Điều gì sẽ xảy ra với Dải Gaza một khi Hamas bị 'xóa sổ' bằng vũ lực?

16:00' 18-10-2023
Israel quyết tâm mở chiến dịch tấn công lớn để xóa sổ Hamas, nhưng chưa trả lời được câu hỏi về tương lai của Dải Gaza hậu xung đột.


    Nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza để "hủy diệt" nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas sắp xảy ra khi hàng trăm xe tăng, hàng chục nghìn binh sĩ cùng các khẩu đội pháo binh được triển khai bao vây vùng đất này. Họ yêu cầu khoảng 1,1 triệu dân thường sống ở miền bắc Gaza sơ tán xuống phía nam để đảm bảo an toàn khi chiến dịch sắp nổ ra.

    "Chúng tôi sẽ lật đổ sự cai trị của Hamas, xóa sổ năng lực quân sự của nhóm. Chúng tôi sẽ đảm bảo mối đe dọa này không còn hiện hữu ở biên giới của mình. Chiến dịch sẽ kéo dài, có đổ máu, song kết quả sẽ trường tồn", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Tel Aviv ngày 13/10.

    Tuy nhiên, các lãnh đạo Israel tới nay vẫn chưa đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho một vấn đề quan trọng khác: Điều gì sẽ xảy ra với Dải Gaza một khi Hamas bị "xóa sổ" bằng vũ lực.

    Khi cả đất nước Israel sục sôi ý chí báo thù sau chiến dịch đột kích đẫm máu của Hamas ngày 7/10, những cái đầu nóng dường như đang ưu tiên tìm cách trừng phạt nhóm chiến binh mà không quan tâm tìm hiểu những gì có thể xảy ra sau đó, theo giới quan sát.

    "Tôi không quan tâm. Điều quan trọng hiện tại là hành động và giải quyết vấn đề. Sau đó, chúng tôi có thể quyết định làm gì tiếp theo", Jacob Nagel, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói. "Tôi thường nói cần suy nghĩ trước khi hành động, nhưng những gì xảy ra cuối tuần trước đã thay đổi tất cả quy tắc".

    Nhiều lãnh đạo chính trị và quân sự Israel có chung quan điểm này.

    Thành phố Gaza đổ nát sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AP

    Thành phố Gaza đổ nát sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AP

    Một quan chức Mỹ cho hay các lãnh đạo Israel những ngày qua hầu như không thảo luận về tương lai của Dải Gaza hậu Hamas. Người này cho rằng Tel Aviv cần suy nghĩ thấu đáo về hậu quả lâu dài của một chiến dịch tấn công và không lao vào cuộc chiến mà không có chiến lược rút lui.

    "Họ không có kế hoạch nào. Nếu họ hủy diệt Hamas, ai sẽ lấp khoảng trống? Bạn xóa sổ al Qaeda và IS xuất hiện. Vậy nếu bạn khiến Hamas biến mất, tổ chức Hamas 2.0 sẽ trỗi dậy", quan chức Mỹ nói.

    Israel từng trải qua 4 cuộc chiến với Hamas kể từ khi nhóm chiến binh kiểm soát Dải Gaza năm 2007. Tuy nhiên, cuộc chiến lần này sẽ khác, theo Margherita Stancati và Dion Nissenbaum, hai nhà phân tích của WSJ.

    Trong những lần đụng độ trước đây, Israel không tìm cách giành chiến thắng quyết định ở Gaza. Israel coi Hamas là kẻ thù nguy hiểm ở biên giới phía nam mà họ không thể xóa sổ, vì lo ngại những hậu quả nghiêm trọng hơn.

    Trong suốt 16 năm Hamas kiểm soát Gaza, các lãnh đạo Israel đã thừa nhận tình thế "hòa hoãn bất đắc dĩ" với Hamas. Tel Aviv tin rằng khi Hamas mạnh lên về chính trị và chịu trách nhiệm ngày càng lớn trong cai quản Gaza, họ sẽ dần rời xa mục tiêu "hủy diệt" Israel. Họ cũng cho phép Qatar và các nước trong khu vực rót hàng tỷ USD vào Gaza để đảm bảo những cư dân ở đây có thực phẩm, nước sạch và năng lượng.

