Đóng góp của quân đội trong cuộc chiến chống Covid-19 ở nhiều quốc gia
Phạm vi hỗ trợ cụ thể của quân đội đối với công tác ứng phó Covid-19 khác nhau giữa các quốc gia và giữa các giai đoạn của cuộc khủng hoảng. Vào giai đoạn đầu, nhiều nước đã sử dụng máy bay quân sự để hồi hương công dân từ những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch. Hoạt động này sau đó được mở rộng, giúp hồi hương các công dân bị mắc kẹt trong bối cảnh biên giới đóng cửa và ngành hàng không tạm ngừng.
Khi trọng tâm dần chuyển sang hỗ trợ phản ứng trong nước, một số lực lượng quân đội đã tiến hành các hoạt động giữ trật tự công cộng, đảm bảo công chúng tuân thủ những biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội nghiêm ngặt mà hầu như mọi quốc gia đều áp dụng, với mục tiêu giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng.
Hồi đầu tháng, quân đội Australia triển khai 300 binh sĩ không vũ trang đến bang New South Wales, nhằm phối hợp với cảnh sát địa phương thực thi lệnh phong tỏa ở thành phố Sydney và các vùng lân cận. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra các hộ gia đình, bảo đảm cư dân tuân thủ quy định ở trong nhà, hạn chế ra đường.
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ của quân đội trong thực thi lệnh hạn chế vì một bộ phận nhỏ cư dân nghĩ rằng các quy định không áp dụng cho họ", lãnh đạo cảnh sát bang New South Wales David Elliott cho hay. Lệnh phong tỏa tại Sydney dự kiến kéo dài đến ngày 28/8 do số ca nhiễm nCoV vẫn tiếp tục tăng cao.
Binh sĩ Australia hỗ trợ người dân tại một điểm tiêm chủng Covid-19 ở thành phố Sydney hôm 18/8. Ảnh: AP.
Ngoài thực thi các biện pháp hạn chế, quân đội các nước đã triển khai lực lượng hậu cần để hỗ trợ mua sắm, sản xuất, bảo quản, vận chuyển, phân phối những vật tư thiết yếu, bao gồm đồ bảo hộ cá nhân, máy thở và oxy. Nhiều đơn vị quân đội còn đảm nhiệm những công việc mới như xét nghiệm nCoV lưu động, sàng lọc bệnh nhân tại các bệnh viện.
Thêm vào đó, quân đội của mọi quốc gia đều có lực lượng quân y, giúp tăng cường phản ứng y tế khi xảy ra khủng hoảng trong nước. Lực lượng này đã được triển khai nhanh chóng tại các nước khi số ca nhiễm nCoV gia tăng, như tàu bệnh viện của Mỹ từng được điều đến New York, hay những đơn vị của Pháp tại Mulhouse, tỉnh Haut-Rhin, tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở nước này.
Ngay từ khi Covid-19 mới khởi phát tại thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, quân đội nước này đã chứng minh vai trò nổi bật trong công tác chống dịch, một phần được cho là bởi Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần chung của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đóng tại Vũ Hán.
Ít nhất 10.000 quân y đã được huy động để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Hồ Bắc, bao gồm lực lượng cứu trợ được triển khai thành nhiều đợt kể từ cuối tháng 1/2020. Quân đội Trung Quốc còn chịu trách nhiệm cung cấp thuốc cho các bệnh viện, chuyển thực phẩm cho những người dân địa phương nằm trong vòng phong tỏa.
Các trực thăng của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung tâm cũng sẵn sàng tiến hành hoạt động không vận. Trong khi đó, những chuyên gia từ Học viện Khoa học Quân y của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã có mặt tại Vũ Hán từ tháng 1/2020, với nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phát triển vaccine Covid-19.
Tại Hàn Quốc, nơi từng là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và sau này trở thành một hình mẫu chống Covid-19, quân đội cũng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong quá trình kiểm soát đại dịch. Bộ chỉ huy Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân Hàn Quốc là tiền tuyến ban đầu giúp khử trùng các bệnh viện và những cơ sở khác tại Daegu, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Covid-19 mới bùng phát ở Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc còn đóng góp thêm nhân viên y tế và thiết bị điều trị cho các bệnh nhân. Một trường hợp đáng chú ý khác là sau khi các chuyến bay thương mại với Myanmar bị tạm ngừng từ giữa tháng 3/2020, hai vận tải cơ C-130J đã được điều đến quốc gia Đông Nam Á để thu thập đồ bảo hộ cá nhân do một nhà máy thuộc sở hữu của Hàn Quốc tại đây sản xuất.
Tại Anh, Bộ Quốc phòng nước này hồi tháng một cho biết phản ứng của quân đội với Covid-19 đã trở thành chiến dịch quân sự trong nước lớn chưa từng có trong thời bình, với hơn 5.000 quân nhân tham gia.
Họ giúp Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, xét nghiệm diện rộng và những hoạt động hậu cần khác. Các chuyên gia lập kế hoạch của quân đội hỗ trợ chính quyền địa phương và những dịch vụ khẩn cấp, trong khi các nhà khoa học từ Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng trực tiếp giúp đỡ hoạt động y tế cộng đồng.
Quân đội Ấn Độ, quốc gia phải trải qua làn sóng đại dịch thứ hai đầy thảm khốc, hồi đầu tháng 5 cũng thành lập Đơn vị Quản lý Covid-19 do Phó tham mưu trưởng Lục quân nước này trực tiếp giám sát, nhằm điều phối các hoạt động hỗ trợ nhân sự và hậu cần, phối hợp với những cơ quan dân sự liên quan.
Trong đợt bùng phát nghiêm trọng này, quân đội Ấn Độ được đánh giá đóng vai trò tiền tuyến chống dịch, khi triển khai nguồn lực y tế đáng kể để hỗ trợ chính quyền dân sự, đặc biệt tại 5 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 ở các thành phố New Delhi, Ahmedabad, Lucknow, Varanasi và Patna.
Hàng trăm quân y từ các lực lượng vũ trang đã được triển khai đến những cơ sở điều trị Covid-19 do Bộ Quốc phòng Ấn Độ điều hành trên khắp đất nước. Các lực lượng vũ trang cũng bổ nhiệm những sĩ quan quân y cấp cao phụ trách những cơ sở này. Họ phụ trách duy trì liên lạc với những đối tác trong chính quyền các bang để đảm bảo hoạt động diễn ra trơn tru.
Tiến sĩ Euan Graham, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, cho rằng quân đội không phải lúc nào cũng phù hợp để hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp dân sự, nhưng lực lượng này giúp mang lại những khả năng quan trọng, bao gồm lên kế hoạch xử lý khủng hoảng, chỉ đạo và kiểm soát, hỗ trợ hậu cần và y tế chuyên khoa.
Trong khi đó, Martin Bricknell, giáo sư về xung đột, y tế và quân y tại Đại học King ở London, đánh giá cách các nước khắp thế giới tận dụng những khả năng của quân đội để hỗ trợ phản ứng với Covid-19, thường với tốc độ nhanh và dưới áp lực lớn, đã chứng minh tầm quan trọng của lực lượng này trong quá trình xử lý những cuộc khủng hoảng quốc gia.
"Những nguồn lực bổ sung và sự hỗ trợ của quân đội khắp thế giới cho thấy tầm quan trọng của việc coi hệ thống y tế quân đội là một phần trong nền kinh tế sức khỏe của đất nước", Bricknell nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cach-quan-doi-cac-nuoc-ho-tro-cuoc-chien-chong-covid-19-4345064.html