Đến mừng sinh nhật cháu, nhìn đồ ăn trên bàn tôi bắt xe về quê luôn
- Mẹ cũng có tuổi rồi, cứ ở quê nghỉ ngơi đi ạ, lên đây chăm cháu phải thức đêm thức hôm mệt lắm. Bọn con tự xoay xở được.
Các con đã nói vậy nên tôi đành ở quê. Nhưng không ngờ, con dâu lại nhờ mẹ ruột lên ở cùng. Điều này khiến tôi không khỏi suy nghĩ và chạnh lòng, bởi tôi và bà thông gia tuổi tác, sức khỏe ngang nhau. Tôi vẫn còn khỏe chứ có phải cụ bà lọm khọm đâu.
Tuy nhiên, sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn lên ở cùng các con. Nếu có bà thông gia ở đó, tôi chỉ ở khoảng 1-2 tuần rồi về. Nếu bà thông gia bận việc ở quê thì tôi ở khoảng 1-2 tháng, đưa đón cháu đi học rồi về lo cơm nước cho các con.
Trước đây tôi từng có khoảng thời gian tôi lên ở cùng con trai và con dâu. (Ảnh minh họa)
Cách đây ít lâu, cháu nội tổ chức sinh nhật tròn 5 tuổi. Như các năm trước, hai vợ chồng tôi đều bắt xe lên thành phố để thổi nến cùng cháu, nhưng năm nay ông nhà đau chân nên chỉ mình tôi đi. Trước khi đi, tôi có chuẩn bị đầy đủ quà cáp cho cháu cùng ít rau củ nhà trồng được.
Tính đi từ sáng, nhưng các con đi làm về muộn nên tôi căn giờ đi sao cho lúc đến nơi đúng giờ tan làm của con. Bình thường từ nhà tôi lên thành phố chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng đi xe khách, nên tôi lên xe lúc 3 giờ chiều. Nào ngờ đi được nửa đường thì xe hỏng phải dừng lại sửa, thành ra 6 rưỡi tối tôi mới tới nơi.
Hồ hởi bước vào, tôi sững người với cảnh tượng bên trong. Ông bà thông gia cũng đến dự sinh nhật cháu, mọi người đang ngồi quây quần bên mâm cơm. Đáng nói, bánh sinh nhật đã cắt xong, mọi người cũng ăn được nửa bát cơm rồi.
Thấy tôi, con trai và con dâu buông lời trách móc:
- Mẹ làm gì mà đi lâu thế? Giờ này mới đến, chúng con cho cháu thổi nến, cắt bánh sinh nhật xong rồi. Mẹ rửa qua chân tay đi rồi vào ăn cơm.
Nghe mà chạnh lòng. Bình thường nhà con trai ăn cơm lúc 6 rưỡi - 7 giờ tối, nay tôi tới muộn một chút cũng chẳng ai đợi. Cố kìm nén sự bất mãn trong lòng, tôi nặn ra một nụ cười, đưa quà cho cháu nội rồi ngồi vào bàn ăn. Thế nhưng lúc ngồi vào mâm, tôi thật sự không thể kìm nén nổi được nữa.
Nhìn bàn ăn toàn món mình không ăn được, tôi bực dọc hỏi con trai và con dâu tại sao lại vậy. (Ảnh minh họa)
Các con đặt lẩu về ăn, nhưng ngặt nỗi đó là lẩu ếch măng cay. Những món ăn phụ đều có vị chua ngọt, vị cay, nếu không thì cũng có ớt hoặc tiêu, chỉ riêng mấy món nấu riêng cho cháu trai là không cay.
Tôi mắc bệnh dạ dày mãn tính, không ăn được đồ chua cay nóng. Chuyện này các con đều biết, vậy mà trên bàn ăn lại chẳng có món nào tôi ăn được. Khó chịu, tôi hỏi con trai:
- Sao toàn đồ chua cay thế con, mẹ bị đau dạ dày mà?
Con dâu nghe vậy liền nhăn mặt đáp:
- Mẹ ăn mấy miếng cũng có sao đâu? Tiệc này con đặt cách đây mấy hôm rồi. Khi đó mẹ bảo không đi được, sáng nay mẹ mới nói tới dự sinh nhật cháu. Mẹ thay đổi đột ngột thế sao con chuẩn bị kịp?
Nói xong, con dâu còn quay sang lẩm bẩm với chồng:
- Đã bảo mẹ đừng có lên mà cứ lên, giờ lên rồi lại đòi hỏi nọ kia, ai mà chiều cho được.
Tuy con nói nhỏ nhưng vẫn đủ để tôi nghe thấy. Tức giận, tôi buông đũa đứng dậy nói:
- Được, nếu con không thích mẹ đến thì mẹ đi. Từ giờ mẹ sẽ không đến đây nữa.
Nói xong tôi quay ra cửa bắt xe về. Con trai con dâu đuổi theo xin lỗi, ông bà thông gia cũng khuyên can đừng chấp nhặt với con cái, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nguôi ngoai được.
Tôi cảm thấy không được các con tôn trọng, ngay cả con ruột cũng chẳng biết nghĩ cho mẹ. Tôi cảm thấy con coi trọng ông bà ngoại hơn ông bà nội. Ông nhà khuyên tôi đừng nghĩ nhiều, cứ kệ chúng nó nhưng thật sự tôi không làm được.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/tam-su/di-o-to-3-tieng-den-du-sinh-nhat-chau-thay-do-an-tren-ban-toi-bat-xe-ve-que-luon-c391a567012.html