    Mỗi khi Hamas tổ chức các đợt tập kích bằng rocket hay xâm nhập quy mô nhỏ, Israel đáp trả bằng các cuộc không kích trừng phạt, với mục tiêu ngăn chặn và làm suy yếu khả năng nhóm này tổ chức các cuộc tấn công trong tương lai. Giới chức Israel gọi đây là chiến lược "xén cỏ", giảm bớt rắc rối từ Hamas mà không chạm đến gốc rễ của vấn đề. Các lãnh đạo Israel, bất kể quan điểm chính trị, đều chấp nhận cách tiếp cận này, khi họ có rất ít lựa chọn thay thế tốt hơn.

    Nhưng chiến dịch đột kích của Hamas vào Israel khiến hơn 1.300 người chết đã thay đổi điều đó. Quyết định "hủy diệt" Hamas được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các an ninh quốc gia đưa ra gần như ngay lập tức sau cuộc tấn công của nhóm này.

    Giới chuyên gia cho rằng Israel sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro trong chiến dịch tấn công trên bộ nhắm vào Dải Gaza, nhưng nhiều khả năng họ sẽ giành chiến thắng, bởi quân đội nước này sở hữu sức mạnh áp đảo so với Hamas.

    Nếu Hamas bị lật đổ, một trong những lựa chọn với Israel là triển khai lực lượng đồn trú để tái kiểm soát Gaza, như từng làm năm 2005.

    Quân đội Israel từng chiếm đóng Dải Gaza trong nhiều thập kỷ sau khi kiểm soát vùng đất này từ Ai Cập trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Nhưng đối mặt với làn sóng phản kháng dữ dội của người Palestine cũng như áp lực trong nước và quốc tế, Israel từ bỏ kiểm soát Dải Gaza, rút toàn bộ binh sĩ cùng hơn 8.000 người định cư khỏi khu vực này năm 2005.

    Giờ đây, Israel nhiều khả năng không muốn đi vào "vết xe đổ" đó. "Chúng tôi không muốn chiếm đóng Gaza. Đó là điều chắc chắn", Nagel nói. Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog hôm 15/10 cũng tuyên bố nước này "không có mong muốn" chiếm đóng Dải Gaza.

    Michael Milshtein, chuyên gia về các vấn đề Palestine tại Đại học Tel Aviv, cho rằng nếu triển khai quân đồn trú và chiếm đóng, Israel sẽ phải chịu trách nhiệm cho thêm 2,2 triệu người, trong đó chủ yếu là dân nghèo.

    "Chúng tôi sẽ vấp phải rất nhiều kháng cự. Tôi không nghĩ Israel muốn điều đó", Milshtein nói.

    Người dân Palestine rời thành phố Gaza ngày 13/10 sau cảnh báo của Israel. Ảnh: AFP

    Người dân Palestine rời thành phố Gaza ngày 13/10 sau cảnh báo của Israel. Ảnh: AFP

    Một lựa chọn khác cho Israel là đánh bại Hamas trong một chiến dịch chớp nhoáng, sau đó rút quân khỏi Gaza, để người Palestine tự xác định tương lai. Nhưng lựa chọn này đi kèm một số thách thức, bởi nó có thể mở đường cho những lực lượng cực đoan hơn tìm cách lấp khoảng trống quyền lực mà Hamas để lại.

    Theo kịch bản này, "Israel sẽ tự tách khỏi Gaza và không chịu trách nhiệm với dải đất này. Chúng tôi sẽ không còn cung cấp mọi thứ cho người dân Palestine ở Gaza. Họ sẽ phải tự lo liệu. Israel khi đó chỉ có duy nhất một mối quan tâm ở Dải Gaza là ngăn bất kỳ bên nào có ý định xây dựng sức mạnh quân sự tại đó", Yaakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nói.

    Tuy nhiên, luật pháp quốc tế yêu cầu Israel vẫn có trách nhiệm với Dải Gaza. Họ có thể đối mặt làn sóng chỉ trích lớn nếu cố tình từ bỏ nghĩa vụ cung cấp thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người dân Palestine ở đây.

