Drone Nga dày đặc trên chiến trường Ukraine
Rời khỏi nơi ẩn náu trong rừng, tổ vận hành lựu pháo PzH 2000 Ukraine của Lữ đoàn Pháo binh số 43 Ukraine chỉ có vài phút để khai hỏa, trước khi phải quay lại ẩn nấp ngay lập tức nhằm tránh bị phương tiện bay không người lái (drone) trinh sát Nga phát hiện.
Tình trạng "mèo vờn chuột" này đang diễn ra trên khắp các ngọn đồi và thung lũng ở mặt trận phía đông, nơi lực lượng Nga tích cực triển khai drone để săn tìm các khẩu pháo giá trị cao của Ukraine.
Quân đội Nga đang tăng cường các cuộc tấn công trên bộ dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km, gây áp lực lên những thành phố lớn cuối cùng mà Kiev còn kiểm soát ở tỉnh miền đông Donetsk.
Để chống lại đà tiến của lực lượng Nga và ngăn đối phương tiếp tục "rải thảm" đạn pháo lên phòng tuyến, quân đội Ukraine rất cần tới hỏa lực phản pháo. Tuy nhiên, pháo binh Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trước sự hiện diện thường trực của drone Nga, bao gồm cả dòng trinh sát và tự sát.
Pháo PzH 2000 của Lữ đoàn 43 Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga tại Donetsk hôm 4/5. Ảnh: Reuters
Các thành viên của Lữ đoàn 43 Ukraine, đơn vị đang tác chiến ở Donetsk, cho biết họ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ drone.
"Đối phương trước đó đã sử dụng drone để tấn công chúng tôi, nhưng không nhiều như bây giờ", chỉ huy một khẩu đội pháo PzH 2000 có biệt danh "Lyova" cho hay. "Thực sự rất đáng sợ".
Lyova cho biết đơn vị của anh đã bị máy bay không người lái (UAV) Lancet Nga tập kích 4 lần, song hầu như không có ai bị thương nhờ lớp giáp dày của mẫu pháo do Đức sản xuất.
Andriy Stavnychyi, sĩ quan cấp cao trong tổ vận hành khẩu đội pháo, thì cảm thấy đặc biệt khó chịu với các mẫu UAV trinh sát như Orlan hay dòng Supercam hiện đại hơn của Nga.
"Có những lúc chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, song không thể di chuyển vì luôn có thứ gì đó bay ở phía trên", quân nhân này cho hay.
Đối với pháo binh Ukraine, drone trinh sát giá rẻ nhiều khi là mối đe dọa lớn hơn cả các hệ thống radar phản pháo trị giá hàng triệu USD của Nga, theo Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ.
Lực lượng Ukraine hồi tháng 1 từng phá hủy hệ thống radar phản pháo hiện đại nhất của Nga, Yastreb-AV, ngay sau khi Moskva thông báo triển khai khí tài này ra chiến trường.
Để đối phó drone, các đơn vị pháo PzH 2000 của Lữ đoàn 43 thường xuyên phải thay đổi chỗ trốn, ẩn mình sâu trong các tán cây và bọc khung gỗ quanh phương tiện.
Dù vậy, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Giống như nhiều quan chức cấp cao và các đơn vị Ukraine khác, Stavnychyi kêu gọi được chuyển giao thêm hệ thống tác chiến điện tử, khí tài được ví như "sát thủ vô hình" có thể vô hiệu hóa drone giá rẻ bằng cách gây nhiễu.
Trong lúc các hệ thống tác chiến điện tử chưa được chuyển đến, Lữ đoàn 43 sẽ tiếp tục phải chơi "mèo vờn chuột" với drone Nga để tránh tổn thất. Các khí tài do phương Tây viện trợ cho Ukraine, như pháo PzH 2000 trong biên chế Lữ đoàn, bị Nga coi là mục tiêu hàng đầu.
PzH 2000 được đánh giá là một trong những tổ hợp pháo tự hành tốt nhất thế giới. Nó có tầm bắn 30-47 km với đạn thường và hơn 70 km với đạn tăng tầm. Mẫu pháo này có vận tốc tối đa 67 km/h và phạm vi hoạt động khoảng 420 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tháng trước cho biết Moskva sẽ tăng cường nhắm mục tiêu vào các kho chứa vũ khí phương Tây của Ukraine.
Lyova tiết lộ ngoài drone, lực lượng Nga còn sử dụng nhiều loại vũ khí khác để tập kích đơn vị của anh, trong đó có đạn pháo thông minh Krasnopol 152 mm được trang bị hệ thống dẫn đường bằng tia laser. Một quả đạn loại này từng bắn trúng nơi ẩn nấp của pháo PzH 2000, song nó không bị hư hại nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Lee, năng lực phản pháo của Ukraine sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng nếu mất các tổ hợp PzH 2000, tạo điều kiện để lực lượng Nga "triển khai pháo binh theo cách táo bạo hơn". "Họ có thể đưa pháo tới gần phòng tuyến của Ukraine hơn và không cần phải thay đổi vị trí thường xuyên như trước", ông cho hay.
Ngay cả khi bảo tồn thành công số pháo quý giá này, Lữ đoàn 43 hiện cũng chưa thế phát huy hết hiệu quả của chúng. Giống như nhiều đơn vị pháo binh Ukraine khác, Lữ đoàn 43 đang thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo, trong bối cảnh các lô hàng đầu tiên trong gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD mới của Mỹ dành cho Ukraine vẫn chưa tới được tiền tuyến.
Các xạ thủ pháo PzH 2000 của đơn vị cho biết họ không có đủ đạn 155 mm chuyên dụng, vốn được thiết kế để tối ưu hóa hiệu suất của khẩu pháo và giúp nó đạt tầm bắn khoảng hơn 40 km.
Pháo PzH 2000 Ukraine tác chiến hồi mùa hè năm 2022. Ảnh: Radio Svoboda
Nếu được cung cấp loại đạn tăng tầm, họ có thể nhắm mục tiêu vào các loại pháo tự hành tương tự của Nga ở xa tiền tuyến, đẩy chúng lùi sâu thêm và triệt tiêu năng lực phản pháo của đối phương.
Lyova cho biết đơn vị anh từng được trang bị đầy đủ đạn dược khi Ukraine phát động chiến dịch phản công mùa hè năm ngoái, song họ hiện khai hỏa ít hơn khi đó rất nhiều, chỉ 8-15 viên đạn pháo mỗi ngày.
Sửa chữa pháo PzH 2000 bị hỏng là thách thức khác đối với Lữ đoàn 43. Họ không có nhiều phụ tùng thay thế, trong khi hệ thống định vị của khẩu pháo thường xuyên bị trục trặc, khó khắc phục ngay trên chiến trường.
Theo Stavnychyi, một số bộ phận trong pháo PzH 2000 có thể được thay bằng linh kiện trong các mẫu pháo do Pháp và Italy sản xuất mà đơn vị vận hành.
"Dù vậy, ngay cả khi có phụ tùng thay thế và đạn pháo, thách thức từ 'lũ chim' của đối phương vẫn còn đó", anh nói, đề cập drone Nga. "Chúng tôi cần có đủ mọi thứ, gồm hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị trinh sát và đạn pháo. Khi đó tỷ lệ bắn trúng đích sẽ cao hơn nhiều".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-meo-von-chuot-giua-phao-binh-va-drone-tai-ukraine-4744518.html