Đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine mRNA trong nước
Trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 sản xuất theo công nghệ mRNA đang là những vaccine có ưu thế nổi trội trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, chính quyền các địa phương và chính quyền liên bang của Australia bắt đầu đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tiến tới việc sản xuất vaccine theo công nghệ mới này ở trong nước.
Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian. Nguồn: Kete Geraghty.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 5/5, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết, chính quyền và các quan chức y tế cũng như các chuyên gia nghiên cứu của bang bắt đầu thảo luận về việc xây dựng cơ sở nghiên cứu và sản xuất vaccine công nghệ mRNA tại bang này.
Bà Berejiklian khẳng định, với ưu thế về lực lượng lao động có chuyên môn, đội ngũ các nhà khoa học chuyên sâu và vị trí thuận lợi, bang New South Wales có thể trở thành một trung tâm sản xuất vaccine công nghệ RNA trong tương lai.
Không chỉ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 bằng công nghệ mRNA, Bộ trưởng Y tế bang New South Wales ông Brad Hazzard cho biết, “sự thành công của việc sử dụng công nghệ RNA trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19 là một trong nhưng dấu hiệu ban đầu cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ này trong nền y học hiện đại” mà cụ thể là trong việc sản xuất các loại vaccine thế hệ mới cũng như các phương pháp điều trị và chẩn đoán mới.
Trước đó, trường Đại học Queensland của Australia cũng vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 2 triệu AUD từ chính phủ Australia để thúc đẩy việc nghiên cứu các vaccine và phương pháp chữa trị bệnh sử dụng công nghệ RNA.
Vào tháng 4/2021, bang Victoria của Australia cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư 50 triệu AUD để xây dựng nhà máy sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA. Theo kế hoạch này, việc xây dựng nhà máy này sẽ mất ít nhất 12 tháng trước khi cho ra đời lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
Vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA là vaccine dạy các tế bào tạo ra một loại protein có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể, để tạo ra kháng nguyên, bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh khi có virus xâm nhập. Nếu so sánh với các loại vaccine truyền thống, vaccine sử dụng công nghệ mRNA được sản xuất nhanh hơn, có hiệu quả cao hơn và an toàn cho người sử dụng. Hạn chế của vaccine này là phải được bảo quản ở nhiệt độ âm và hai liều phải tiêm cách nhau từ 3 đến 4 tuần để đạt được phản ứng miễn dịch cần thiết.
Hiện nay, 2 loại vaccine ngừa Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA là Pfizer và Moderna được đánh giá là những vaccine có hiệu quả cao nhất và an toàn nhất. Tuy vậy, không chỉ dừng lại ở vaccine ngừa Covid-19, các cơ sở nghiên cứu và sản xuất vaccine công nghệ mRNA tạiAustralia cũng sẽ nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ này để sản xuất các loại vaccine và các phương pháp trị bệnh khác./.
Article sourced from VOV.