    Kịch bản thứ ba sẽ là Israel mở đường cho Chính quyền Palestine ở Bờ Tây quay lại kiểm soát Gaza.

    "Lựa chọn này có lợi cho Israel. Chính quyền Palestine kiểm soát 2,2 triệu dân sẽ tốt hơn nhiều binh lính của chúng tôi. Israel không muốn kiểm soát lãnh thổ này. Tất cả những gì chúng tôi muốn là sự yên ổn cho người dân", Kobi Marom, đại tá về hưu kiêm cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho hay.

    Chính quyền Palestine được thành lập năm 1994 theo Hiệp định Oslo giữa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và chính phủ Israel. Họ từng quản lý cả Dải Gaza và Bờ Tây, trước khi Hamas trỗi dậy và có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Dải Gaza.

    Năm 2007, Hamas lật đổ Chính quyền Palestine do phong trào Fatah lãnh đạo và giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza. Chính quyền Palestine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas, 87 tuổi, giờ đây chỉ quản lý Bờ Tây cách đó hơn 80 km.

    Tuy nhiên, Chính quyền Palestine nhiều khả năng sẽ đối mặt với thách thức rất lớn nếu quay lại Dải Gaza, sau 16 năm vắng bóng ở vùng đất này. Yair Lapid, cựu thủ tướng Israel và hiện là lãnh đạo phe đối lập, ngày 14/10 nói rằng "cộng đồng quốc tế" có thể phải giúp Chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza trong ngắn hạn sau khi Hamas bị lật đổ.

    "Một trong những điều chúng tôi học được là bạn không nên tiến hành chiến dịch quân sự mà không có đường lui rõ ràng. Chiến lược rút lui theo quan điểm của tôi là tìm cách đưa Chính quyền Palestine trở lại Gaza", ông nói.

    Triển khai lực lượng hòa bình quốc tế kiểm soát Dải Gaza, ít nhất trong ngắn hạn, cũng có thể là một lựa chọn hậu Hamas, theo giới quan sát. Song hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ sẵn sàng cam kết gửi lực lượng quân đội giúp ổn định Dải Gaza bị tàn phá sau xung đột.

    Cục diện chiến sự Hamas - Israel. Đồ họa: CNN

    Cục diện chiến sự Hamas - Israel. Đồ họa: CNN

    Ngoài ra, các nhà phân tích không loại trừ kịch bản tình hình nhân đạo ở Dải Gaza sau xung đột tồi tệ tới mức người dân Palestine sẽ ồ ạt chạy sang nước láng giềng Ai Cập xin tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn trong khu vực.

    Cả Ai Cập và Hamas đều không muốn người Palestine rời khỏi Gaza. Nhiều người Palestine ở dải đất này cũng lo sợ nếu rời đi, họ không còn cơ hội trở về.

    Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nhấn mạnh Tel Aviv không muốn đuổi người dân Palestine khỏi Dải Gaza. "Chúng tôi không thể buộc họ rời đi. Nếu họ muốn, chúng tôi sẽ giúp. Tôi đảm bảo rằng không ai phải khóc nếu tới Israel", ông nói.

    Nhưng chưa lãnh đạo Israel nào tới nay nói rõ họ có thể giúp được người dân Gaza thế nào, sau những đau thương mà họ đã trải qua. Seth Moulton, ủy viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho rằng những gì Israel đã thực hiện với Dải Gaza trong 15 năm qua không hiệu quả và họ cần một kế hoạch chiến lược cho vấn đề này.

    "Có vẻ như chiến lược trước mắt của Israel là diệt trừ mối đe dọa ngay sát nách và răn đe các nhóm khác, đặc biệt là Hezbollah, tham chiến", Richard Fontaine, giám đốc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định. "Còn những vấn đề khác, trong đó có câu hỏi ai sẽ quản lý Gaza hậu Hamas, đều chưa có câu trả lời".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tuong-lai-mo-mit-voi-dai-gaza-neu-israel-tan-cong-4665165.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