Di sản Jeff Bezos để lại cho Amazon
Sau khi từ chức, ông Bezos vẫn giữ vai trò chủ chốt với tư cách là Chủ tịch điều hành của “đứa con cưng” mà ông đã thành lập cách đây 27 năm.
Từ một cửa hàng sách nhỏ đến “gã khổng lồ” nổi tiếng thế giới
Ông Bezos rời đi và để lại một di sản. Amazon từ một cửa hàng sách trực tuyến với quy mô khiêm tốn giờ đây đã trở thành một trong những doanh nghiệp quyền lực nhất thế giới.
Sự chuyển mình này diễn ra sau một chuỗi những thành công ngoạn mục mà ở đó, Amazon đã thu hút sự chú ý nhờ những đổi mới sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bị chỉ trích vì đã lợi dụng quy mô để thực hiện những chiến dịch kinh doanh nhằm “đè bẹp” các đối thủ cạnh tranh và gây lo ngại về cách đối xử với lực lượng người lao động gồm hơn 1 triệu người của mình.
Darrell West, thành viên cấp cao thuộc Trung tâm Đổi mới Công nghệ của Viện Brookings, cho biết: “Ông Bezos đã là một nhà lãnh đạo mang tính chuyển đổi trong các lĩnh vực bán sách, bán lẻ, điện toán đám mây và giao hàng tận nhà.”
Chuyên gia này khẳng định: "Ông ấy là người tiên phong. Ông đã sáng tạo ra rất nhiều tiện ích mà người tiêu dùng giờ đây coi là đương nhiên, chẳng hạn như cửa hàng trực tuyến, đặt hàng và giao hàng đến tận nhà vào ngày hôm sau. Toàn bộ lĩnh vực thương mại điện tử mang rất nhiều dấu ấn cá nhân của ông.”
Trong những lần xuất hiện trước công chúng, ông Bezos thường kể lại những ngày đầu ở Amazon khi ông tự mình thu xếp các đơn hàng và lái xe chuyển đến bưu điện.
Ngày nay, Amazon đã có giá trị thị trường hơn 1.700 tỷ USD, với doanh thu hàng năm là 386 tỷ USD (số liệu năm 2020) từ các hoạt động thương mại điện tử, điện toán đám mây, cửa hàng tạp hóa, trí tuệ nhân tạo, truyền thông trực tuyến và hơn thế nữa.
Nhà lãnh đạo với bản năng tiên phong
Roger Kay, chuyên gia phân tích thuộc công ty cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn Endpoint Technologies Associates, cho biết ông Bezos "có bản năng" tìm kiếm thị trường.
Ông đã khéo léo chuyển đổi từ sách sang các loại hàng hóa khác và đi đầu trong việc xây dựng thị trường trực tuyến.
Cùng với đó, Amazon Web Services, công ty con của Amazon cung cấp các nền tảng điện toán đám mây theo yêu cầu cho các cá nhân, công ty và chính phủ, trên cơ sở trả tiền theo nhu cầu sử dụng, cũng mang lại lợi nhuận rất cao.
Chuyên gia Kay nói Amazon tồn tại lâu hơn các đối thủ bằng cách bỏ qua lợi nhuận trong những năm đầu thành lập và tái đầu tư vào việc mở rộng: “Nếu bạn nhìn vào quỹ đạo bây giờ, tất cả đều hợp lý. Có thể nói, ông Bezos là một trong những kiến trúc sư kinh doanh giỏi nhất trong thời đại của ông ấy.”
Đồng quan điểm này, chuyên gia Bob O'Donnell của hãng tư vấn Technalysis Research cho biết: “Ông Bezos không phải là người đầu tiên hay duy nhất, nhưng ông là người đã nắm bắt khái niệm (về thương mại điện tử) và hoàn thiện nó.”
