúng ta.”

    Hiệp ước do Anh và Mỹ khởi xướng nhằm mục tiêu tăng tốc nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân tiên tiến, hướng tới mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050. Sáng kiến này được Anh và Mỹ công bố như một phần mở rộng từ cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu ở Dubai năm ngoái.

    Quyết định của Australia đã gây tranh cãi trong nước và quốc tế. Lãnh đạo phe đối lập cũng lên tiếng chỉ trích quyết định này và gọi đây là "một sự xấu hổ trên trường quốc tế". Trong khi, Australia đang hợp tác với Anh, Mỹ trong chương trình tàu ngầm hạt nhân AUKUS, nhưng lại từ chối tham gia vào một thỏa thuận nhằm phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân.

    Hội đồng Khoáng sản Australia (MCA) cũng lên tiếng, cho rằng chính phủ Australia đã bỏ qua cơ hội hợp tác quốc tế. MCA cho rằng: “Chính phủ ưu tiên lợi ích chính trị hơn sự tiến bộ, trong khi đây là công nghệ không phát thải có thể đóng góp vào mục tiêu giảm khí thải của Australia và thế giới.”

    Tuy nhiên, chính phủ Australia vẫn giữ vững lập trường. Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek nhận định năng lượng hạt nhân là một "ảo tưởng về năng lượng", cho rằng công nghệ này sẽ mất ít nhất 20 năm để triển khai thực tế và có thể làm tăng chi phí hóa đơn điện hộ gia đình lên 1.200 AUD mỗi năm. Bà cũng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn năng lượng hạt nhân sẽ kéo dài thời gian sử dụng than đá, dẫn đến phát thải thêm 1,7 tỷ tấn khí CO2 vào bầu khí quyển.

    Trong khi đó, tại hội nghị COP29, các đồng minh như Anh tiếp tục thúc đẩy vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc chuyển đổi năng lượng sạch. Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband khẳng định: “Năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò thiết yếu trong tương lai năng lượng sạch của chúng ta.”

    Dù vậy, chính phủ Australia vẫn khẳng định rằng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ là con đường nhanh chóng, chắc chắn và tiết kiệm hơn, giúp quốc gia đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải mà không cần dựa vào năng lượng hạt nhân.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Glenroy West Primary School Vùng: Glenroy. Phone: 9306 8955
Xem thêm

Article sourced from baotintuc.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