Theo chuyên gia O'Donnell, Amazon có thể vượt qua các đối thủ vì ông Bezos "nhận ra sự cần thiết của việc xây dựng cơ sở hạ tầng,” bao gồm mạng lưới nhà kho, xe tải, máy bay và các dịch vụ logistics khác cho doanh nghiệp.
Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Amazon đã đưa ông Bezos trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng gần 200 tỷ USD ngay cả sau khi ông đã giải quyết cuộc ly hôn với vợ cũ MacKenzie Scott và trao một phần cổ phần cho bà.
Được biết, ông Bezos sẽ rời bỏ công việc quản lý hàng ngày tại Amazon để dành nhiều thời gian hơn cho các dự án bao gồm công ty vũ trụ Blue Origin của ông - dự kiến sẽ đưa ông vào vũ trụ vào cuối tháng này.
Ông cũng sở hữu tờ báo Washington Post và sẽ dành thời gian cũng như tiền của cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ông cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi một số báo cáo gần đây cho thấy ông đã không đóng thuế thu nhập cá nhân trong một vài năm.
Tương lai nào cho Amazon?
Sự ra đi của ông Bezos để lại những câu hỏi về tương lai của Amazon, khi tập đoàn này đang phải đối mặt với hàng loạt sự giám sát cũng như chỉ trích của các nhà hoạt động.
Các nhà lập pháp Mỹ đang cân nhắc về một biện pháp nhằm chia nhỏ Amazon, giữa bối cảnh họ lo ngại rằng một số công ty công nghệ lớn đã trở nên quá thống trị, gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh và gây hại cho người tiêu dùng.
Amazon đã có vị thế tốt trong đại dịch COVID-19 với khả năng giao hàng hóa nhanh chóng. Đây cũng là khoảng thời gian tập đoàn này tăng lực lượng lao động tại Mỹ lên hơn 800.000 người.
Mặc dù Amazon tự hào về mức lương tối thiểu 15 USD và các chính sách khác của mình, giới phê bình vẫn cho rằng việc tập trung quá nhiều vào tính hiệu quả đã khiến Amazon đối xử với nhân viên như những cỗ máy.
Teamsters Union, là một nghiệp đoàn ở Mỹ và Canada, gần đây đã phát động một chiến dịch nhằm khuyến khích các nhân viên của Amazon tuyên bố rằng họ đang "phải đối mặt với những công việc không an toàn và trả lương thấp, tỷ lệ sa thải cao và không có tiếng nói tại nơi làm việc.”
Hồi đầu năm nay, ông Bezos dường như đã đáp lại những động thái này khi ông kêu gọi việc thiết lập một "tầm nhìn tốt hơn" cho nhân viên.
Trong bức thư cuối cùng với tư cách là Giám đốc điều hành, ông đã đặt ra mục tiêu đưa Amazon trở thành “Nơi sử dụng lao động tốt nhất trên Trái Đất và nơi làm việc an toàn nhất trên Trái Đất.”
Tuy nhiên, Amazon có khả năng phải đối mặt với những thách thức phía trước khiến tập đoàn này khó có thể giữ được quỹ đạo của mình.
Chuyên gia West nói: “Những phản ứng dữ dội lĩnh vực công nghệ có thể sẽ buộc chính phủ giám sát chặt chẽ hơn những công ty này.”
Trong khi đó, chuyên gia Kay cũng bày tỏ quan ngại Amazon có thể trở thành "nạn nhân của sự thành công của chính mình" và buộc phải chia thành hai hoặc nhiều công ty.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nói rằng nếu buộc phải chia nhỏ, "mỗi đơn vị (của Amazon) sẽ phát triển mạnh mẽ trong thị trường riêng của mình. Kết quả là, hoạt động tổng thể có thể sẽ còn thành công hơn rất nhiều và điều này sẽ không khiến các cổ đông phiền lòng.”/.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/nhin-lai-chang-duong-27-nam-cua-ceo-jeff-bezos-va-amazon/724525.vnp